03:06, 06/06/2012

Nông dân chờ giá lên

Hiện nay, do giá mỳ thấp, năng suất không cao, người trồng mỳ thua lỗ nên 1/3 diện tích mỳ trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) chưa được nông dân thu hoạch...

 

Năm 2011, khi cây mỳ cho hiệu quả cao, diện tích mỳ phát triển nhanh chóng. Hiện nay, do giá mỳ thấp, năng suất không cao, người trồng mỳ thua lỗ nên 1/3 diện tích mỳ trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) chưa được nông dân thu hoạch.

1/3 diện tích mỳ chưa thu hoạch

Do hiệu quả kinh tế mà cây mỳ mang lại trong những năm trước, nên vụ mỳ năm nay người dân huyện Khánh Vĩnh trông đợi rất nhiều. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều diện tích mỳ vẫn chưa được người dân thu hoạch do lo ngại sẽ thua lỗ. Có diện tích mỳ hơn 1ha đang thời kỳ thu hoạch nhưng gia đình bà Mấu Thị Lanh (ở xã Khánh Trung) vẫn không dám thu, bởi giá mỳ quá thấp, thu hoạch thời điểm này sẽ bị lỗ. Bà Lanh cho biết: “Chờ giá mỳ lên khoảng 1.200 đồng/kg, tôi mới thu hoạch. Sau khi thu hoạch sẽ chuyển bớt một nửa diện tích sang trồng các loại cây khác, không trồng mỳ nữa, cây mỳ quá bấp bênh”. Trong khi đó, ông Hà Nhơn (xã Cầu Bà) đã phải chấp nhận lỗ để thu hoạch mỳ, chuyển diện tích sang trồng loại cây khác. Ông Hà Nhơn chia sẻ: “Năm 2011, thấy giá mỳ cao, gia đình tôi đã tăng diện tích mỳ từ 0,6 lên 1ha. Nhưng năm nay, do sương muối nên năng suất mỳ rất thấp, trên diện tích 1ha, gia đình tôi chỉ thu hoạch được gần 3 tấn mỳ, bán với giá 800 đồng/kg, thu được gần 3,2 triệu đồng, lỗ mất mấy triệu đồng tiền đầu tư. Đành phải thu hoạch, chấp nhận lỗ để lấy đất trồng cây khác”.


: Tuy giá mỳ thấp nhưng người dân vẫn phải thu hoạch để lấy diện tích chuyển sang trồng loại cây khác.
Tuy giá mỳ thấp nhưng người dân vẫn phải thu hoạch để lấy diện tích chuyển sang trồng loại cây khác.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Võ Thị Minh Tài - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết: “Năm nay, do giống mỳ KM 94 đã bị thoái hóa nên năng suất mỳ khá thấp, chỉ khoảng 9 tấn/ha, giảm 5 tấn/ha so với năm trước. Ngoài ra, giá mỳ năm nay cũng rất thấp nên mỳ thu hoạch không bù được chi phí; nhiều hộ trồng mỳ vẫn chưa thu hoạch. Hiện vẫn còn 30% diện tích mỳ tại địa phương chưa được người dân thu hoạch”.

Được biết, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh còn khoảng 630ha mỳ chưa được thu hoạch, chiếm khoảng 1/3 diện tích mỳ toàn huyện. Một số địa phương có diện tích mỳ còn nhiều như: xã Sơn Thái còn hơn 100ha, xã Cầu Bà còn 60ha. Nhiều địa phương khác như: Khánh Thượng, Khánh Thành…, tình trạng cũng tương tự.

Có chờ được giá?

Giá mỳ năm nay thấp, đầu vụ chỉ 500 đồng/kg, hiện nay chỉ khoảng 900 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí từ khi trồng đến khi thu hoạch lại tăng khoảng 20%. Riêng tiền công thu hoạch, hiện khoảng 100 nghìn đồng/công. Để nhổ 1ha mỳ, người dân phải cần hơn 30 công. Tính riêng tiền công thu hoạch đã mất khoảng 3 triệu đồng. Với những rẫy mỳ ở xa, phải mất thêm khoảng 1,5 triệu đồng tiền vận chuyển mỳ từ rẫy ra mặt đường. Theo tính toán của nhiều nông hộ trồng mỳ trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, nếu mỳ đạt năng suất 9 tấn/ha thì với giá bán khoảng 900 đồng/kg như hiện nay cũng mới đủ vốn; còn muốn có lãi, họ buộc phải đợi giá cao hơn. Nhiều hộ trồng mỳ đang đợi mỳ lên giá khoảng 1.200 đồng/kg mới thu hoạch để bán. Tuy nhiên, chưa biết đến bao giờ giá mỳ mới lên. Trong khi hiện nay, huyện Khánh Vĩnh đã bắt đầu vào mùa mưa, mỳ rất dễ bị thối củ. Cũng vì vậy, không ít hộ dân đã chấp nhận lỗ để thu hoạch mỳ, lấy diện tích chuyển sang trồng cây khác.

Ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Trong phát triển nông nghiệp, người dân địa phương thấy cây trồng nào mang lại giá trị kinh tế cao thì đầu tư trồng. Tuy huyện đã khuyến cáo bà con không nên trồng mỳ một cách ồ ạt nhưng do giá mỳ năm 2011 khá cao, nên người dân vẫn trồng nhiều. Vì vậy, diện tích mỳ trên toàn huyện theo kế hoạch những năm trước duy trì khoảng 1.000 - 1.200ha đã bị phá vỡ, tăng lên 1.830ha vào năm 2012”.

Bước sang năm 2012, cây mỳ cũng chuyển từ thế tăng giá, cho lợi nhuận cao, phát triển diện tích ồ ạt, thiếu định hướng, dẫn đến giống bị thoái hóa, cho năng suất thấp, giá bán lại thấp, khiến  không ít hộ nông dân trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh lao đao. Không ít người tính chuyện bỏ mỳ sang trồng bắp, đậu, mía… Nhưng liệu khi chuyển sang trồng loại cây khác, đầu ra có ổn định như mong muốn của bà con? Thêm một lần nữa, bài học liên kết 4 nhà: nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - Nhà nước lại được đặt ra. Làm thế nào để nông dân ổn định sản xuất nông nghiệp, xem ra vẫn là bài toán khó giải.

BÍCH LA