11:08, 14/08/2012

Quá tải và không bền vững

Do khai thác quá mức, nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch, tình trạng ô nhiễm môi trường đang đe dọa các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản trong vịnh Cam Ranh. 

Do khai thác (KT) quá mức, nuôi trồng thủy sản (NTTS) không theo quy hoạch, tình trạng ô nhiễm môi trường đang đe dọa các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản trong vịnh Cam Ranh. Bên cạnh những khó khăn, thách thức nảy sinh trong quá trình phát triển như chi phí đầu vào quá cao, nguồn lợi ven bờ có dấu hiệu cạn kiệt, thì sự cạnh tranh của các thành phần kinh tế khác có nhiều lợi thế hơn đã khiến nghề KT, NTTS ở Cam Ranh gặp không ít khó khăn.

Khai thác quá mức

Hiện nay, TP. Cam Ranh có gần 2.000 tàu thuyền đánh bắt thủy sản, sản lượng KT hàng năm đạt từ 18.000 - 20.000 tấn, bằng 25% tổng sản lượng toàn tỉnh. Tuy nhiên, tàu có công suất dưới 20CV có tới 1.429/2.000 chiếc, chiếm khoảng 71,5%; tàu có công suất trên 90CV chỉ được 90 chiếc, chiếm 4,5%, trong đó chỉ có gần 20 chiếc hoạt động đánh bắt xa bờ... Do công suất nhỏ, hầu hết các tàu cá ở Cam Ranh chủ yếu KT ở khu vực vịnh Cam Ranh và ven biển trong tỉnh. Chính vì KT quá mức, nguồn lợi ven bờ khu vực vịnh Cam Ranh đang có nguy cơ cạn kiệt, sản lượng đánh bắt có dấu hiệu giảm dần theo từng năm. Bên cạnh sức ép KT quá mức, thực tế sinh tồn của một bộ phận không nhỏ ngư dân làm nghề biển đã dẫn đến tình trạng đánh bắt theo hướng hủy diệt bằng các nghề cấm như giã cào, chất nổ, xung điện… nên nguồn lợi trong khu vực vịnh đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Do khai thác (KT) quá mức, nuôi trồng thủy sản (NTTS) không theo quy hoạch, tình trạng ô nhiễm môi trường đang đe dọa các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản trong vịnh Cam Ranh.
Vùng mặt nước vịnh Cam Ranh dày đặc lồng, bè nuôi trồng thủy sản

 

Theo thống kê, Cam Ranh có số lượng tàu cá công suất nhỏ nhiều nhất tỉnh (dưới 20CV). Những năm gần đây, số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Cam Ranh phát triển tương đối ít. Tuy thành phố đã có chủ trương khuyến khích người dân giảm dần KT gần bờ, đầu tư phát triển KT xa bờ để phát triển bền vững, tuy nhiên, do đặc thù công việc nặng nhọc, độ rủi ro trong nghề KT cao nên không ít chủ tàu đánh bắt thủy sản quay sang đầu tư nuôi tôm hùm lồng. Một nguyên nhân khác là do nguồn vốn để phát triển KT xa bờ rất lớn, trong lúc các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn của Nhà nước rất hạn chế nên ngư dân không đủ điều kiện để đầu tư. Mặt khác, hầu hết lao động trên các tàu cá chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu theo kiểu cha truyền con nối nên khó tiếp cận phương thức sản xuất tiên tiến. Nếu được đầu tư, nhưng tư duy KT vẫn dựa vào kinh nghiệm truyền thống thì độ rủi ro là rất lớn, thậm chí nhiều chủ tàu phải bán phương tiện vì KT không hiệu quả.

Nuôi trồng không bền vững

Theo báo cáo của phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, diện tích đất quy hoạch NTTS trên địa bàn có hơn 1.117ha, tập trung ở 11/15 xã, phường ven biển. Những năm gần đây, một phần đất trong vùng NTTS đã được quy hoạch để phát triển công nghiệp, xây dựng nhà máy đóng tàu, du lịch nên diện tích nuôi trồng còn khoảng hơn 850ha; dự kiến đến năm 2015 còn hơn 500ha. Ngoài việc hao hụt diện tích đất, tình trạng nuôi trồng không theo quy hoạch, nhiều vùng nuôi trong vùng đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Đến hết tháng 7 năm 2012, toàn thành phố chỉ thả nuôi được 580ha/850ha diện tích, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, cá mú, cá chẻm, ốc hương…; sản lượng nuôi hàng năm chỉ đạt từ 3.000 - 4.000 tấn hải sản các loại. Tuy nhiên, do chi phí đầu vào như thức ăn, xăng dầu quá cao, trong khi hiệu quả nuôi đạt thấp nên người dân gặp không ít khó khăn.

Theo quy hoạch NTTS của thành phố giai đoạn 2010 - 2015, diện tích mặt nước trong vùng vịnh Cam Ranh được quy hoạch nuôi tôm hùm lồng là 187ha, tập trung ở 2 khu vực Bình Ba, Bình Hưng thuộc xã Cam Bình; 229ha nuôi rong sụn, vẹm xanh thuộc xã Cam Lập; còn lại các vùng ven biển của các phường Cam Nghĩa, Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam, Cam Thuận, Cam Phú, Cam Linh, Ba Ngòi… được quy hoạch nuôi các loài động vật thân mềm, nhuyễn thể 2 vỏ… Tuy nhiên, do công tác quản lý còn buông lỏng, tốc độ phát triển các lồng bè NTTS trong vịnh thời gian qua tăng đến chóng mặt. Thống kê sơ bộ, toàn thành phố hiện có hơn 12.700 lồng tôm hùm, hơn 100 lồng nuôi cá biển; 100 lồng nuôi ốc hương; hàng chục ngàn cọc thả nuôi vẹm xanh…, hầu hết diện tích mặt nước trong vùng trong vịnh Cam Ranh đều dày đặc các lồng bè NTTS. Do phát triển tự phát, tình trạng nuôi trồng ở khu vực vịnh Cam Ranh đang quá tải, mật độ nuôi quá dày, nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm nên tình trạng dịch bệnh trên tôm, cá thường xuyên xảy ra khiến nhiều hộ nuôi trồng thua lỗ, thậm chí mất trắng.

Để nghề KT, NTTS phát triển bền vững, Cam Ranh cần quy hoạch lại các vùng nuôi theo đối tượng phù hợp cho từng vùng sinh thái và theo mùa vụ; tăng cường quản lý các yếu tố đầu vào, trong đó chú trọng quản lý chất lượng giống và thức ăn. Mặt khác, nghiêm cấm các hình thức đánh bắt, ngành nghề KT trái phép, chấn chỉnh lại các hoạt động KT gần bờ, khuyến khích đầu tư đánh bắt xa bờ nhằm giảm thiểu KT quá mức trong vịnh Cam Ranh. Bên cạnh đó, song song với phát triển các ngành nghề, cụm công nghiệp ven biển, thành phố cần có giải pháp chuyển đổi nghề cho người dân để phát triển hài hòa giữa các ngành kinh tế và nghề KT, NTTS. Bởi hiện nay, một số bộ phận cư dân không nhỏ đang sinh kế trong khu vực vịnh lại gặp không ít khó khăn trong chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo…

CHÂU AN KHÁNH