Lượng du khách, nhất là khách quốc tế càng đông, các doanh nghiệp lữ hành càng thiếu hướng dẫn viên du lịch giỏi, giàu kinh nghiệm.
Lượng du khách, nhất là khách quốc tế càng đông, các doanh nghiệp (DN) lữ hành càng thiếu hướng dẫn viên (HDV) du lịch giỏi, giàu kinh nghiệm.
.Thiếu hướng dẫn viên
Có thẻ HDV quốc tế, 5 năm chủ yếu dẫn khách quốc tế đi những tour xuyên Việt, anh Phan Đình Thảo (Công ty Du lịch Bến Thành) cho rằng, HDV đi tour phải có thể lực tốt, kiến thức tuyến điểm sâu, ngoại ngữ giỏi và đặc biệt không thể thiếu kỹ năng mềm để xử lý tốt các tình huống phát sinh. Dẫn khách tham quan Nha Trang, HDV không chỉ biết giới thiệu các điểm đến như: chùa Long Sơn, Tháp Bà Ponagar, các dịch vụ lặn biển, tắm bùn mà còn phải nắm được lịch sử, dân số, thu nhập, nghề nghiệp chủ yếu của dân cư thành phố. Tour ngắn ngày còn đỡ, những tour dài ngày, đồng hành với du khách từ 20 ngày đến 1 tháng, HDV phải có vốn kiến thức sâu về các điểm du lịch trải dài cả nước. Ngoài ra, HDV còn phải trả lời được những câu hỏi khách quốc tế thường quan tâm như: phong tục, tập quán, dân số, giáo dục, y tế, những điểm mua sắm, ăn uống ngon… “Quan trọng nhất là phải biết giải quyết nhanh những tình huống phát sinh bất ngờ để không ảnh hưởng đến uy tín công ty” - anh Phan Đình Thảo chia sẻ. Kỹ năng này không phải một sớm một chiều là có được, cách nhanh nhất là học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Những chuyến đi thực tiễn là cách đào tạo tốt nhất với HDV. Thực tế, những gì được học trong trường không áp dụng được nhiều. Để tích lũy kinh nghiệm, ngay từ khi còn ở giảng đường, một số sinh viên (SV) đã năng động đăng ký phỏng vấn thực tập ở các DN lữ hành với những tour ngắn ngày, vừa sức.
Hướng dẫn viên giới thiệu với du khách về chùa Long Sơn. |
Từ ngày 30-10-2011 đến nay, lượng khách Nga đến Cam Ranh (chỉ tính qua đầu mối Pegas touristik và Công ty Ánh Dương) gần 48.000 lượt, trong đó gần 47.000 lượt chọn Nha Trang và Mũi Né làm điểm đến. Nhu cầu HDV biết tiếng Nga cũng vì thế tăng vọt. Từ việc đón tiễn, giúp khách làm thủ tục ở sân bay; đưa đón, chăm sóc khách ở khách sạn đến dẫn khách tham quan, phụ trách đường dây nóng đều có yêu cầu cao về ngoại ngữ và kiến thức, nên tuy đã có sự chuẩn bị nhưng DN lữ hành không đáp ứng kịp, phải vừa làm, vừa bổ sung đội ngũ HDV. DN đã có chế độ đãi ngộ để thu hút nhiều HDV đến từ các tỉnh, thành khác trong cả nước nhưng vẫn chưa đủ. Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch (CĐVHNT-DL) Nha Trang đã nhanh nhạy tổ chức đào tạo HDV du lịch biết tiếng Nga nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu…
. Hạn chế về ngoại ngữ
Mỗi năm, Trường CĐVHNT-DL Nha Trang tuyển sinh khoảng 200 SV chuyên ngành HDV các thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung, Nga, Hàn, Nhật. Ngoại ngữ đầu vào của các SV chủ yếu là tiếng Anh (hơn 90%). Ngoài chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường còn dạy riêng SV môn cảm thụ văn học để bồi dưỡng cảm xúc và nâng cao khả năng biểu cảm. Ông Hoàng Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường CĐVHNT-DL Nha Trang cho biết: “SV ra trường khó đáp ứng ngay yêu cầu công việc. Các DN vẫn phải đào tạo lại. Tuy trường đã rất cố gắng, nhưng khó nhất hiện nay là đào tạo các ngoại ngữ như: tiếng Nga, Hàn, Nhật, Trung Quốc vì đầu vào hầu hết là tiếng Anh. Về tiếng Nga, nhà trường dạy 600 tiết (chương trình của Bộ quy định 150 tiết), rèn chủ yếu kỹ năng nghe và nói. Trường còn mời những người Nga công tác ở Khánh Hòa đến nói chuyện với SV để tiết học sinh động, giúp SV hiểu thêm về văn hóa Nga”. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, trường phối hợp với các DN lữ hành trong đào tạo; mỗi năm, cố gắng ít nhất một lần đưa SV đi thực tập tuyến điểm để các HDV tương lai được trải nghiệm. Từ năm 2007, trường bắt đầu đào tạo tiếng Nga và “tăng tốc” đào tạo ngay sau khi đường bay thẳng từ Nga đến sân bay Cam Ranh được mở. Hiện nay, trường đang đào tạo hơn 100 SV tiếng Nga.
Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Khánh Hòa cũng mở một số lớp đào tạo HDV. Đến nay, Trung tâm đã đào tạo được khoảng 150 học viên. Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm nhận định, nhu cầu HDV du lịch tăng giảm theo mùa. Nguồn nhân lực du lịch luôn thiếu, nhất là những người có khả năng sử dụng các thứ tiếng: Nga, Nhật, Hàn, Trung.
Về công tác đào tạo nhân lực thời gian tới, theo Chương trình hành động ngành Du lịch Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh chủ động định hướng cho các DN, khách sạn xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ; quan tâm đến việc đào tạo các ngoại ngữ còn thiếu cho đội ngũ HDV du lịch (như: tiếng Nga, tiếng Nhật…). Có làm tốt công tác này mới đáp ứng được nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài.
N.D