Các loại vật liệu xây dựng không nung được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế lẫn kỹ thuật. Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung đang phải đối diện với khó khăn do sản phẩm khó tiêu thụ....
Các loại vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế lẫn kỹ thuật. Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất VLXDKN đang phải đối diện với khó khăn do sản phẩm khó tiêu thụ, nhà máy phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động.
Sản phẩm nhiều ưu điểm…
Giới thiệu với chúng tôi tại xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Khoáng Việt Nha Trang, bà Vũ Thị Nương - Giám đốc Công ty cho biết: Sản phẩm gạch block không nung của Công ty được sản xuất từ bột đá, bụi đá, có nhiều ưu điểm hơn so với gạch đất sét nung về khả năng chịu lực, cách âm, cách nhiệt, chống thấm… Sử dụng gạch block không nung còn có thể tiết kiệm đến 30 - 40% chi phí xây dựng so với gạch nung truyền thống. Đặc biệt, nhờ sử dụng công nghệ ép rung, nguyên liệu để sản xuất gạch chủ yếu từ bột đá, bụi đá nên góp phần vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhận định khả năng phát triển của loại vật liệu xây này, năm 2011, Công ty đã đầu tư máy móc, thiết bị, nâng công suất của nhà máy lên hơn 1 triệu viên gạch các loại/năm.
Sản phẩm gạch block không nung của Công ty Cổ phần Khoáng Việt Nha Trang tiêu thụ khá chậm. |
Trong khi đó, sản phẩm gạch nhẹ của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ xây dựng Minh Đức (Nha Trang) là hỗn hợp xi măng, cát, tro bay không nung, có khả năng cách âm hơn gạch đất nung đến 2 lần, hấp thụ nhiệt và truyền dẫn nhiệt ít hơn gạch nung 2 lần, độ chống thấm, độ bền tăng gấp đôi, khả năng kết dính 100%, trọng lượng tịnh nhẹ hơn nước. Gạch nhẹ rất phù hợp với những vùng đất dễ lún, đất lấn biển. Tổng mức đầu tư xây dựng công trình giảm 7 - 10% so với sử dụng gạch nung bình thường…
Có thể thấy, sản phẩm VLXDKN có hiệu quả kinh tế, kỹ thuật vượt trội so với vật liệu nung truyền thống. Việc sử dụng VLXDKN để thay thế gạch đất sét nung có ý nghĩa rất lớn trong việc hạn chế sử dụng đất sét và than, tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải ra môi trường. Ngoài ra, việc sử dụng phế thải của ngành Công nghiệp như: tro bay, xỉ, mạt đá… để sản xuất VLXDKN cũng góp phần giảm các chất thải rắn thải ra môi trường.
… nhưng khó tiêu thụ
Để phát triển VLXDKN, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển đến năm 2020. Mục tiêu đến năm 2015 là phát triển sản xuất và sử dụng VLXDKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25%; đến năm 2020, tỷ lệ này là 30-40%. Từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% VLXDKN loại nhẹ (khối lượng không lớn hơn 1.000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây dựng, đồng thời khuyến khích các công trình xây dựng khác sử dụng VLXDKN khác có độ rỗng nhiều hơn 30% và VLXDKN loại nhẹ… Mặc dù vậy, hiện nay, việc sản xuất, tiêu thụ VLXDKN của các DN trên địa bàn tỉnh rất khó khăn. Trước đây, mỗi tháng, 2 xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Khoáng Việt Nha Trang sản xuất và tiêu thụ khoảng 80.000 viên gạch block không nung các loại. Hiện nay, Công ty chỉ tiêu thụ được 20.000 viên/tháng, lượng gạch tồn hơn 30.000 viên. Chính vì tiêu thụ khó khăn nên một cơ sở sản xuất của Công ty tại TP. Nha Trang đã tạm ngưng hoạt động, cơ sở sản xuất tại TP. Cam Ranh sản xuất cầm chừng, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng. Trong khi đó, do không tiêu thụ được sản phẩm, Nhà máy Sản xuất gạch nhẹ của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ xây dựng Minh Đức có công suất 60m2 gạch/ngày đã phải ngừng hoạt động từ tháng 4-2011 đến nay.
Bà Nguyễn Thị Ý - nhân viên Công ty TNHH Xuân Sơn, đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng tại TP. Cam Ranh cho biết: “Sức tiêu thụ gạch block không nung chậm và số lượng cũng ít hơn rất nhiều khi so sánh với gạch nung truyền thống. Sở dĩ VLXDKN khó cạnh tranh được với các vật liệu xây truyền thống khác là do thói quen sử dụng vật liệu nung truyền thống của người dân…”. Còn ông Hồ Minh Hòa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ xây dựng Minh Đức lý giải: “Có những nguyên nhân chính khiến các loại VLXDKN khó tiêu thụ như: Thị trường bất động sản đóng băng khiến các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có VLXDKN điêu đứng; tình hình sản xuất và tiêu thụ gạch đất sét nung bằng lò thủ công vẫn diễn ra phổ biến. Tuy Chính phủ đã có quy định tỷ lệ sử dụng VLXDKN loại nhẹ trong các công trình nhà cao tầng nhưng văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chậm được ban hành nên đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển sản xuất, tiêu thụ VLXDKN”.
Trước những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm VLXDKN như hiện nay, để thực hiện được mục tiêu của Chương trình phát triển VLXDKN, bên cạnh các giải pháp về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, sử dụng, việc tuyên truyền đến nhà quản lý, chủ đầu tư công trình, đơn vị thi công và người dân cần được các ngành chức năng thực hiện. Qua đó giúp mọi người thấy được cái lợi của VLXDKN khi đưa vào sử dụng trong các công trình. Bên cạnh đó, cũng cần có lộ trình hợp lý để thay thế dần gạch đất sét nung bằng VLXDKN.
BÍCH LA
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 10 về việc tăng cường sử dụng VLXDKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Theo đó, các công trình sử dụng vốn Nhà nước như: Trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học… bắt buộc phải sử dụng VLXDKN. Các công trình nhà cao tầng không phân biệt nguồn vốn, ưu tiên sử dụng VLXDKN, đặc biệt là VLXDKN loại nhẹ tối thiểu phải đạt 30% trong tổng số vật liệu xây. Khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư phải chú ý việc ưu tiên sử dụng VLXDKN. Ngoài ra, Thủ tướng còn yêu cầu tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng; nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất gạch không nung. Hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, xây dựng lộ trình để sớm chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung… |