10:07, 09/07/2012

Cơ hội để phát triển bền vững

Theo thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đầu năm 2012, do thiếu nguyên liệu và vốn, đã có 470/800 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ngừng hoạt động. 

Theo thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (XKTS) Việt Nam (VASEP), đầu năm 2012, do thiếu nguyên liệu và vốn, đã có 470/800 doanh nghiệp (DN) XKTS của Việt Nam ngừng hoạt động. Riêng Khánh Hòa, có 3/36 DN ngừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) vì phá sản. Vấn đề tái cấu trúc DN XKTS đã được đặt ra, nhưng để hình thành mới một loạt DN thủy sản có sức cạnh tranh cao, phát triển bền vững, ứng phó được với những biến động của thị trường không phải là chuyện đơn giản.

. Bộc lộ điểm yếu khi thị trường biến động

Hiện nay, toàn tỉnh có 36 DN với 44 nhà máy, phân xưởng chế biến thủy sản xuất khẩu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành. Trong đó có 22 phân xưởng đạt tiêu chuẩn được cấp Code xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Năm 2011, tổng sản phẩm thủy sản chế biến đạt gần 70.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 310 triệu USD. Từ nhiều năm nay, Khánh Hòa luôn nằm trong 4 tỉnh đứng đầu cả nước về XKTS. Sản phẩm của các DN đã có mặt ở 60 thị trường trên toàn cầu. Với lực lượng DN XKTS nói trên đã tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm từ nuôi trồng, khai thác, giải quyết việc làm, góp phần không nhỏ trong việc tăng trưởng kinh tế địa phương.


 Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Cafico Việt Nam.
 Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Cafico Việt Nam.

 

Tuy phát triển nhanh về lượng nhưng khi tình hình kinh tế suy thoái, thị trường biến động, các DN XKTS Khánh Hòa đã bộc lộ điểm yếu. Không thể phủ nhận, thời gian qua, các DN thủy sản Khánh Hòa đã đầu tư lớn vào cơ sở vật chất như: thiết bị, nhà máy, nhân sự… Tuy nhiên, việc ứng dụng linh hoạt các giải pháp công nghệ hiện đại vào quy trình quản lý sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả đồng vốn, chất lượng sản phẩm, quản lý hàng tồn, quản lý quy trình xuất nhập khẩu, quản trị hệ thống phân phối, kiểm soát các chỉ tiêu tài chính, quản trị khách hàng… vẫn chưa tương xứng. Mặt khác, do đặc thù của lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu hầu hết là DN ngoài quốc doanh, thường không đủ khả năng tài chính nên luôn phải vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động SXKD. Nhiều DN dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư phát triển dài hạn. Lúc thuận lợi, nhiều DN đầu tư quá lớn, vượt khả năng SXKD. Mặt khác, một số DN không tập trung vào công tác quản trị, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường mà chỉ chú trọng khai thác thị trường bằng các sản phẩm đơn điệu. Vì thế, khi ngân hàng siết chặt tín dụng, thị trường xuất khẩu giảm sút, DN đã rơi vào tình trạng khó khăn. Khó khăn mà DN đang gặp phải là thiếu nguyên liệu, thiếu vốn, chi phí đầu vào tăng, thị trường xuất khẩu giảm, khả năng cạnh tranh sản phẩm thấp… Ông Đào Công Thiên - Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, hiện nay, khó khăn lớn nhất của DN XKTS chính là nguồn vốn và nguyên liệu để duy trì SXKD. Do phát triển ồ ạt, thiếu định hướng, không quy hoạch vùng nguyên liệu nên hàng loạt nhà máy lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu chế biến, chỉ hoạt động chưa tới 50% công suất thiết kế. Chính vì vậy, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, ngân hàng siết chặt tín dụng, không ít DN thủy sản rơi vào bế tắc. Nhiều DN đã phải ngưng hoạt động, số khác phải chấp nhận trở thành nhà cung cấp hàng cho DN khác xuất khẩu hoặc chuyển hướng kinh doanh.

. Tái cấu trúc: lời giải để ổn định lâu dài

Có thể thấy, bên cạnh nguyên nhân ở điều hành vĩ mô, hiện nay, chính sách tiền tệ, hoạt động tín dụng chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN. Mặt khác, do một số DN quản lý thiếu khoa học, không liên kết, hợp tác được trong chuỗi giá trị gia tăng nên khi gặp khó khăn từ bên ngoài, nguồn lực của đơn vị vừa tích lũy được đã bị tổn thất nhanh chóng. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, kiến nghị bãi miễn các loại phí, thuế…; làm việc với ngành Ngân hàng tìm cách tháo gỡ vốn cho DN như: gia hạn nợ vay, hỗ trợ vốn cho phát triển vùng nguyên liệu, DN được khoanh nợ để vay vốn lưu động… Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ trên chỉ là giải cứu tạm thời; lời giải ổn định lâu dài cho ngành Thủy sản, cho DN là phải tái cấu trúc hoạt động của ngành, nhất là từ trong các DN. Tái cấu trúc để hình thành mới một loạt DN thủy sản có sức cạnh tranh cao, phát triển bền vững, ứng phó được với các biến động của thị trường.

Đến thời điểm này, Khánh Hòa có 3/36 DN gồm: Công ty Sao Đại Hùng, Công ty Việt Long, Doanh nghiệp tư nhân Việt Thắng với 4 nhà máy và nhiều phân xưởng đang bị đóng cửa, ngừng mọi hoạt động SXKD vì phá sản. Các DN còn lại chỉ hoạt động 50 - 60% công suất vì thiếu nguyên liệu. Tuy vậy, trong khó khăn như trên vẫn có không ít DN SXKD hiệu quả, vượt qua khó khăn nhờ tái cấu trúc hoạt động (tự đầu tư vùng nuôi, cơ cấu lại chiến lược thị trường, cơ cấu lại sản phẩm, thay đổi phương thức quản trị…). Nhờ tái cơ cấu kịp thời, một số DN XKTS lớn của Khánh Hòa như: Công ty Cổ phần Thủy sản Nha Trang Seafoods - F17, Công ty TNHH Hải Vương, Công ty TNHH Đại Dương, Công ty Cổ phần Cafico Việt Nam… đang hoạt động ổn định.

Trên thực tế, các DN đã phá sản, đang hoạt động cầm chừng là do yếu về công tác quản lý, nguồn tài chính hạn chế, không được đầu tư công nghệ chế biến hiện đại, sản phẩm đơn điệu và không có thị trường. Do vậy, việc giảm dần các DN thủy sản yếu kém và các nhà máy nhỏ lẻ, không đủ khả năng tài chính, quản trị, thiếu đầu tư nguyên liệu… sẽ là cơ hội sắp xếp lại ngành Thủy sản, hướng đến xuất khẩu bền vững. Theo đó, các DN phải tự đánh giá lại một cách trung thực về năng lực, tái cấu trúc phương thức quản trị bài bản, khoa học hơn; đầu tư đúng mực, không vượt quá tầm kiểm soát để đưa hoạt động của mình thích ứng được với tình hình mới và phát triển bền vững.

ANH TUẤN