01:05, 21/05/2012

Loay hoay tìm hướng phát triển

Những năm gần đây, nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu luôn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Những năm gần đây, nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu luôn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, với việc khai thác tràn lan, không kiểm soát, nguồn tài nguyên gần bờ đang có nguy cơ cạn kiệt; tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh... khiến mức tăng trưởng của ngành Thủy sản đang chững lại theo từng năm.

Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có trên 10.100 tàu cá các loại, tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Lâm, Cam Ranh và TP. Nha Trang. Trong đó, số tàu cá dưới 20CV là 6.202 tàu, từ 20 - <50CV có 2.363 tàu, từ 50 - <90CV có 738 tàu, từ 90 – 400CV có 742 tàu… Những số liệu trên cho thấy, số lượng tàu cá trên địa bàn Khánh Hòa chủ yếu có công suất nhỏ, trên 80% phương tiện không đủ điều kiện để hoạt động đánh bắt xa bờ. Chính vì thế, tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi ven bờ là điều không thể tránh khỏi. Trong định hướng nghề cá, ngành Nông nghiệp xác định mục tiêu phát triển bền vững là giảm dần khai thác gần bờ, phát triển đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, đánh bắt xa bờ trọng tâm là đánh bắt gì thì chưa được nhắc tới. Bên cạnh đó, do nguồn vốn để phát triển khai thác xa bờ rất lớn, trong lúc các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn của nhà nước rất hạn chế nên ngư dân không đủ điều kiện để đầu tư. Mặt khác, hầu hết lao động trên tàu cá chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu theo kiểu cha truyền con nối nên khó tiếp cận phương thức sản xuất tiên tiến. Nếu được đầu tư thì độ rủi ro rất lớn, bởi tư duy khai thác vẫn dựa vào kinh nghiệm truyền thống, thậm chí nhiều chủ tàu phải bán phương tiện vì khai thác không hiệu quả.

Do công suất nhỏ, hầu hết tàu cá Khánh Hòa đánh bắt ở vùng ven bờ.
Do công suất nhỏ, hầu hết tàu cá Khánh Hòa đánh bắt ở vùng ven bờ.

Hiện nay, tổng diện tích sử dụng nuôi trồng các đối tượng thủy sản toàn tỉnh khoảng 9.593 ha. Trong đó, nuôi thủy sản nước ngọt khoảng 1.100 ha, nuôi thủy sản nước lợ 4.808 ha; nuôi mặt nước biển ven bờ 3.685 ha. Thực tế cho thấy, nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ đã bị khai thác quá giới hạn cho phép; diện tích mặt nước ngọt, lợ đưa vào nuôi trồng thủy sản đã tăng đến mức giới hạn; môi trường sống của các loài thủy sinh vật ở một số khu vực bị xâm hại, chất lượng có xu hướng ngày càng giảm. Mặt khác, do cơ sở hạ tầng vùng nuôi hạn chế, tình trạng ao đầm nuôi trồng thủy sản ở Khánh Hòa chưa đảm bảo điều kiện kỹ thuật, nhiều diện tích nuôi tôm lâu năm môi trường bị suy thoái và mầm bệnh vẫn còn lưu tồn. Mặt khác, do nguồn nước thiếu và ô nhiễm, con giống không đảm bảo chất lượng và chưa thực hiện kiểm dịch triệt để; việc thả nuôi không tuân thủ quy tắc, thả giống rải vụ quanh năm kể cả khi thời tiết không thuận lợi nên dịch bệnh dễ phát sinh trong quá trình nuôi. Bên cạnh đó, việc người nuôi quá lạm dụng sử dụng thuốc, hóa chất và chế phẩm xử lý môi trường đã dẫn đến kết quả nuôi còn hạn chế. Đây là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho nghề nuôi trồng thủy sản ở Khánh Hòa đang lâm vào cảnh tuột dốc, sản lượng nuôi giảm dần theo từng năm. Trong đó, 2 đối tượng nuôi chính là tôm sú, tôm thẻ chân trắng diện tích giảm còn 50%.

Xuất khẩu thủy sản (XKTS) được coi là một trong những thế mạnh của Khánh Hòa trong những năm gần đây với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng qua các năm: đạt 315 triệu USD vào năm 2011, dự kiến năm 2012 đạt 320 – 325 triệu USD. Tuy nhiên, bên cạnh thiếu nguyên liệu sản xuất, các DN XKTS còn đối mặt với nhiều vấn đề lớn như: chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thuế, phí đã tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Mặt khác, tình trạng thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu, công tác dự báo thống kê chưa kịp thời, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản vẫn đang trong quá trình tháo gỡ, khắc phục và rào cản kỹ thuật của các nước... là những vấn đề còn tồn tại. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, các DN chế biến XKTS hoạt động từ 50-60% công suất do thiếu nguyên liệu.

Để kinh tế thủy sản phát triển, điều cốt lõi là tìm ra được giải pháp, hướng đi mới mang tính đột phá. Bên cạch mở rộng đầu tư xây dựng các công trình hậu cần nghề cá, cần khuyến khích các DN, cá nhân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới vào khâu chế biến, đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, Nhà nước và các DN cần chung vai đấu cật với nông, ngư dân để tìm tiếng nói chung, nhằm đảm bảo tính ổn định trong sản xuất, kinh doanh một cánh bền vững.

Vũ Ca