07:06, 15/06/2012

Cần vốn vay để duy trì nghề làm chiếu

Làm chiếu cói là nghề truyền thống của phụ nữ xã Vĩnh Thái. Qua quá trình đô thị hóa, nghề làm chiếu ở xã này đã bị mai một do vùng trồng nguyên liệu bị thu hẹp. Nhiều phụ nữ trong xã muốn duy trì nghề phải mua nguyên liệu từ các tỉnh khác, nhưng lại gặp khó khăn về nguồn vốn...

Làm chiếu cói là nghề truyền thống của phụ nữ xã Vĩnh Thái. Qua quá trình đô thị hóa, nghề làm chiếu ở xã này đã bị mai một do vùng trồng nguyên liệu bị thu hẹp. Nhiều phụ nữ trong xã muốn duy trì nghề phải mua nguyên liệu từ các tỉnh khác, nhưng lại gặp khó khăn về nguồn vốn.

Mai một nghề truyền thống

Bà Đặng Thị Lợ, 64 tuổi, một người dân ở Vĩnh Thái kể, gia đình bà đã có 2 đời theo nghề này. Tuy thu nhập không cao nhưng nghề này đã giúp gia đình bà có cuộc sống đủ ăn. Trước đây, nhà nào cũng có đất trồng cói nên chủ động được nguồn nguyên liệu, do vậy, nghề làm chiếu rất phát triển. Nhưng những năm gần đây, do quy hoạch các dự án trên địa bàn xã, diện tích trồng cói bị thu hẹp, nhà bà cũng không còn đất trồng cói. Nhiều phụ nữ đã bỏ nghề. Để giữ nghề, bà phải vay vốn ngân hàng đi mua sợi cói từ các tỉnh khác về làm chiếu. Do giá nguyên liệu phụ thuộc vào thị trường nên số tiền kiếm được từ dệt chiếu trở nên bấp bênh. Khi giá sợi cói thấp, mỗi người kiếm được trung bình 50 - 70 ngàn đồng/công, nhưng khi giá nguyên liệu tăng cao, thu nhập ít hơn.


Phụ nữ làm nghề dệt chiếu ở Vĩnh Thái.

Bà Phạm Thị Nhỏ (53 tuổi) cũng cho biết: Trước đây, nhà bà chủ yếu làm nông, chỉ dệt chiếu lúc nông nhàn. Với 15 sào ruộng và 800m2 đất trồng cói, gia đình bà tuy không giàu nhưng có cuộc sống đủ ăn đủ mặc. Những năm gần đây, 5 miệng ăn của gia đình bà đều phụ thuộc vào nghề làm chiếu. Được biết, gia đình bà nhận đền bù từ thu hồi đất nông nghiệp được 270 triệu đồng. Bà đã dùng để xây nhà và chia cho các con. Việc làm chiếu gặp khó khăn vì không có vốn để mua nguyên liệu dự trữ… Số tiền 10 triệu đồng vay tín chấp từ Hội Phụ nữ xã chỉ đủ để mua sợi cói làm chiếu hàng ngày. “Vào mùa cói giá rẻ, muốn mua về dự trữ để kiếm lời cũng không có tiền để mua” - bà Nhỏ than.

Theo bà Đặng Thị Kim Duyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Thái: Trước năm 2000, khoảng 70% phụ nữ trên địa bàn xã làm nghề dệt chiếu cói. Từ năm 2000 đến nay, do mất vùng nguyên liệu, nghề truyền thống này mai một dần, đến nay chỉ còn khoảng 50 - 60 hộ duy trì nghề. Có một thực tế đáng buồn là sau khi các dự án đền bù đất nông nghiệp cho người dân thì nông dân trên địa bàn xã nói chung và phụ nữ nói riêng không còn đất làm nông, công việc của họ chủ yếu là nội trợ. Do nhàn rỗi, tệ nạn cờ bạc, số đề… cũng phát sinh. Sau một thời gian, tiền đền bù đất thì đã tiêu hết, vùng trồng cói không còn, nhiều phụ nữ muốn dệt chiếu lại không có vốn mua nguyên liệu…

Cần vốn để khôi phục nghề

Để khôi phục nghề dệt chiếu, giải quyết việc làm cho phụ nữ, năm 2010, Hội Phụ nữ xã đã thành lập mô hình liên kết sản xuất chiếu cói. Ban đầu, mô hình chỉ có 6 hộ tham gia, đến nay đã thu hút được 15 hộ. Nguyên liệu làm chiếu và sản phẩm làm ra do chị Nguyễn Thị Mừng - trưởng nhóm liên kết đứng ra cung cấp và bao tiêu. Tham gia mô hình, thu nhập của mỗi chị trung bình đạt từ 1,8 - 2,5 triệu đồng/tháng, yên tâm được về đầu ra của sản phẩm và tránh được tình trạng sản phẩm bị ép giá. Một số chị em không có vốn được nhóm trưởng cho tạm ứng vốn để sản xuất. Chính vì vậy, các chị em trong nhóm liên kết đều an tâm sản xuất. Bà Duyên cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có một mô hình dệt chiếu cói hiện đại, năng suất cao hơn, số lợi nhuận thu về cũng nhiều hơn (dệt chiếu theo cách truyền thống, trung bình 2 người dệt được 4 chiếu/ngày; dệt chiếu theo cách hiện đại, trung bình 1 người dệt được 9 chiếu/ngày). Tuy nhiên, số tiền đầu tư cho mô hình mới này khá cao. Để đầu tư 1 máy sản xuất chiếu mất khoảng 30 - 40 triệu đồng và phải có từ 4 máy trở lên mới thu được lợi nhuận cao. Trong khi đó, dệt chiếu thủ công chỉ cần vốn 5 - 10 triệu đồng.

Theo Hội Phụ nữ xã, hiện nay có khoảng 70 chị em thất nghiệp muốn quay lại nghề làm chiếu cói truyền thống nhưng không có vốn. Vay vốn từ các ngân hàng thì lãi suất cao, do đó, làm chiếu thủ công không thể bù đắp nổi lãi suất ngân hàng và đem lại thu nhập ổn định. Chính vì vậy, nguyện vọng của phụ nữ thất nghiệp ở Vĩnh Thái, nhất là đối với phụ nữ từ 40 - 50 tuổi, là được vay vốn với lãi suất thấp để khôi phục nghề dệt chiếu, mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình.

MINH THIẾT