Từ năm 2011 đến nay, chi phí sản xuất tăng cao trong khi thị trường vật liệu xây dựng ế ẩm đã khiến cho hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch, ngói tại thị xã Ninh Hòa và nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Nhiều cơ sở đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.
Từ năm 2011 đến nay, chi phí sản xuất tăng cao trong khi thị trường vật liệu xây dựng ế ẩm đã khiến cho hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất (CSSX) gạch, ngói tại thị xã Ninh Hòa và nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Nhiều cơ sở đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.
. Tiêu thụ chậm
Một cơ sở sản xuất gạch tại xã Ninh Xuân phải hoạt động cầm chừng do khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm |
Tuy đang là mùa xây dựng nhưng việc tiêu thụ sản phẩm gạch tuynen, gạch đất sét nung tại các cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn TP. Nha Trang và các địa phương trong tỉnh rất chậm. Quan sát các cửa hàng VLXD tại TP. Nha Trang, hiếm hoi lắm chúng tôi mới thấy khách hàng vào mua gạch. Ông Trần Quốc Thiện - chủ Cửa hàng VLXD Quốc Thiện (đường Lê Hồng Phong - TP. Nha Trang) cho biết: “Tình trạng gạch tuynen, gạch đất nung tiêu thụ chậm, số lượng ít đã kéo dài từ năm 2011 đến nay. Nếu như trước đây, mỗi tháng, cửa hàng tiêu thụ được 80 - 90 nghìn viên gạch thì nay số lượng gạch bán ra đã giảm 50%. Buôn bán ế ẩm đang là tình hình chung tại nhiều cửa hàng VLXD hiện nay”.
Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, từ năm 2011 đến nay, tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, cắt giảm đầu tư công, các dự án bất động sản tạm dừng hoặc giãn tiến độ, nhiều công trình xây dựng không có vốn để triển khai… đã dẫn đến nhu cầu tiêu thụ VLXD giảm sút đáng kể, trong đó có gạch xây dựng.
Tại CSSX gạch Lộc Thành (xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa), 7 tháng đầu năm, lượng gạch tiêu thụ bình quân khoảng 200 nghìn viên/tháng, giảm 40% so với những năm trước. Hiện nay, số gạch mộc và gạch thành phẩm tồn hơn 500 nghìn viên, số vốn chôn trong hàng tồn kho hơn 700 triệu đồng. Ông Lê Thành Tốn - chủ cơ sở cho biết: “Tuy chi phí đầu vào tăng cao, nhất là giá đất sét tăng thêm 30% (tăng lên 150 nghìn đồng/m3), nhưng gạch thành phẩm tiêu thụ số lượng ít và rất chậm nên chúng tôi buộc phải hạ giá để bán được gạch, giải phóng hàng tồn kho, vì vậy lợi nhuận rất thấp”. Đến các CSSX gạch thủ công tại xã Ninh Xuân, chúng tôi đều bắt gặp sự lo lắng của chủ cơ sở khi nhìn vào những đống gạch chưa bán được. Bởi số vốn họ bỏ ra vẫn đang nằm theo số gạch tồn kho mà chưa biết đến khi nào mới thu hồi được.
. Nhiều cơ sở đóng cửa
Gạch tồn kho nhiều khiến cho chủ các cơ sở sản xuất gạch ở xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) rất lo lắng. |
Thị xã Ninh Hòa là nơi sản xuất gạch lớn nhất tỉnh. Dọc theo Quốc lộ 26 đoạn qua các xã: Ninh Phụng, Ninh Xuân…, chúng tôi bắt gặp không ít CSSX gạch đã đóng cửa. Ở xã Ninh Phụng, nếu như năm 2010, toàn xã có hơn 20 CSSX gạch thì nay 10 cơ sở đã phải đóng cửa, còn hơn 10 cơ sở đang hoạt động cầm chừng, chờ đóng cửa. Ông Võ Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phụng lý giải: “Thiếu nguyên liệu và sản phẩm không tiêu thụ được là nguyên nhân chính khiến cho các CSSX gạch thủ công tại địa phương phải đóng cửa”. Còn tại xã Ninh Xuân, nếu như năm 2010, toàn xã có gần 100 CSSX gạch thì đến nay chỉ còn 64 cơ sở hoạt động cầm chừng. Ông Võ Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân lo lắng: “Hiện nay, xã Ninh Xuân có khoảng 1.200 lao động trực tiếp tại các lò gạch. Khi các CSSX gạch đóng cửa, đời sống của hàng nghìn người dân sẽ bị ảnh hưởng lớn. Người dân rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành”.
Ông Trần Lân - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã Ninh Hòa cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 3 nhà máy sản xuất gạch, ngói tuynen và khoảng 100 CSSX gạch thủ công, tập trung chủ yếu tại các xã: Ninh Xuân, Ninh Phụng, Ninh Quang, Ninh Tân… Mỗi năm, các cơ sở có thể cung ứng cho thị trường hơn 100 triệu viên gạch. Từ năm 2010 đến nay, tình hình sản xuất và tiêu thụ gạch tại các CSSX rất khó khăn do nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, sản phẩm tiêu thụ chậm. Tính đến nay, các cơ sở chỉ mới tiêu thụ khoảng 85 triệu viên. Càng về cuối năm, khi nhu cầu xây dựng giảm mạnh, tình hình sẽ càng khó khăn hơn”.
Không chỉ các CSSX gạch thủ công, tình hình tại các nhà máy gạch tuynen cũng không khá hơn. Đầu vào tăng cao, lại gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nên cuối năm 2011, Xí nghiệp Gạch ngói Ninh Hòa - TN25 (Công ty Cổ phần VLXD Khánh Hòa) đã phải tạm ngưng hoạt động 1 tháng. Đến năm 2012, Xí nghiệp tiếp tục sản xuất trong điều kiện khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra. Giá gạch không điều chỉnh tăng nhưng do khó tiêu thụ nên đến nay số gạch tồn trên bãi hơn 2 triệu viên. Một lãnh đạo Xí nghiệp cho biết, dự kiến năm 2012, Xí nghiệp Gạch ngói Ninh Hòa - TN25 chỉ sản xuất và tiêu thụ được khoảng 20 triệu viên, đạt 2/3 công suất nhà máy. Đến quý IV/2012, khi nhu cầu xây dựng giảm còn 10 - 20% so với các tháng giữa năm, lượng gạch tồn kho sẽ tăng cao, nhà máy tiếp tục đứng trước nguy cơ tạm ngưng hoạt động.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 nhà máy sản xuất gạch, ngói tuynen tại các địa phương: Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh, có năng lực sản xuất hơn 180 triệu viên/năm, cung ứng cho thị trường xây dựng tại Khánh Hòa và các tỉnh lân cận. Do gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ nên nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói tuynen chỉ hoạt động từ 30 đến 50% công suất. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 800 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Hiện, các cơ sở đang cố gắng duy trì hoạt động cầm chừng để chờ đến mùa xây dựng năm sau. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thị trường VLXD sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2013.
BÍCH LA