08:05, 21/05/2012

Vẫn còn không ít băn khoăn

Nếu như những niên vụ mía trước, nông dân trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) phấn khởi vì cây mía cho lợi nhuận cao thì đến niên vụ này, ngoài nỗi buồn do hiệu quả của cây mía giảm sút, người trồng mía vẫn còn không ít băn khoăn, bức xúc…

Nếu như những niên vụ mía trước, nông dân trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) phấn khởi vì cây mía cho lợi nhuận cao thì đến niên vụ này, ngoài nỗi buồn do hiệu quả của cây mía giảm sút, người trồng mía vẫn còn không ít băn khoăn, bức xúc…

. Hiệu quả giảm

Những ngày này, nông dân tại các vùng trọng điểm trồng mía trên địa bàn thị xã Ninh Hòa như: Ninh Xuân, Ninh Tân, Ninh Tây… đang tích cực thu hoạch những diện tích mía cuối vụ; đồng thời trồng mới, chăm sóc diện tích mía gốc cho niên vụ mới. Còn nhớ, thời điểm giữa tháng 3, hàng nghìn tấn mía của người dân địa phương phải phơi nắng dài ngày trên ruộng do không có xe vận chuyển. Giờ đây, sau khi các cấp chính quyền, nhà máy đường vào cuộc, việc thu hoạch, vận chuyển mía của bà con đã rất thuận lợi. Ông Nguyễn Sỹ Liễm - Chủ tịch UBND xã Ninh Tân cho biết: “Đến nay, nông dân xã Ninh Tân đã thu hoạch xong 97% diện tích mía trên địa bàn, sản lượng đạt gần 80.000 tấn; chủ yếu bán cho Nhà máy Đường Cam Ranh. Hiện nay, trên những ruộng mía đã thu hoạch xong, người dân đang trồng mới mía tơ, chăm sóc mía gốc. Niên vụ 2012-2013, diện tích mía trên địa bàn sẽ tiếp tục duy trì ở mức khoảng 1.600ha. Người dân không mở rộng thêm diện tích mà chỉ tập trung đầu tư tăng năng suất, chất lượng cây mía”. Tại xã Ninh Xuân, hơn 92% diện tích mía tại đây cũng đã được thu hoạch…

Người dân xã Ninh Xuân đang thu hoạch những diện tích mía cuối vụ.
Người dân xã Ninh Xuân đang thu hoạch những diện tích mía cuối vụ.

Qua trao đổi với người dân vùng mía, chúng tôi được biết, nếu như liên tiếp 2 niên vụ mía 2009-2010 và 2010-2011, các hộ trồng mía trên địa bàn thị xã phấn khởi trước hiệu quả của cây mía, nhiều gia đình đã thoát khỏi khó khăn, vươn lên làm giàu… thì niên vụ mía 2011-2012, hiệu quả cây mía mang lại cho nông dân không còn cao như trước. Bà Nguyễn Thị Huệ - nông dân trồng mía ở xã Ninh Tân - chia sẻ: “Niên vụ này, chi phí đầu tư cho cây mía từ khi trồng, chăm sóc đến thu hoạch tăng khoảng 20-30% so với niên vụ trước. Tuy năm nay mía đạt năng suất nhưng chữ đường giảm, tỷ lệ tạp chất cao nên lãi thấp”. Theo tính toán của bà Huệ, nếu như niên vụ trước, 4,5ha mía của gia đình bà cho lãi hơn 100 triệu đồng thì niên vụ này, lãi đã giảm gần 40%, trung bình 1ha mía chỉ lãi khoảng 12-14 triệu đồng.

Bên cạnh nỗi buồn vì cây mía không mang lại hiệu quả cao như những năm trước, người dân còn lo lắng đến việc thu hoạch chậm, những diện tích mía cuối vụ trọng lượng và chữ đường bị giảm sút. Niên vụ mía năm nay, chữ đường bình quân giảm, trung bình chỉ đạt khoảng 10,2 CCS. Hiện nay, giá mía giảm, chỉ khoảng 990.000 đồng/tấn mía 10 CCS. Tỷ lệ tạp chất tăng cũng khiến nhiều nông hộ băn khoăn. Các nông hộ so sánh, mía được trồng tại một khu vực, thu hoạch cùng lúc nhưng giữa những xe mía khác nhau lại có chữ đường chênh nhau 1-2 CCS; tỷ lệ tạp chất khác nhau rất nhiều, thậm chí có xe tỷ lệ tạp chất lên đến 10%.

