05:07, 10/07/2012

Tiếp cận nhiều chính sách giải cứu

Trước tình hình khó khăn chung mà cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ.

Trước tình hình khó khăn chung mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang đối mặt, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có buổi đối thoại với các DN đang hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) để tìm giải pháp tháo gỡ.

. Khó khăn, vướng mắc

Suy giảm kinh tế đã khiến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trong KCN, CCN gặp nhiều khó khăn. Nguyên liệu đầu vào tăng, đầu ra bị thu hẹp, lượng hàng tồn kho của các DN tăng. Các DN khó tiếp cận được nguồn vốn vay do lãi suất cao, nhiều khoản dư nợ tín dụng đến hạn hoặc chuyển sang nợ xấu, nợ khó đòi. Hiện nay, các DN phải cắt giảm nhân công, tái cơ cấu tổ chức để cố gắng duy trì sản xuất...

Ngoài những khó khăn chung, các DN đang hoạt động tại KCN, CCN trên địa bàn tỉnh còn đang gặp những vướng mắc riêng. Tại buổi đối thoại với DN trong KCN, CCN do UBND tỉnh tổ chức, ông Trương Hữu Thông - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận (KCN Suối Dầu) cho biết: “Hiện nay, Công ty chúng tôi đang gặp khó khăn do chính sách thuế bảo vệ môi trường áp dụng cho túi ni-lông (áp thuế tối đa 100%) khiến giá thành túi ni-lông tăng cao. Trong khi đó, bao bì ni-lông chiếm đến 10% giá thành sản phẩm. So với các nước trong khu vực, lãi suất cho vay trong nước rất cao, khiến cho DN mất lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, hiện nay, DN rất khó khăn trong tuyển dụng lao động. DN mới tuyển được 50% trong tổng số 1.500 lao động…”. Ông Huỳnh Văn Lãm - Trưởng trạm Phân phối xi măng Ninh Thủy (KCN Ninh Thủy) cũng cung cấp thông tin: “Thời gian gần đây, hệ thống điện vận hành không ổn định, hệ thống nước sạch chưa có, cáp quang Internet bị đứt liên tục; tình trạng người dân khai thác thủy sản quanh khu vực cầu cảng… đã làm ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động của đơn vị”.

Ngoài ra, đối với các DN may mặc, do sức mua trên thị trường giảm khoảng 30% nên các đơn hàng xuất khẩu có giá trị không cao, chỉ đảm bảo duy trì hoạt động đến khoảng tháng 8-2013. Vấn đề lãi suất ngân hàng cao, khó tiếp cận vay vốn lưu động; thủ tục hải quan gây nhiều khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu; chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chính sách hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động; chính sách ưu đãi đầu tư tại các KCN, CCN; thời gian hoàn trả vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng CCN; vấn đề cấm xe tải có tổng trọng lượng trên 5 tấn lưu thông ở các tuyến đường trong TP. Nha Trang vào giờ cao điểm; giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội… cũng được nhiều DN kiến nghị.

 Việc sản xuất thuốc thú y thủy sản tại Công ty TNHH Long Sinh (KCN Suối Dầu) đang gặp khó khăn.

Việc sản xuất thuốc thú y thủy sản tại Công ty TNHH Long Sinh (KCN Suối Dầu) đang gặp khó khăn.

. Nhiều chính sách giải cứu doanh nghiệp

Lãnh đạo nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh khẳng định, vốn cho DN vay không thiếu, tuy nhiên phải xem xét kỹ các đối tượng vay. Ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay vốn, các ngân hàng cần đảm bảo lãi suất cho vay theo đúng quy định; tập trung vốn cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, các ngân hàng nên có giải pháp giúp DN cơ cấu lại vốn vay từ đầu tư ngắn hạn sang trung và dài hạn; tạo điều kiện đảo nợ; giúp DN vay vốn lưu động phục vụ sản xuất…

Để hỗ trợ DN, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN. Theo ông Hoàng Đình Phi - Phó Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, cần thực hiện hiệu quả các chính sách giải cứu của Chính phủ đối với DN thông qua các chính sách giãn, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất… Tuy nhiên, theo ông Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cần phân loại DN theo từng nhóm như: nhóm DN cần vốn, nhóm DN cần hỗ trợ thị trường…, qua đó mới có thể đề ra giải pháp trợ giúp hiệu quả. Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, Nhà nước đang có chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nếu DN có nhu cầu, cần phối hợp với chính quyền địa phương để được đào tạo nghề miễn phí.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý gia hạn 2 năm (từ 4 năm lên 6 năm) đối với thời gian hoàn trả vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng CCN. Ngoài ra, có thể gia hạn nộp bảo hiểm xã hội cho một số đối tượng DN với thời gian hợp lý. Trong thời gian gia hạn, DN phải có trách nhiệm chăm lo cho người lao động. Các ngân hàng thẩm định và tạo điều kiện cho vay đối với các DN đã vay nhưng nay có những đơn hàng mới mà thiếu vốn. Các sở, ngành, địa phương cần vận dụng chính sách hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh một cách tốt nhất để giúp DN vượt qua khó khăn.

BÍCH LA

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 5 KCN, 11 CCN. Tại các KCN Suối Dầu (huyện Cam Lâm) và Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa), có 54 dự án được cấp phép đầu tư, 32 dự án đã đi vào hoạt động, 10 DN hoạt động cầm chừng. Tại 2 CCN Đắc Lộc (TP. Nha Trang) và Diên Phú (huyện Diên Khánh), có 45 dự án được cấp phép đầu tư, có 28 dự án đã đi vào hoạt động.

Ông Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa: Cần phải phân loại các đối tượng DN theo từng nhóm như: nhóm DN cần vốn, nhóm DN cần hỗ trợ thị trường… Qua đó mới có thể đề ra những giải pháp trợ giúp hiệu quả.

Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Hiện nay, Nhà nước có chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nếu DN có nhu cầu, cần phối hợp với chính quyền địa phương để được đào tạo nghề miễn phí.

Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải: Việc cấm xe tải có tổng trọng lượng trên 5 tấn lưu thông trên các tuyến đường TP. Nha Trang vào giờ cao điểm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hàng hóa của các DN. Để đảm bảo an toàn giao thông, việc cấm là cần thiết, các DN cần sắp xếp thời gian vận chuyển hợp lý để tránh bị ảnh hưởng.