03:05, 15/05/2012

Chưa như mong đợi

Hiện nay, chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Tình trạng thiếu nhân lực kỹ thuật trình độ cao, năng lực nghề nghiệp của lao động còn thấp…

 

Hiện nay, chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (DN) và thị trường lao động. Tình trạng thiếu nhân lực kỹ thuật trình độ cao, năng lực nghề nghiệp của lao động còn thấp… vẫn chưa được khắc phục. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và DN, rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa DN và cơ sở dạy nghề (CSDN)…

. Chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.850 DN đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các DN này đã góp phần tạo việc làm cho hơn 113.455 lao động, tuy nhiên, trong đó chỉ có hơn 91.640 lao động đã qua đào tạo nghề. Những con số này cho thấy, số lượng lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh còn khá thấp, điều này dẫn tới chất lượng lao động chưa cao và chưa đáp ứng được nhu cầu của DN.

Theo đánh giá của một số nhà tuyển dụng, hiện nay, tỉnh đang thiếu công nhân kỹ thuật có tay nghề. Việc đào tạo học viên các ngành nghề mũi nhọn tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng khi ra trường làm việc, học viên lại chưa thể tiếp cận, vận hành các loại máy móc, thiết bị tại các DN vì nó khác với các thiết bị mà học viên được học tại các trường nghề. Bà Nguyễn Vũ Kim Nguyệt - Giám đốc Tổ chức nhân sự Công ty liên doanh TNHH Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong cho biết: “Để chuẩn bị đi vào hoạt động, vừa qua, Công ty chúng tôi đã tuyển dụng lao động, kỹ thuật ở cả 3 cấp trình độ (đại học, cao đẳng, trung cấp). Tuy nhiên, qua các đợt tuyển dụng, chúng tôi thấy, đa số người lao động đều rất yếu về chuyên môn, kiến thức thực hành. Do đó, chúng tôi đã phải phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Hà Nội đào tạo lại số lao động đã tuyển với thời gian hơn 3 tháng. Việc đào tạo học viên ở các trường nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của chúng tôi”.

Doanh nghiệp và các trường nghề cần liên kết chặt chẽ trong khâu đào tạo nguồn nhân lực.

Doanh nghiệp và các trường nghề cần liên kết chặt chẽ trong khâu đào tạo nguồn nhân lực.

. Nguyên nhân

Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 50 CSDN và được phân bổ khá đồng đều ở các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, những năm qua, công tác đào tạo nghề đáp ứng theo nhu cầu của DN và thị trường lao động lại chưa chặt chẽ về trách nhiệm và nghĩa vụ nên chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Đa phần các CSDN chỉ đào tạo theo hướng cung, chưa chú trọng hướng sử dụng lao động sau đào tạo. Bên cạnh đó, các DN và các CSDN chưa phối hợp chặt chẽ để hiểu được nhu cầu của nhau nên xảy ra tình trạng, các trường cứ đào tạo nghề theo chương trình, còn DN thì tuyển dụng theo hướng khác. Vì thế, người lao động thì đi tìm việc, còn DN thì đăng tin tuyển dụng và các trường nghề cứ đào tạo học viên mà không bên nào đáp ứng được cho bên nào… Ngoài ra, DN chưa thực sự tiếp cận với CSDN nên DN tuyển dụng lao động rồi phải đào tạo lại; các trường nghề chưa thu thập được thông tin về nhu cầu tuyển dụng của DN để có cơ sở đào tạo nghề tiệm cận nhu cầu…

Có một thực tế là hiện nay, cơ cấu ngành nghề đào tạo tại các CSDN chưa thực sự phù hợp với cơ cấu ngành nghề của thị trường lao động và chưa được bổ sung những ngành nghề mới theo nhu cầu của thị trường tuyển dụng. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa trường nghề và DN chưa chặt chẽ cả về trách nhiệm lẫn quyền lợi. Trên thực tế, các CSDN chủ yếu đào tạo theo khả năng cung mà chưa chú trọng đào tạo theo cầu của DN. Ngoài ra, chất lượng dạy nghề tại các CSDN còn hạn chế, nội dung chương trình và giáo trình giảng dạy nghề chưa có sự tham gia của DN, chưa phù hợp với sự thay đổi công nghệ sản xuất của DN. Trang thiết bị dạy học thực hành tại các CSDN còn khá lạc hậu so với máy móc của DN. Một số DN còn e dè, sợ bị tiết lộ thông tin sản xuất, kinh doanh ra ngoài nên không muốn tiếp nhận và tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đến thực tập, nghiên cứu…

. Cần liên kết trong đào tạo

Theo bà Nguyễn Vũ Kim Nguyệt, để đáp ứng được nhu cầu của DN, các CSDN cần chú trọng đến đào tạo lao động chất lượng hơn là đào tạo theo số lượng. Các CSDN cần năng động hơn trong việc tìm hiểu thông tin tuyển dụng những ngành nghề của DN để liên kết đào tạo lao động chuyên sâu. Có như vậy mới dần xóa bỏ được khoảng cách giữa học và hành. Đồng thời, giảm bớt chi phí cho DN khi tuyển dụng lao động, tạo sự tin cậy cho các nhà tuyển dụng khi đến với CSDN.

Để cung ứng cho thị trường những lao động lành nghề, các CSDN cần thành lập bộ phận quan hệ với DN, có thể mời chuyên gia có kinh nghiệm tại DN cùng tham gia xây dựng, đào tạo và đánh giá sinh viên tốt nghiệp. Bên cạnh đó, DN nên chủ động đưa ra những dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực sát với chiến lược phát triển ở từng vị trí của đơn vị cho CSDN. Các CSDN nên chủ động liên kết với DN để ký hợp đồng tuyển sinh, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. DN cần theo dõi, tham gia kiểm định, đánh giá chất lượng đầu vào và đầu ra của học viên; cung cấp thông tin cần thiết về nhu cầu sử dụng lao động cho CSDN; tạo điều kiện cho học viên thực tập tại DN… Hàng năm, triển khai điều tra cung - cầu lao động để từ đó, xác định nguồn nhân lực theo cơ cấu nghề, trình độ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đánh giá lại năng lực đào tạo của các CSDN để chọn ra những đơn vị có đủ điều kiện tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao, chuyển mạnh dạy nghề từ hướng cung sang cầu của thị trường lao động. Đồng thời, bổ sung cơ chế chính sách để huy động các DN cùng tham gia đào tạo nghề và phát triển CSDN tại DN.

Ông Mai Xuân Trí cho biết, nếu DN kết hợp chặt chẽ với CSDN và cùng tham gia quá trình đào tạo thì sẽ tốt cho cả đôi bên. Trường nghề có thể gắn với thực tế công nghệ sản xuất mới của DN, còn DN giúp tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu của quá trình đào tạo để từ đó giúp CSDN điều chỉnh lại hoạt động đào tạo, giảm thời gian và tiết kiệm được chi phí…

VĂN GIANG