. Bức xúc chuyện tiền “bo”

Niên vụ mía 2011-2012, ngoài việc các xe chở mía đình công, khiến cho mía của người dân đã thu hoạch xong phải nằm phơi trên ruộng thì việc các tài xế, bốc xếp đòi tiền bo cũng khiến người trồng mía bức xúc. Những năm trước đây, khi các chủ mía thấy tài xế, bốc xếp mía làm việc nặng nhọc đã dành ra một ít tiền bán mía (khoảng 50.000-70.000 đồng) để bồi dưỡng cho họ trong mỗi chuyến xe vận chuyển. Thế nhưng, việc này đã bị “biến tướng” trong 2-3 năm trở lại đây. Có những tài xế đã ngang nhiên đòi chủ mía phải trả cho họ 300.000 - 400.000 đồng/chuyến mới vận chuyển mía nhanh. Ông C.T. (ở xã Ninh Tân, nông hộ bán mía cho Nhà máy Đường Cam Ranh) cho biết: “Niên vụ này, gia đình tôi có 3,5ha mía, thu được khoảng 260 tấn mía, cần đến 24 chuyến xe chở về nhà máy. Để việc vận chuyển mía được thuận lợi, tôi phải bo 350.000 đồng/chuyến xe. Niên vụ này, riêng tiền bo cho tài xế và bốc vác đã mất khoảng 8 triệu đồng, số tiền này tương đương 8-9 tấn mía”. Còn ông N.V.X ở xã Ninh Xuân chia sẻ: “Tuy đã được xếp lịch chặt, vận chuyển mía về nhà máy nhưng nông dân chúng tôi phải mất tiền bo cho tài xế và bốc vác. Nhiều tài xế còn đòi tiền bo lên đến 500.000 đồng/chuyến. Nếu không đưa hoặc đưa ít, tài xế sẽ chở cho người trả số tiền bo cao hơn…”. Được biết, ở một số địa phương khác tại thị xã Ninh Hòa cũng tồn tại chuyện tiền bo cho tài xế, bốc vác trong mỗi chuyến xe vận chuyển mía. Có trường hợp chủ mía tự nguyện bo, nhưng cũng có trường hợp tài xế vòi vĩnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê An Khang - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa cho biết: “Theo hợp đồng với nông dân, Công ty chịu chi phí vận chuyển và bốc vác tại những địa điểm thuận lợi. Khi nông dân bán mía cho chúng tôi sẽ không phải trả thêm chi phí nào liên quan đến việc vận chuyển và bốc xếp. Đến nay, Công ty chưa nhận được bất cứ phản ánh nào của nông dân về việc các tài xế, bốc xếp đòi tiền bo từ họ. Nếu phát hiện ra các tài xế đòi tiền bo, hoặc nhân viên nông vụ địa bàn móc nối với tài xế để vòi vĩnh tiền bo của nông dân, Công ty sẽ kiên quyết xử lý”.

BÍCH LA

Tính đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn thị xã đã thu hoạch xong khoảng 95% diện tích mía, năng suất bình quân đạt 54 tấn/ha, sản lượng ước đạt 500.000 tấn mía, chữ đường bình quân đạt 10,5 CCS.

Theo UBND xã Ninh Tân, liên quan đến việc người dân trồng mía phản ánh các sai trái của nhân viên nông vụ địa bàn trong việc xếp lịch chặt, vận chuyển mía thời gian qua, Nhà máy Đường Cam Ranh đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với một nhân viên nông vụ của Nhà máy tại xã Ninh Tân. Ngoài ra, lãnh đạo Nhà máy Đường Cam Ranh còn đề nghị UBND xã Ninh Tân tiếp tục phản ánh những hành vi sai trái của nhân viên nông vụ địa bàn (nếu có) để Nhà máy kịp thời chấn chỉnh.