10:08, 14/08/2012

Tìm kiếm khách hàng mới để gỡ khó

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang phải đối diện với nhiều khó khăn, nhất là khi thị trường bị thu hẹp. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm khách hàng mới để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra ngay từ đầu năm.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang phải đối diện với nhiều khó khăn, nhất là khi thị trường bị thu hẹp. Trước tình hình đó, các DN đang tích cực tìm kiếm khách hàng mới để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra ngay từ đầu năm.

.  Nhiều khó khăn

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, 7 tháng đầu năm nay, các DN đã xuất khẩu được 30,36 triệu USD hàng dệt may, chỉ tăng 6,54% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của lãnh đạo các DN dệt may trên địa bàn tỉnh, có 4 nguyên nhân chính khiến ngành dệt may gặp khó khăn. Đó là kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, xuất khẩu dệt may vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu gặp nhiều khó khăn do đơn hàng sụt giảm; tỷ lệ nội địa hóa thấp, phải nhập khẩu 70 -80% nguyên phụ liệu đã khiến cho giá trị gia tăng của ngành dệt may đạt thấp; các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất như: nguyên liệu, điện, xăng dầu… liên tục tăng thời gian qua khiến lợi nhuận của DN không cao; ngành dệt may lại phải đối diện với tình trạng khan hiếm lao động.

Ông Võ Đình Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết: “Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng trưởng 11,2%, trong khi đó 6 tháng đầu năm 2011 tăng trưởng hơn 35%. Nguyên nhân chính của việc sụt giảm tốc độ tăng trưởng chính là đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… giảm khoảng 20%. Bên cạnh đó, các mặt hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam bị nhiều sức ép cạnh tranh gay gắt về giá cũng như rào cản thuế quan so với các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh… Tại Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, các đơn hàng xuất khẩu ký kết được trong 6 tháng đầu năm 2012 đã giảm 15-20%, tổng doanh thu của Công ty chỉ đạt 510 tỷ đồng, bằng 46,36% kế hoạch năm 2012; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 6 triệu USD”.

Ông Trần Vĩnh Thủy - Giám đốc Công ty Cổ phần May Khánh Hòa phân tích: “Lợi thế lao động giá rẻ của ngành dệt may Việt Nam đang mất dần. Trong nước, khi kinh tế ngày càng phát triển, nhiều ngành nghề mới thu hút được lao động đã khiến lực lượng lao động ngành dệt may ngày càng khan hiếm. Trong khi đó, nếu so sánh với các nước xuất khẩu dệt may khác như: Bangladesh giá nhân công chỉ 70-80 USD/người/tháng, Campuchia khoảng 110 USD/người/tháng, Indonesia khoảng 140 USD/người/tháng… thì giá nhân công của Việt Nam cao hơn, khoảng 160 USD/người/tháng. Để giải bài toán lao động, nhiều đơn vị dệt may đã chuyển sang đầu tư chiều sâu, cải tiến thiết bị công nghệ, giảm lao động thủ công. Tuy nhiên, việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ cần số vốn rất lớn, không phải một sớm một chiều có thể đầu tư được”.

. Tập trung tìm kiếm khách hàng mới

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, nhất là khi thị trường bị thu hẹp. Trước tình hình đó, các DN đang tích cực tìm kiếm khách hàng mới để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra ngay từ đầu năm.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Cổ phần May Khánh Hòa

Theo nhận định của các DN dệt may trên địa bàn tỉnh, khó khăn của ngành dệt may kéo dài từ những năm trước sang đến 6 tháng đầu năm nay và sẽ chạm đáy trong quý III, phục hồi dần trong quý IV/2012. Đến thời điểm này, hầu hết các DN dệt may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã ký kết được các đơn hàng xuất khẩu phục vụ sản xuất đến hết tháng 10, tháng 11. Tuy nhiên, do thị trường bị thu hẹp, hầu hết các đơn hàng đều có số lượng thấp, đơn giá không cao nhưng để đảm bảo kế hoạch sản xuất, các đơn vị vẫn phải chấp nhận ký kết. Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2012, các DN đang tiếp tục tìm kiếm, phát triển thị trường mới. “Trước những khó khăn phải đối mặt, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang đang tập trung tìm kiếm, phát triển thêm các khách hàng mới. Vừa qua, Công ty đã phát triển thêm 2 khách hàng mới tại thị trường Nhật Bản dù khối lượng, giá thành các đơn hàng ký kết được không cao. Bên cạnh đó, Công ty tiến hành quy hoạch lại sản xuất của các nhà máy, tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động; đảm bảo giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động… Trên cơ sở đó, Công ty phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2012 như: tổng doanh thu đạt 110 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 12 triệu USD” - ông Võ Đình Hùng chia sẻ.

Tương tự, để thực hiện đạt các chỉ tiêu năm 2012 như: doanh thu đạt 200 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 11,5-12 triệu USD, Công ty Cổ phần May Khánh Hòa đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, phát triển thêm một số khách hàng mới tại thị trường Mỹ, tăng cường công tác đầu tư, nâng cao năng lực, tiết giảm chi phí sản xuất. Ông Trần Vĩnh Thủy cho biết: “Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN của tỉnh đã góp phần giúp DN vượt khó. Tuy nhiên, trước những khó khăn đang đối mặt, bên cạnh nỗ lực của DN, rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, nhất là việc hỗ trợ DN trong việc phát triển thị trường mới”.

Từ năm 2010, xu hướng chuyển dịch các đơn hàng giá rẻ từ Trung Quốc sang Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị có đủ đơn hàng sản xuất; tuy nhiên về lâu dài, khi các yếu tố vốn là lợi thế của ngành dệt may Việt Nam mất dần thì việc lựa chọn khách hàng tiềm năng cần được các đơn vị chú ý. Trước những khó khăn đang đối mặt, ngành dệt may xuất khẩu hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Về lâu dài, các DN dệt may cần có sự đột phá về năng suất, công nghệ; giải được các bài toán nội địa hóa và thu hút lao động thì mới có thể tiếp tục phát triển một cách bền vững.

BÍCH LA