Từ đầu năm đến nay, giá gỗ nguyên liệu và các yếu tố đầu vào tăng cao, trong khi thị trường xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa suy giảm đã khiến các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, giá gỗ nguyên liệu và các yếu tố đầu vào tăng cao, trong khi thị trường xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa suy giảm đã khiến các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ trong nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói riêng gặp nhiều khó khăn.
. Đầu vào tăng cao
Thời gian qua, không chỉ giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu mà giá gỗ nguyên liệu trong nước cũng tăng cao từ 15 - 20% so với thời điểm cuối năm 2011, khiến cho nhiều DN hoạt động trong ngành này đứng trước khó khăn. Ông Trần Văn Hùng - Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Việt Đức (huyện Diên Khánh) cho biết: “Đối với ngành chế biến gỗ, gỗ nguyên liệu chiếm khoảng 60% giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, từ lâu các DN chế biến gỗ xuất khẩu đã phải nhập 60 - 70% nguyên liệu. Tại công ty chúng tôi, 100% gỗ thông nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng gỗ xuất khẩu đều phải nhập khẩu từ New Zealand. Chính vì vậy, giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị sản phẩm đạt thấp, ngành chế biến gỗ rất khó chủ động phát triển”.
Không chỉ giá các loại nguyên liệu gỗ tăng cao, giá các phụ liệu kèm theo như sắt, thép, inox sử dụng trong chế biến đồ gỗ nội thất cũng tăng hơn 40%. Với mức tăng này, giá thành sản phẩm gỗ xuất khẩu tại các DN buộc phải tăng thêm 15 - 20%. Bên cạnh đó, giá điện, xăng dầu, cước phí vận tải… tăng buộc các DN phải nâng giá thành sản phẩm.
Ông Nguyễn Cảnh Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hoàng Gia Nguyên (TP. Nha Trang) cho rằng: “Không chỉ giá gỗ nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng mà lãi suất ngân hàng tuy đã được điều chỉnh giảm nhưng vẫn ở mức cao khiến các DN càng khó cạnh tranh. Nếu nhà đầu tư nước ngoài đem vốn vào Việt Nam mở nhà máy chế biến gỗ thì chúng ta cũng thua luôn trên sân nhà. Lý do là họ có cùng chi phí nhân công, nguyên vật liệu nhưng lại có chi phí tài chính khá thấp bởi lãi suất vốn vay ở nước ngoài thấp hơn Việt Nam”.
Các mặt hàng gỗ thành phẩm của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hoàng Gia Nguyên tồn kho nhiều |
. Đầu ra khó khăn
Bên cạnh những khó khăn do các yếu tố đầu vào tăng cao, các DN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh còn đối diện với một thách thức lớn khác khi thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Mặt Trời (Khu Công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm) cho biết: “Hiện xuất khẩu gỗ của Việt Nam chủ yếu vào hai thị trường chính là Hoa Kỳ và châu Âu, nhưng do các thị trường này đang gặp khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên sức tiêu thụ sản phẩm rất chậm. Tính đến nay, các đơn hàng xuất khẩu của Chi nhánh Công ty đã giảm đến 30% so với cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm sâu”. Tương tự, 7 tháng qua, Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Việt Đức chỉ xuất khẩu được 30 container sản phẩm, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 493 nghìn USD. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, các DN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh chỉ xuất khẩu được 17,65 triệu USD sản phẩm gỗ, giảm 17,25% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ thị trường bị thu hẹp mà đồ gỗ xuất khẩu còn gặp trở ngại khi xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, bởi 2 thị trường này đặt ra những điều khoản khắt khe như: nguồn nguyên liệu phải đạt chuẩn; gỗ nội địa phải có chứng chỉ quản lý rừng của Hội đồng rừng quốc tế; gỗ nhập khẩu phải kiểm soát được nguồn gốc. Đây là những điều khoản rất khó thực hiện đối với các DN chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam.
Trước đây, các DN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh thường chú trọng xuất khẩu nên đã bỏ qua thị trường nội địa vốn có nhiều tiềm năng, tình trạng này đã khiến cho đồ gỗ ngoại tràn vào chiếm lĩnh thị trường trong nước. Đến nay, khi thị trường xuất khẩu suy giảm, nhiều DN tìm đường quay lại với thị trường nội địa thì lại gặp khó do sức tiêu thụ của thị trường trong nước giảm. Ông Nguyễn Cảnh Nguyên cho biết: “Nguyên nhân là do các công trình xây dựng ít được triển khai trong thời gian qua kéo theo nhu cầu về các sản phẩm gỗ giảm sút. Tại công ty chúng tôi, trước nay sản phẩm làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó; các hợp đồng cung cấp đồ gỗ nội thất cho những khách sạn trên địa bàn tỉnh ký kết được đều có giá trị hơn 1 tỷ đồng; mỗi năm cung cấp hàng nghìn sản phẩm cho thị trường trong tỉnh. Nhưng hiện nay, do khó khăn về thị trường, nên chúng tôi đành phải chấp nhận ký những hợp đồng có giá trị nhỏ chỉ khoảng 150 triệu đồng. Tính đến hết tháng 7-2012, giá trị hàng tồn kho của công ty đã lên đến vài tỷ đồng”.
Đầu vào tăng cao, đầu ra giảm sút đang là vấn đề hết sức khó khăn đối với các DN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Hiện các DN đang tập trung biện pháp để tăng cường tìm kiếm thị trường, cơ cấu lại hoạt động, tiết giảm chi phí sản xuất nhằm đảm bảo kế hoạch năm 2012; đồng thời kỳ vọng năm 2013 thị trường xuất khẩu và nội địa sẽ có dấu hiệu phục hồi.
BÍCH LA