Nắng hạn kéo dài làm thiếu nước đã gây khó khăn cho việc xuống giống mùa kiệu Tết năm 2013. Cùng với giá kiệu áp Tết năm ngoái rớt mạnh, nông dân trồng kiệu năm nay có vẻ đang chùn bước…
Nắng hạn kéo dài làm thiếu nước đã gây khó khăn cho việc xuống giống mùa kiệu Tết năm 2013. Cùng với giá kiệu áp Tết năm ngoái rớt mạnh, nông dân trồng kiệu năm nay có vẻ đang chùn bước…
Cũng vì thời tiết khắc nghiệt…
Về xã Cam Thành Nam (Cam Ranh, Khánh Hòa) thời gian này, chúng tôi đã thấy lác đác vài mảnh ruộng kiệu được nông dân xuống giống. Ông Nguyễn Văn Thao - một người trồng kiệu tại xã Cam Thành Nam cho biết, nắng hạn kéo dài làm đất khô, thiếu nước nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc xuống giống kiệu Tết. Đối với cây kiệu tại Khánh Hòa, mùa vụ trồng chỉ xê dịch từ giữa tháng 6 đến 20-7 âm lịch; nếu kéo dài hơn, cây kiệu sẽ kém phát triển, còi cọc, thu hoạch không kịp Tết. Tuy nhiên hiện nay, vào thời điểm này đang gặp nắng hạn, hầu hết các khu vực trồng kiệu đều thiếu nước, gây khó khăn cho việc xuống giống. Ông Thao có 1,1ha kiệu hàng năm, năm nay dự định phát triển lên 1,4ha; tuy nhiên, ông chỉ mới xuống giống được 1ha. Do thời tiết khắc nghiệt nên vụ kiệu năm nay tốn nhiều chi phí. Ông Thao phải kéo đường ống dài hơn 400m để lấy nước. Bình quân mỗi ngày, tiền dầu chạy máy mất 15 lít/ha. Bên cạnh đó, công lao động trồng kiệu cũng cao, trước đây bình quân 1,2 - 1,3 triệu đồng/sào (1.000m2), nay tăng lên 1,4 triệu đồng/sào. Ngoài ra, lượng nước bơm tưới thiếu, độ ẩm thấp cũng gây khó khăn cho việc làm đất, xuống giống.
Xuống giống kiệu Tết tại xã Cam Thành Nam (Cam Ranh) |
Ruộng kiệu của ông On (thôn Quảng Phúc, xã Cam Thành Nam) đang huy động khoảng chục nhân công xuống giống. Ông On cho biết, trước đây, ông thường sản xuất 5 - 6 sào, nhưng năm nay chỉ dám làm 1 sào. Sở dĩ như vậy là do thiếu nước và giá kiệu Tết năm ngoái quá thấp. Thiếu nước, ông On phải dẫn ống dài hơn 350m từ ao Cây Thị về để bơm tưới. Tuy nhiên, nước từ ao cũng cạn kiệt dần do trời nắng gắt. Tết năm ngoái, giá kiệu áp Tết chỉ còn 13,5 triệu đồng/sào so với mọi năm (20 triệu đồng/sào) nên không cuốn hút được nông dân đầu tư trồng kiệu. Theo ông On, bình quân tiền đầu tư 1 sào là 13 triệu đồng; thế nhưng năm nay, công lao động, chi phí phân bón, vật tư, bơm tưới đều cao hơn. Hiện nay, công lao động nam đã lên 130 ngàn đồng/người/ngày, nữ 100 ngàn đồng/ngày.
Diện tích kiệu chỉ bằng 50% so với trước
Hiện nay, các ruộng kiệu đều dùng giống từ miền Tây đưa ra. Những năm trước đây, nhiều nông dân xã Cam Thành Nam mạnh dạn thử nghiệm tự làm giống để chủ động sản xuất, không phụ thuộc vào nguồn giống các tỉnh. Tuy nhiên, vào thời điểm làm giống, các tháng 3, 4, 5, 6 âm lịch đều gặp nắng hạn, cây kiệu phát triển không đạt yêu cầu, củ nhỏ nên năm nay, hầu hết mọi người đều lấy giống từ miền Tây, nhất là khu vực huyện Tam Nông (Đồng Tháp).
Theo ông Ngô Văn Nhẹ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Nam, diện tích kiệu năm nay giảm thấp, chỉ bằng 50% so với các năm trước (diện tích kiệu hàng năm khoảng 120 - 130ha). Do thời tiết nắng hạn gây thiếu nước nghiêm trọng, nhiều khu vực trồng kiệu không có nước để làm đất, xuống giống. Mặt khác, vụ kiệu áp Tết năm ngoái giá rớt thê thảm, nông dân thua lỗ, thiệt hại khoảng 30% vốn đầu tư nên không mặn mà khi mùa kiệu đã đến.
Cam Thành Nam là vùng trồng kiệu lớn tại Khánh Hòa. Tuy nhiên, trồng kiệu cũng lắm thăng trầm. Những điều kiện về thời tiết, thị trường đang gây ra nhiều bất lợi cho vụ kiệu năm nay. Dẫu vậy, chưa thể dự báo được điều gì khi mùa thu hoạch kiệu Tết còn khá xa.
Q.V