Mít là loại cây ăn quả dễ trồng, chịu hạn, thích nghi với nhiều chân đất, hiệu quả kinh tế lại cao. Tuy nhiên, hiện nay thị trường giống mít có quá nhiều chủng loại, loại nào cũng được quảng bá là tốt nhất, đặc biệt là các giống mít ngoại nhập,...
Mít là loại cây ăn quả dễ trồng, chịu hạn, thích nghi với nhiều chân đất, hiệu quả kinh tế lại cao. Tuy nhiên, hiện nay thị trường giống mít có quá nhiều chủng loại, loại nào cũng được quảng bá là tốt nhất, đặc biệt là các giống mít ngoại nhập, khiến nông dân như lạc vào “mê hồn trận”. Theo nhiều chuyên gia, giống mít nghệ của Việt Nam chọn tuyển xứng đáng để nông dân đầu tư bởi đây là giống vừa có năng suất, chất lượng lại có thể chế biến xuất khẩu.
. Đủ loại… giống mít
Thời gian gần đây, giá mít tăng, nhiều người đổ xô đi trồng mít khiến các cơ sở bán giống được dịp quảng cáo, hút hàng. Hiện thị trường có rất nhiều giống mít xuất xứ từ trong nước đến nhập nội. Mít ngoại có: Chian rai, Lá bàng, Siêu sớm, Ruột đỏ… Mít nội có mít nghệ, mít dừa, mít mật (mít ướt), mít dai (mít ráo), mít tố nữ… Phần lớn các giống nhập ngoại được quảng bá rầm rộ với các ưu thế như: trồng 6 tháng cho trái, mỗi ha trồng mít cho thu nhập tiền tỷ…, khiến nông dân bối rối, không biết chọn giống nào. Theo ông Lê Bá Sương, Trưởng Trạm Khuyến nông Khánh Sơn, các dòng mít nhập ngoại của Thái Lan, Malaysia, Đài Loan và một số nước khác trong khu vực do xử lý công nghệ biến đổi gen nên có một số ưu thế về năng suất, cho trái sớm. Tuy nhiên, các giống mít biến đổi gen chỉ phù hợp với ăn tươi, đóng hộp chứ không thể sấy khô, bởi khi sấy khô mùi vị bị triệt tiêu nên không phù hợp với chế biến xuất khẩu.
Trồng mít nghệ, nông dân đỡ lo khâu tiêu thụ bởi nhu cầu mít nghệ rất lớn |
Theo các chuyên gia nông nghiệp, Thái Lan tạo ra nhiều giống mít từ biến đổi gen, cấy mô để phục vụ thị trường chính quốc (ruột màu đỏ, màu cam rất bắt mắt). Tuy nhiên, thị trường hiện nay không còn ưa thích ăn tươi, sản lượng thừa thãi tiêu thụ không hết. Các giống mít nhập ngoại được đưa vào Việt Nam chủ yếu bằng con đường “tiểu ngạch” kiểu “đi du lịch đem về nhân giống” hay “xách tay”, nhưng thực tế các cơ quan quản lý thực vật nhập khẩu không rõ các giống mít này “lọt” vào Việt Nam bằng con đường nào? Cũng theo các chuyên gia nông nghiệp, các giống mít nhập nội bằng con đường chính thức hay bán chính thức cũng cần có thời gian để đánh giá tính thích nghi, khả năng chống chịu sâu bệnh, chu kỳ kinh tế… Một số giống mít Thái Lan được người trồng cho rằng rất mẫn cảm với bệnh thối gốc chảy nhựa, một số giống có hiện tượng xơ múi, bị thâm đen khi gần chín, đến nay vẫn chưa có cách khắc phục.
. Ưu thế mít nghệ
Những ngày này, ông Trần Văn Quốc (xóm 8, Sơn Bình, Khánh Sơn) rất phấn khởi khi vườn mít nghệ 200 cây của ông bắt đầu ra bói. Theo ông Quốc, mít trồng đã 4 năm, lấy mức thấp nhất 8.000 đồng/kg, 1 cây cho 9-10 trái, 1 trái nặng 7-10 kg, bình quân lợi nhuận vụ này cũng đạt 0,5-0,7 triệu đồng/cây, càng về sau năng suất càng cao. Trồng mít nghệ không mất nhiều công sức, tiền vốn, lại ít dịch bệnh nhưng chất lượng thì “tuyệt hảo”.
Mít nghệ được các nhà khoa học trong nước chọn tuyển từ các dòng mít địa phương với những ưu điểm về chất lượng (múi to, dày, ráo, vị ngọt vừa phải) ngày càng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, thích hợp ăn tươi hoặc làm nguyên liệu cho công nghệ sấy chân không. Theo ông Sương, mít nghệ được các nhà chọn giống Việt Nam phát hiện từ dòng trội, năng suất cao, múi dày, ít xơ. Hiện thị trường rất ưa chuộng, sản lượng bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, dự báo nhu cầu thị trường tăng 50% mỗi năm. Với đà này, việc nông dân đầu tư trồng mít nghệ là hướng đi đầy triển vọng. Đây cũng là nguyên liệu phục vụ cho chế biến mít sấy của Công ty Vinamit, doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam chuyên thu mua chế biến mít phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhận thức được điều này, huyện Khánh Sơn đã chọn mít nghệ là cây trồng chủ lực phát triển song song với nhiều cây trồng chủ lực khác như: sầu riêng, cà phê, mía tím… Huyện Khánh Sơn đã lập hẳn đề án phát triển cây mít nghệ 2007-2011, hỗ trợ miễn phí cây giống cho nông dân. Hiện, diện tích mít nghệ đã phát triển lên đến 400 ha, hứa hẹn nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Huyện Cam Lâm là địa phương thứ hai trong tỉnh đầu tư trồng cây mít nghệ, đến nay, diện tích mít nghệ phát triển khoảng 15 ha. Với những ưu thế như trên, có thể nói, mít nghệ rất đáng được các ngành, các cấp khuyến khích đầu tư, nhân rộng trong thời gian tới.
Q.V
- Mít nghệ được ươm trong bầu PE. Đầu mùa mưa đem về trồng. Nếu chủ động nước có thể trồng quanh năm. Quanh gốc ủ rác, rơm, cỏ khô theo vòng tròn để giữ ẩm. Khoảng cách 5x6, hay 6x7m. Mật độ 210 cây/ha hay 300 cây/ha. Tưới đủ ẩm.
- Tỉa cành: mít cao 1 m tỉa cành, tỉa bỏ cành sâu bệnh, cành yếu, cành sát mặt đất. Sau mỗi vụ tỉa một lần.
- Bón phân:
Phân hữu cơ tùy thuộc độ tuổi của cây, bình quân 5-20kg/cây/năm, cho trái 25-40 kg/cây/năm
Phân hóa học tùy đất, dinh dưỡng của cây. Dùng NPK 16-16-8 thời kỳ nhỏ: năm thứ nhất 300g, năm 2: 500g, năm 3: 1-1,5kg, năm 4: 2 kg. Khi ra trái phải bón Kali, 2 lần/năm (đầu vụ, cuối vụ)