07:07, 12/07/2012

Hàng Việt “mắc” ở khâu phân phối

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi được chặng đường gần 3 năm với kết quả bước đầu đáng phấn khởi. Xu hướng tiêu dùng có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng ưu tiên cho hàng Việt.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi được chặng đường gần 3 năm với kết quả bước đầu đáng phấn khởi. Xu hướng tiêu dùng có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng ưu tiên cho hàng Việt. Tuy nhiên, con đường chiếm lĩnh “sân nhà” của doanh nghiệp (DN) Việt vẫn còn không ít khó khăn, đặc biệt là ở hệ thống phân phối.

. Đưa hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng

Theo ông Cao Đình Phần, Phó Giám đốc Sở Công Thương, ý thức được ý nghĩa của chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một cơ hội vàng để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng (NTD), đem lại cơ hội sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa, nhiều DN đã tập trung đổi mới trang thiết bị, điều chỉnh lại sản xuất, cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp với thị hiếu người dân. Bên cạnh đó, các DN thay đổi cách thức phân phối hàng hóa theo hướng đẩy mạnh đưa hàng trực tiếp tới tay NTD, không qua khâu trung gian, vừa phát triển các kênh phân phối hiện đại, vừa khai thác thị trường truyền thống là các chợ nông thôn. Ông Đỗ Hữu Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang cho rằng, tổ chức tốt hệ thống phân phối và chú trọng tới chất lượng dịch vụ, làm tốt công tác quảng bá sản phẩm là một trong những cách để hàng Việt đến gần hơn với NTD.

3 năm qua, các chương trình đưa hàng trực tiếp tới tay NTD của DN đã được sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các phiên chợ Hàng Việt về nông thôn. Đã có 7 phiên chợ Hàng Việt về nông thôn được tổ chức trên địa bàn tỉnh, mỗi đợt có từ 12 đến 36 DN tham gia, đưa hàng về tận tay bà con tại Cam Ranh, Ninh Hòa, Cam Lâm, Vạn Ninh, Diên Khánh với mức giá thấp. Trung bình mỗi phiên chợ đạt doanh số bán hàng từ 500 - 700 triệu đồng và thu hút 11.000 - 15.000 lượt khách. Không chỉ vậy, các DN còn mở 36 điểm phân phối, đại lý mới, ký kết 18 biên bản ghi nhớ, 54 hợp đồng… Một số đơn vị như Siêu thị Co.opMart Cam Ranh, Siêu thị Maximark Nha Trang, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Violet… còn chủ động tổ chức các chuyến đưa hàng về vùng sâu vùng xa. Tuy việc đưa hàng về nông thôn khá tốn kém về chi phí chuyên chở, nhân sự… song kết quả lớn hơn mà DN đạt được đó là quảng bá thương hiệu, nắm bắt được xu hướng, thói quen, nhu cầu tiêu dùng ở một khu vực còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Từ đó, DN có sự điều chỉnh về chất lượng, giá cả sản phẩm và các kênh phân phối. Dự kiến cuối tháng 7 năm nay sẽ có thêm 2 phiên chợ hàng Việt được tổ chức tại Cam Lâm và Ninh Hòa với nhiều DN trong tỉnh hưởng ứng.

 Hàng Việt vẫn vắng bóng ở nhiều chợ nông thôn. (Ảnh chụp tại chợ Dinh, Ninh Hòa).

 Hàng Việt vẫn vắng bóng ở nhiều chợ nông thôn. (Ảnh chụp tại chợ Dinh, Ninh Hòa).

Tham gia các hội chợ triển lãm cũng là một phương thức tiếp cận NTD được nhiều DN lựa chọn. Từ năm 2009 đến nay, đã có gần 20 hội chợ được tổ chức tại Nha Trang, Ninh Hòa, Diên Khánh, Vạn Ninh, Cam Ranh… thu hút hàng trăm DN lớn nhỏ. Đặc biệt, mỗi kỳ Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao quy tụ gần 200 DN có sản phẩm chất lượng tốt, doanh số bán hàng lên tới 20 tỷ đồng. Tại đây, NTD có cơ hội mua sắm những sản phẩm mới, chất lượng cao nhưng giá bình dân như: bộ sản phẩm Cỏ tím của gốm sứ Minh Long, khuôn bò bít tết của nhôm Kim Hằng, trái cây sấy khô nhiều hương vị của Vinamit…

Nhiều DN trong tỉnh còn tiếp cận NTD thông qua những hình thức như đưa rau, củ địa phương, hải đặc sản vào các siêu thị, tham gia tuần lễ hàng Việt Nam, tham gia hội thảo về xây dựng thương hiệu, tọa đàm về “Hiểu - Tin hàng Việt”, thường xuyên tổ chức các hoạt động khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Các chương trình giúp cho đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận trực tiếp với các loại hàng hóa trong nước có uy tín, giá cả phải chăng, có thêm thông tin so sánh, đánh giá chất lượng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái…

. Còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề cần quan tâm là hàng Việt chưa thâm nhập được hệ thống phân phối truyền thống, chưa đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập giá rẻ tại thị trường nông thôn. Chẳng hạn như Công ty Nhôm nhựa Kim Hằng khi đưa các mặt hàng chất lượng cao về một số vùng nông thôn Khánh Hòa đã phải chịu cảnh bán hàng ế ẩm, bởi nhôm nhựa nhập từ Trung Quốc có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/2 đến 1/3 so với hàng nội địa. Bà Nguyễn Thị Hòa, tiểu thương ở chợ Dinh, Ninh Hòa cho biết: “Ít thấy DN nội địa tới chào hàng. Trong khi đó, hàng Trung Quốc liên tục có người tới chào bán, bỏ sỉ với giá rẻ nên cũng dễ hiểu vì sao tại các chợ lại vắng bóng hàng Việt có chất lượng”. Theo ông Phạm Trọng Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn năm ngoái do Trung tâm trực tiếp tổ chức gặp nhiều khó khăn về kinh phí và kinh nghiệm tổ chức, trong khi nhiều DN vẫn chưa mặn mà với việc chủ động tiếp thị hàng hóa về các vùng nông thôn vì sợ tốn kém. Do đó, thị trường nông thôn vẫn bị hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng tung hoành.

Theo Sở Công Thương, nhiều DN kiến nghị, để các hoạt động xúc tiến bán hàng của DN hiệu quả hơn, Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để họ tiếp cận với NTD ở những vùng nông thôn, xa trung tâm thành phố, mở rộng mạng lưới phân phối tại các địa phương. Bên cạnh đó, cần có nhiều kế hoạch, chương trình hỗ trợ, kích thích các DN thiết lập mạng lưới phân phối, mở rộng đại lý, nhất là tại các chợ truyền thống. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá đi đôi với việc giúp DN nâng cao thương hiệu, chất lượng hàng hóa.

V.A

Những nỗ lực của Nhà nước và DN đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong tâm lý tiêu dùng của người dân. Theo số liệu mới đây của Bộ Công Thương, hơn 80% NTD thành phố đã ưu tiên lựa chọn hàng Việt. Tâm lý sính ngoại của một bộ phận NTD đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng theo hướng ưu tiên hàng nội địa.