Việc Khánh Hòa có quá ít hàng thủ công, mỹ nghệ phục vụ du lịch đã được đề cập rất nhiều tại các cuộc họp của ngành Du lịch những năm qua, nhưng đến nay, đây vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!
Việc Khánh Hòa có quá ít hàng thủ công, mỹ nghệ (TC-MN) phục vụ du lịch đã được đề cập rất nhiều tại các cuộc họp của ngành Du lịch những năm qua, nhưng đến nay, đây vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!
. Mỏi mắt tìm hàng lưu niệm xứ Trầm
Khánh Hòa là một trung tâm du lịch lớn của cả nước (năm 2011 đón 2,18 triệu lượt khách) nên cần rất nhiều mặt hàng TC-MN để phục vụ nhu cầu mua sắm làm quà của du khách. Tuy nhiên, hiện Khánh Hòa vẫn sản xuất quá ít các mặt hàng TC-MN. Các cửa hàng mỹ nghệ, shop lưu niệm ở đường Trần Phú, chợ Đầm, khu “phố Tây” (Nha Trang) hầu như chỉ bán hàng ngoại tỉnh. Mặt hàng lưu niệm phổ biến có xuất xứ từ xứ Trầm Hương chỉ là tranh thêu và các đồ mỹ nghệ từ vỏ ốc. Cụ thể, các shop chuyên bán hàng lưu niệm ở khu “phố Tây” như: Làng tôi, Forever (đường Hùng Vương, Nha Trang), Hương Phố (Trần Quang Khải)… bán tới 50 mặt hàng nhưng không hề có một hàng lưu niệm nào có xuất xứ từ xứ Trầm Hương. Anh Cẩm, chủ shop Forever cho biết, hàng lưu niệm chủ yếu từ miền Bắc (thổ cẩm, sơn mài, gốm), Hội An (đèn lồng, đồ lưu niệm bằng tre…) và cả đồ của Trung Quốc chuyển vào Nha Trang để bán cho khách. “Chúng tôi rất mong có những sản phẩm TC-MN của Khánh Hòa có chất lượng để bán cho du khách nhưng không có. Khách du lịch nước ngoài rất thích mua các sản phẩm lưu niệm có xuất xứ từ chính nơi họ đến, nhất là những mặt hàng làm bằng tay…”.
Khách du lịch mua hàng lưu niệm tại phố đi bộ |
Cách đây vài năm, Tổng cục Thống kê đã tổ chức điều tra về mức chi tiêu bình quân của khách quốc tế khi đến các tỉnh, thành phố trong nước. Trong đó, khách đến Khánh Hòa chỉ bỏ ra 10,9 USD/ngày để mua sắm; trong khi con số tương ứng với khách đến Quảng Nam là 22,3 USD, Lâm Đồng 20 USD, Huế 18,7 USD, Đà Nẵng 14,3 USD… Theo những người làm du lịch, khách quốc tế đến Khánh Hòa chi tiêu mua sắm thấp là do Khánh Hòa quá thiếu những mặt hàng lưu niệm độc đáo. Những ai từng đi du lịch ở Quảng Nam đều nhận thấy, phố cổ Hội An có rất nhiều mặt hàng lưu niệm độc đáo như: đèn lồng, túi thêu, đồ mỹ nghệ bằng tre…; đặc biệt, Hội An rất phát triển dịch vụ may mặc nhanh để phục vụ du khách. Trong khi đó, Khánh Hòa tuy có hẳn một khu “phố Tây” nhưng lại chỉ mạnh về dịch vụ ăn uống, chứ không mạnh về mua sắm hàng hóa, quà lưu niệm. Đề cập vấn đề hàng lưu niệm, anh Phúc - một hướng dẫn viên của Saigon Tourist nói: “Khi đến Hà Nội, tôi có thể giới thiệu rất nhiều quà lưu niệm có hình Tháp Rùa, với Huế có chùa Thiên Mụ, Hội An có chùa Cầu…; còn đến Nha Trang, tôi thật sự không biết giới thiệu quà lưu niệm gì mang tính đặc trưng cho du khách”.
Việc thiếu vắng hàng lưu niệm đã khiến xứ Trầm Hương tự thua trên sân nhà trong lĩnh vực này. Đây cũng là sự lãng phí cơ hội kinh doanh lớn, làm giảm sút lợi nhuận của ngành Du lịch. Không những thế, điều này cũng chứng tỏ sự thiếu nhạy bén của các làng nghề truyền thống ở Khánh Hòa.
. Khôi phục làng nghề gắn với du lịch
Ông Võ Đình Thu - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa cho biết, việc khôi phục các làng nghề truyền thống, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ để phục vụ du lịch đã được đề cập tại nhiều cuộc họp nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tăng nguồn thu cho du lịch địa phương, cũng như việc quảng bá giới thiệu hình ảnh du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đến bạn bè quốc tế.
Đề cập đến sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) bày tỏ: “Hàng lưu niệm để phục vụ du lịch là câu chuyện đã được nói nhiều trong những năm qua. Tuy nhiên, để tìm ra những mặt hàng, những mẫu hàng lưu niệm rất khó khăn”. Theo ông Tuyến, hiện nay, Khánh Hòa có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng như Tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn, nhà thờ Đá… nhưng chưa có công trình nào đủ tầm để mang tính biểu tượng (kiểu như tháp rùa hồ Gươm của Hà Nội) để sản xuất các hàng lưu niệm “ăn theo”. Các làng nghề truyền thống như đúc đồng, làm nón, dệt chiếu, gốm Lư Cấm… chủ yếu sản xuất các đồ dùng phục vụ dân sinh, chưa có những mặt hàng mang tính thẩm mỹ cao để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào thực hiện khảo sát, phân tích, đánh giá một cách có hệ thống về sự phát triển các nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch trên địa bàn Khánh Hòa. “Để tìm ra những mặt hàng lưu niệm phù hợp cần có thời gian, kinh phí để thực hiện. Hiện nay, Sở VH-TT-DL dự định sẽ thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phát triển các sản phẩm TC-MN phục vụ du lịch Khánh Hòa” để làm cơ sở cho các bước tiếp theo”, ông Tuyến cho biết.
Theo những người làm du lịch, để có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, Khánh Hòa cần có đề án xây dựng lại các làng nghề truyền thống gắn với phục vụ du lịch. “Cần tiến hành quy hoạch khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống hiện có như làng nghề đúc đồng Phú Lộc, làng gốm Lư Cấm, làng nón… đồng thời xây dựng các chương trình tour, tuyến tham quan gắn liền với các làng nghề truyền thống để du khách nghiên cứu, tiếp cận nét văn hóa đặc trưng truyền thống của địa phương, từ đó tổ chức tiêu thụ tốt các hàng lưu niệm, đặc sản”, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch bày tỏ. Bên cạnh đó, tỉnh cần chủ động xây dựng một số cơ sở đầu tư nghiên cứu sản xuất các mẫu hàng lưu niệm mới phục vụ khách du lịch.
XUÂN THÀNH