Những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước mà còn khiến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng phải đối diện.
Những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) trong nước mà còn khiến các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng phải đối diện. Để giúp các DN FDI vượt qua khó khăn, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã vào cuộc.
. Doanh nghiệp gặp khó khăn
Thời gian qua, không chỉ các DN trong nước phải hoạt động cầm chừng hoặc phá sản mà nhiều DN FDI cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đó là do chi phí sản xuất tăng cao, đầu ra bị thu hẹp. Mức tiêu dùng trong nước và quốc tế giảm khiến khả năng tiêu thụ hàng hóa của DN càng khó khăn, lượng hàng tồn kho tăng cao. Nhiều DN FDI còn gặp khó trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay do lãi suất quá cao. Hiện nay, không ít DN FDI trên địa bàn tỉnh phải giảm bớt lao động, cho công nhân nghỉ luân phiên để duy trì sản xuất kinh doanh (SXKD) ở mức độ cầm chừng.
Ông Cao Tuấn Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin (HVS) cho biết: “Do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới kéo dài, năm 2011, Công ty đóng mới 1 con tàu nhưng không bàn giao được bởi chủ tàu ở Cộng hòa Liên bang Đức không nhận. Trước đó, từ năm 2010, các đơn đặt hàng mới đã giảm dần. Từ tháng 9-2011 đến nay, Công ty chưa ký kết được hợp đồng đóng tàu mới nào. Dự kiến trong năm 2013, Công ty cũng chỉ thực hiện những hợp đồng đã ký kết của 2 - 3 năm trước (đóng khoảng 6 - 7 tàu). Ngoài việc chủ tàu không nhận bàn giao và thiếu hụt hợp đồng đóng mới, từ năm 2010 đến nay, đơn giá đóng mới tàu cũng giảm rất nhiều (hơn 40%). Cụ thể, 1 tàu chở hàng rời 56.000 tấn tại thời điểm năm 2007 có giá khoảng 48 triệu USD, hiện nay chỉ còn 28 triệu USD. Nếu nhận thực hiện những hợp đồng có giá thấp như vậy, DN sẽ thua lỗ nặng”.
Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin đang phải đối mặt với việc thiếu hợp đồng đóng mới tàu biển. |
Nhiều DN FDI hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, may mặc và một số lĩnh vực khác cũng đang gặp khó. Từ đầu năm đến nay, tình hình SXKD của các DN FDI trên địa bàn tỉnh đã suy giảm so với cùng kỳ năm 2011, doanh thu chỉ đạt 283 triệu USD, giảm 3,4%; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 257 triệu USD, giảm 3,3%.
. Tìm giải pháp
Trước những khó khăn trên, nhiều DN FDI đã đưa ra giải pháp tháo gỡ để tự cứu mình. Ông Cao Tuấn Dũng cho biết: “Ngay trong quý I/2012, HVS đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ngoài hạ giá thành sản phẩm, DN tập trung tìm kiếm các hợp đồng đóng mới tàu biển; cắt giảm và tiết kiệm chi phí sản xuất từ 20 đến 30%. Trong trường hợp không tìm được hợp đồng đóng tàu mới, Công ty sẽ cân nhắc việc cắt giảm lao động. Đây cũng là vấn đề hết sức khó khăn, bởi đến năm 2014, khi ngành Công nghiệp đóng tàu phục hồi, việc tìm ra nguồn nhân lực kỹ thuật cao lại trở thành thách thức rất lớn đối với HVS”.
Theo ông Đỗ Hữu Thiệt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh giao cho các sở, ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ cho hoạt động SXKD, hỗ trợ thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 13 của Chính phủ. Cụ thể, thông qua chính sách của Chính phủ sẽ giãn, giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất, miễn thuế môn bài… cho các đối tượng ưu tiên nhằm thúc đẩy SXKD, kích thích tăng trưởng; gia hạn nộp tiền sử dụng đất tối đa 12 tháng đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 theo quy định tại Quyết định số 2093 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đề xuất Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô để cân đối các chỉ tiêu giữa lạm phát và tăng trưởng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn vốn vay, khôi phục sản xuất, tăng việc làm. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến SXKD, đầu tư, nhất là thủ tục về thuế và hải quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN…
Tại buổi làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương và DN FDI mới đây, đồng chí Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của tỉnh nắm bắt, đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho DN FDI đang triển khai đầu tư dự án, có dự án đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn DN FDI đăng ký lại theo quy định của pháp luật. Trong năm 2012, nhiều DN FDI trên địa bàn tỉnh chuẩn bị hết thời gian hưởng các chính sách ưu đãi, vì vậy, cần tìm hiểu và thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo đúng quy định. Các ngành: Thuế, Tài chính tìm hiểu kỹ các nội dung Nghị quyết số 13 của Chính phủ để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ DN FDI…
BÍCH LA
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 86 DN FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 1,2 tỷ USD. Trong đó, Khu Kinh tế Vân Phong có 21 dự án (vốn đăng ký 653,9 triệu USD); Khu Công nghiệp Suối Dầu có 19 dự án (vốn đăng ký khoảng 88,56 triệu USD); Khu Công nghiệp Ninh Thủy có 2 dự án (vốn đăng ký khoảng 21,3 triệu USD); địa bàn ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp có 44 dự án (vốn đăng ký khoảng 459 triệu USD). Hiện đã có 59 DN đi vào hoạt động, 10 DN đang triển khai xây dựng dự án, 4 DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 6 DN tạm ngừng hoạt động, 7 DN không triển khai xây dựng dự án sẽ rút giấy phép.