02:07, 12/07/2012

Ngân hàng rút lãi suất tất cả các khoản vay cũ về tối đa 15%/năm

 

Sáng 11-7, một số ngân hàng thương mại đã thông tin về việc triển khai yêu cầu giảm lãi suất cho các khoản vay cũ mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại hội nghị ngành cuối tuần qua.

 

Theo ý kiến của một người trong cuộc, dĩ nhiên các ngân hàng đều rất muốn giảm lãi suất thật mạnh cho khách hàng, nhưng điều kiện của mỗi thành viên là khác nhau.
Theo ý kiến của một người trong cuộc, dĩ nhiên các ngân hàng đều rất muốn giảm lãi suất thật mạnh cho khách hàng, nhưng điều kiện của mỗi thành viên là khác nhau.

Sáng 11-7, một số ngân hàng thương mại đã thông tin về việc triển khai yêu cầu giảm lãi suất cho các khoản vay cũ mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại hội nghị ngành cuối tuần qua.

Sau Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng vừa thông báo triển khai kế hoạch điều chỉnh lãi suất cho các khoản vay cũ.

Tại VietinBank, lãi suất tất cả các khoản vay sẽ được hạ xuống tối đa 15%/năm kể từ ngày 15-7 tới.

SHB cũng sẽ tiến hành điều chỉnh cho tất cả các khoản vay cũ hiện đang có lãi suất trên 15%/năm, không phân biệt khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp, không phân biệt lĩnh vực. Việc điều chỉnh này được thực hiện ở các khoản vay đến kỳ điều chỉnh và cả chưa đến kỳ điều chỉnh.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, cho biết, trong quá trình xét điều chỉnh, mức 15%/năm sẽ là tối đa, còn theo xếp hạng tín dụng nội bộ sẽ có những khoản được giảm dưới 15%/năm.

Ông Lê cho biết thêm, trước khi có chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị ngành ngày 7-7 vừa qua, từ tháng 4-2012, SHB cũng đã thực hiện giảm lãi suất cho khoảng 5.500 khoản vay với dư nợ 8.570 tỷ đồng, kể cả những khoản chưa đến hạn điều chỉnh. Nguồn thu từ tín dụng theo đó giảm 15,53 tỷ đồng/tháng.

Còn nay, lượng dư nợ có lãi suất trên 15%/năm của ngân hàng này hiện chiếm khoảng 35% trong khoảng 33.000 tỷ đồng tổng dư nợ.

Về ảnh hưởng của đợt điều chỉnh này, ông Lê nói rằng chắc chắn sẽ làm giảm lợi nhuận, nhưng đây là thời điểm cần phải triển khai.

“Chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Từ đầu năm trần lãi suất huy động là 14%/năm, các khoản tiền gửi kỳ hạn dài chưa đến thời điểm đáo hạn buộc ngân hàng tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả lãi huy động đó. Nhưng hoạt động của ngân hàng luôn đồng hành với doanh nghiệp, doanh nghiệp khó khăn thì ảnh hưởng của ngân hàng. Trong giai đoạn này hoạt động của ngân hàng không phải chạy theo lợi nhuận nữa, mà đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu và tăng hỗ trợ doanh nghiệp, để làm sao doanh nghiệp hoạt động an toàn thì ngân hàng an toàn”, ông Lê nói.

Về ảnh hưởng đó, Tổng giám đốc SHB cho rằng các cổ đông cũng sẽ thông cảm và chia sẻ. “Với tình hình khó khăn của nền kinh tế hiện nay, cổ đông sẽ thông cảm và chia sẻ với ngân hàng, vì cổ đông cũng là doanh nghiệp, là người kinh doanh và họ thấu hiểu khó khăn chung hiện nay. Ngân hàng không thực hiện được kế hoạch lợi nhuận thì cổ đông cũng sẽ hiểu và chia sẻ”.

Trong khi đó, ở một chiều thông tin khác, sau khi đọc bài viết về vấn đề này, tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ tại Hà Nội gọi điện cho người viết nêu quan điểm của mình.

Ông nói rằng: “Tiếc là tại hội nghị ngành vừa qua tôi không được phát biểu. Nếu phát biểu thì điểm đầu tiên tôi nói sẽ là tính pháp lý của yêu cầu điều chỉnh này. Cho đến nay, việc thông báo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đối với ngân hàng thương mại thực hiện là chưa đủ về pháp lý, trong khi can thiệp một hoạt động có ảnh hưởng lớn tới ngân hàng, tới các mối quan hệ tín dụng trong nền kinh tế”.

Thứ hai, theo vị tổng giám đốc này, dĩ nhiên các ngân hàng đều rất muốn giảm lãi suất thật mạnh cho khách hàng, nhưng điều kiện của mỗi thành viên là khác nhau và không thể cào bằng.

Phân tích mà ông đưa ra là: Hiện nay hầu hết các ngân hàng nhỏ không có được điều kiện thuận lợi như các ngân hàng lớn, nhất là khối quốc doanh. Khối quốc doanh thường có 30 - 40% tỷ trọng nguồn vốn là tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức lớn lãi suất rất thấp, do đó kéo được giá vốn bình quân xuống, còn các ngân hàng nhỏ huy động nhỏ lẻ, chủ yếu từ dân cư, chi phí huy động cao hơn nhiều. “Cho nên việc cào bằng ngay 15%/năm đối với tất cả các thành viên là rất khó và nếu thực hiện chắc chắn năm nay sẽ có nhiều ngân hàng nhỏ lỗ”.

Ở một diễn biến khác, ông cho biết, sau khi có thông tin ra thị trường về chủ trương trên, và cả thông tin lo ngại những trường hợp “áp lãi suất 0%/năm cũng không trả được”, có hiện tượng khách hàng dựa vào đó để chây ỳ trả nợ, khiến áp lực nợ xấu càng căng.

Trong tin nhắn gửi phóng viên, giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại TP.HCM cũng cho biết nhiều khách hàng đã đến đặt yêu cầu giảm lãi suất về 15%/năm dù chưa đến kỳ điều chỉnh…

Hiện có những ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng khi đã có chỉ đạo và sau 15-7 Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức triển khai, việc giảm lãi suất cho các khoản vay cũ có thể là sẽ bắt buộc(?).

Theo VnEconomy