Dưa lê là cây trồng du nhập xã Vạn Khánh từ rất lâu. Dưa lê dễ trồng, chịu đựng được khí hậu nắng, gió; tuy nhiên, do đầu ra còn hạn chế nên diện tích trồng dưa lê không nhiều..
Dưa lê là cây trồng du nhập xã Vạn Khánh từ rất lâu. Dưa lê dễ trồng, chịu đựng được khí hậu nắng, gió; tuy nhiên, do đầu ra còn hạn chế nên diện tích trồng dưa lê không nhiều. Còn nhiều việc phải làm để dưa lê có thể trở thành đặc sản của Vạn Khánh.
Còn nhiều việc phải làm để cây dưa lê trở thành đặc sản. |
Dưa lê đang vào mùa thu hoạch
Về Vạn Khánh những ngày này, đi đâu cũng thấy dưa lê. Dưa lê đang thu hoạch tại ruộng, được bày bán tại các chợ quê và được tiếp thị trên Quốc lộ (QL) 1A cho khách đường dài. Ấn tượng đối với nhiều du khách khi đi qua địa bàn Vạn Khánh là dãy lều lợp lá bày bán dưa lê. Ở đây, dưa lê có thể được bán với giá 10 - 12 ngàn đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Nô (thôn Tiên Ninh) - người trồng dưa lê nhiều năm cho biết, dưa lê được trồng trên các chân ruộng lúa 1 vụ (sau vụ lúa là tới vụ dưa). Vụ dưa lê thường diễn ra trong vòng 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Theo bà Nô, dưa lê rất dễ trồng, năng suất trung bình 20 tấn/ha. Dưa lê chỉ thích nghi với khí hậu nắng, gió, nếu mưa nhiều sẽ bị thất thu. Bà Nô đã thu hoạch 3 sào (500m2/sào) dưa lê, bán được 9 triệu đồng. Hiện nay, giá bán tại ruộng là 3 ngàn đồng/kg, đây là giá trung bình, còn nếu dưa lê bán vào dịp tháng 1, 2 âm lịch có thể lên tới 5 - 7 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, dưa trồng vụ tháng 1, 2 thường vướng vào đất đang sản xuất lúa, chỉ có những chân đất cao, đất trồng hoa màu mới làm được. Theo bà Nô, dưa lê chỉ thích hợp dùng để giải khát, nếu dùng nấu canh sẽ bị bủn, ăn sống thì có vị đắng…
Để dưa lê trở thành đặc sản
Dưa lê được bày bán trên Quốc lộ 1A. |
Ông Dương Ngọc Hiền - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã cho biết, dưa lê du nhập vào Vạn Khánh từ khá lâu, là giống dưa mang từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên vào. Người dân Vạn Khánh trồng và giữ giống để không phải lấy giống từ các tỉnh ngoài. Dưa lê nhỏ trái nhưng rất ngon. Đất trồng dưa lê là đất ruộng một vụ; tuy nhiên hiện nay, một số chân đất một vụ đã được cải tạo thành 2 vụ nhờ nước tưới từ hồ Hoa Sơn. Hiện nay, diện tích dưa lê trên địa bàn xã khoảng 30ha. Diện tích trồng dưa lê không thể mở rộng là do đầu ra còn hạn chế, chủ yếu tiêu thụ ở Vạn Ninh và một phần bán cho du khách đi trên Quốc lộ 1A. Giá bán cũng thấp, bình quân chỉ 3 ngàn đồng/kg, bán cho khách đường dài thì 9 - 10 ngàn đồng/kg. Nếu có đầu ra ổn định, diện tích mở rộng để trồng dưa lê từ chân đất lúa có thể đến hàng trăm héc-ta. Thời gian qua, HND huyện và xã có tổ chức quảng bá loại dưa này tới các siêu thị nhưng xem ra còn nhiều khó khăn. Nhìn chung, các loại nông sản trên địa bàn đều rất khó vào siêu thị bởi sản lượng thấp, đồng thời chịu nhiều ràng buộc về hóa đơn, chứng từ, điều kiện an toàn thực phẩm, đối tác giao nhận hàng…
Bà Vũ Thị Lụa - Chủ tịch UBND xã cho rằng, dưa lê trên địa bàn còn phát triển tự phát, chưa có quy hoạch vì đầu ra hạn chế. Địa phương vẫn chưa có quy hoạch vùng trồng dưa lê vì sức tiêu thụ còn thấp. Đây cũng là vấn đề của xây dựng nông thôn mới, vì vậy, địa phương sẽ quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đưa cây dưa lê vào sản xuất gắn với thị trường. Để thực hiện vấn đề này, xã cần xin ý kiến của huyện để có định hướng phát triển.
Có thể thấy, dưa lê phát triển tốt ở Vạn Khánh nhờ thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp. Với đặc tính thơm ngon, phù hợp cho giải khát của dưa lê, xã Vạn Khánh hoàn toàn có thể phát triển thành vùng cung cấp dưa lê của tỉnh. Trước mắt, HND xã, huyện cần xây dựng tổ liên kết làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu loại trái cây này đến các siêu thị, khu du lịch, các chợ, trung tâm thương mại… Về lâu dài, xã cần quy hoạch vùng chuyên canh, đưa dưa lê vào sản xuất đại trà; đồng thời phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học chọn giống, hướng dẫn kỹ thuật, tăng vụ… để tiến tới xây dựng thương hiệu cho cây dưa lê.
HOÀI AN