08:06, 01/06/2012

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành Nông nghiệp đến năm 2020” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành Nông nghiệp đến năm 2020” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mục tiêu của Dự án là ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ và cải tiến quản lý nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng các sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản chủ lực, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế và cải thiện an sinh xã hội.

Giai đoạn 2012 - 2015, phấn đấu có 70% doanh nghiệp thuộc Bộ được hướng dẫn, áp dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ và hệ thống quản lý chất lượng để cải thiện chất lượng, tăng năng suất các loại sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản chủ lực (lúa gạo, cà phê, chè, mía đường…); 80% tiêu chuẩn quốc gia của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực được xây dựng, soát xét hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực...

Đến giai đoạn 2016 - 2020, 100% doanh nghiệp thuộc Bộ sản xuất sản phẩm, hàng hóa chủ lực xây dựng, thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng; 100% tiêu chuẩn quốc gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp được hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; 100% cơ sở sản xuất sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản chủ lực được quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện sản xuất bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường…

Một trong các nhiệm vụ của Dự án là ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ, công nghệ, các công cụ quản lý để nâng cao năng suất và chất lượng một số sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản chủ lực.

Trong đó, sẽ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, thâm canh, giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP), áp dụng hệ thống quản lý chất lượng để xây dựng mô hình sản xuất gắn với chế biến gạo đạt năng suất và chất lượng cao tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, chăm sóc, thu hái, chế biến, áp dụng các quy trình sản xuất bền vững (bộ nguyên tắc 4C, chứng chỉ UTZ, VietGAP..), áp dụng hệ thống quản lý chất lượng để xây dựng mô hình thâm canh gắn với chế biến cà phê đạt năng suất và chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại vùng Tây Nguyên.

Đồng thời, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, áp dụng VietGAP đối với rau, quả đạt năng suất cao và an toàn thuộc các vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về sản xuất giống, nuôi thương phẩm cá tra và tôm gắn liền với chế biến đạt năng suất và chất lượng cao (được chứng nhận GlobleGAP, HACCP, ISO…) ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung.

Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh để xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn sinh học đạt năng suất, chất lượng cao được chứng nhận VietGAHP ở vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Đông Nam bộ…

Theo Chinhphu.vn