10:05, 26/05/2012

Nhấp nhổm chờ hướng dẫn

Ngày 25-5, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chính thức có hiệu lực. Đây là vấn đề đang được các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng như người dân quan tâm nhiều trong thời gian qua.....

Ngày 25-5, Nghị định (NĐ) 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chính thức có hiệu lực. Đây là vấn đề đang được các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng cũng như người dân quan tâm nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có điều gì cụ thể. Trên thị trường Nha Trang, nhiều tiệm vàng vẫn mua bán vàng miếng, nhưng, ngoài ra, cũng có một số tiệm đã ngưng kinh doanh vàng miếng (KDVM) từ ngày 25-5. Tất cả đều đang chờ hướng dẫn cụ thể.

. Không tiệm vàng nào đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng

Theo quy định của NĐ 24, DN được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét cấp giấy phép KDVM phải đáp ứng đủ 5 điều kiện. Đó là: DN thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan Thuế); có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. “Nếu theo quy định này, trên địa bàn TP. Nha Trang nói riêng và cả tỉnh Khánh Hòa nói chung sẽ không có cửa hàng kinh doanh vàng nào đủ điều kiện để mua bán vàng SJC. Nếu xét về kinh nghiệm hoạt động thì có thể có, nhưng xét về vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng và số thuế đã nộp thì chắc chắn không có tiệm vàng nào đủ điều kiện” - chủ một tiệm vàng khẳng định.

 Tiệm vàng Anh Tiến đã ngưng mua bán vàng miếng ngay từ ngày 25-5.

 Tiệm vàng Anh Tiến đã ngưng mua bán vàng miếng ngay từ ngày 25-5.

Trong ngày đầu tiên NĐ 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, trên địa bàn TP. Nha Trang, phần lớn các tiệm vàng vẫn mua bán vàng miếng bình thường nhưng không trưng bày trên tủ và cũng không niêm yết giá như mọi ngày. Người quản lý một tiệm vàng trên đường Ngô Gia Tự cho biết: “Tôi cũng nghe về NĐ quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ có hiệu lực vào ngày 25-5. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào hướng dẫn hay triển khai gì về vấn đề này nên chúng tôi vẫn mua bán vàng SJC như bình thường”. Chủ một tiệm vàng ở chợ Đầm chia sẻ: Hoạt động chủ yếu của tiệm là bán nữ trang. Thu nhập từ vàng miếng chỉ chiếm 10% trong tổng doanh thu, tuy nhiên doanh số rất ổn định. Từ khi NĐ 24 được công bố, hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường không còn sôi động như trước, một phần do giá vàng giảm liên tục nên sức hấp dẫn từ việc đầu tư vàng cũng không còn. Hiện tại, do kinh tế suy giảm nên việc kinh doanh nữ trang cũng ế ẩm hơn so với trước. Tôi cũng đang nhấp nhổm đợi thông tư hướng dẫn xem cụ thể như thế nào để tính toán có nên tiếp tục KDVM hay không”. Trong khi đó, một số tiệm vàng lớn ở khu vực chợ Đầm như: Ngọc Mai, Anh Tiến… đã chấm dứt mua bán vàng miếng ngay trong ngày 25-5. Khách hàng giao dịch tại các tiệm vàng này chủ yếu là mua vàng nhẫn 96. Ông Hồ Quốc Nam - chủ tiệm vàng Ngọc Mai cho biết: “Tuy chưa có cơ quan nào hướng dẫn nhưng là hội viên của Hiệp hội Vàng Việt Nam và qua theo dõi thông tin, tôi biết thời điểm chấm dứt kinh doanh nên tự giác chấp hành”. Cũng theo ông Nam: Gần 1 năm qua, sau khi có thông tin về NĐ quản lý vàng, thị trường vàng sụt giảm rất mạnh. Lòng tin của người dân đối với vàng không còn nhiều. Tại tiệm vàng Ngọc Mai, doanh số mua bán vàng miếng giảm đến 80%; trong khi đó, thuế hàng tháng vẫn tiếp tục tăng khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn. Tuy chuyển sang bán vàng nhẫn nhưng sắp tới, khi Nhà nước cấm việc mua bán vàng, chúng tôi cũng không biết mua vàng nguyên liệu ở đâu để sản xuất vàng nhẫn.

. Mua vàng miếng ở đâu?

Người dân sẽ mua bán vàng miếng ở đâu khi không có tiệm vàng nào ở Nha Trang có đủ điều kiện KDVM? Đây là vấn đề mà nhiều người rất quan tâm. Bà Thu Hồng (đường Trần Nhật Duật) băn khoăn: “Tôi vốn có thói quen dành dụm tiền sắm vàng để phòng thân. Trước đây, tôi vẫn thường mua vàng nhẫn, nhưng gần đây, khi SJC có bán vàng lẻ với số lượng 1, 2 chỉ, tôi đã chuyển sang mua vàng SJC để tiện cho việc mua bán, vì vàng nhẫn thường chỉ có giá trị trong địa bàn tỉnh. Sau khi NĐ này có hiệu lực, tôi không biết phải mua bán vàng miếng ở đâu. Người có nhiều vàng thì có thể mua bán ở ngân hàng, còn tôi chỉ có 1 vài chỉ mà phải vào ngân hàng thì ngại quá”.

Theo ông Nguyễn Hùng Vinh - chủ tiệm vàng Kim Vinh (chợ Xóm Mới): “Nếu NHNN không cho phép các tiệm vàng mua bán vàng miếng, có thể người dân sẽ chuyển sang mua bán vàng nhẫn như trước đây, vì tính thanh khoản của nó cũng rất cao, dễ mua bán. Bên cạnh đó, chất lượng vàng nhẫn hiện nay cũng rất ổn định. Các tiệm vàng hầu hết đều có máy đo chất lượng nên người mua có thể kiểm tra chất lượng vàng nhẫn rất dễ dàng. Tuy nhiên, tôi cũng đang băn khoăn không biết NHNN sẽ xếp vàng nhẫn vào loại vàng gì, liệu có bị hạn chế?”.

NĐ 24 không chỉ siết chặt thị trường vàng miếng mà còn tạo ra một bước ngoặt mới cho ngành vàng nữ trang để phát triển theo hướng chuẩn hóa chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. NĐ 24 nêu rõ, các DN mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải niêm yết giá mua, giá bán đầy đủ, công khai chất lượng cũng như hàm lượng vàng và DN hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm mà mình bán ra. Điều này sẽ góp phần làm lành mạnh hóa thị trường vàng nữ trang và hạn chế tình trạng lập lờ tuổi vàng vốn đã gây thiệt hại cho người dân trong nhiều năm qua. Ông Vinh cho biết: “Từ lâu, các tiệm vàng lớn ở Nha Trang gần như làm đại lý cho những thương hiệu vàng lớn như: SJC, PNJ… từ vàng nữ trang cho đến vàng miếng. Trên thị trường Nha Trang, vàng sản xuất thủ công hiện không còn phù hợp và ít được khách hàng ưa chuộng, chỉ còn một số tiệm vàng nhỏ không đủ điều kiện nhận hàng của các công ty lớn mới tự gia công. Chính vì thế, có lẽ việc mua bán vàng miếng cũng sẽ không có nhiều thay đổi nếu các tiệm vàng tiếp tục làm đại lý cho những thương hiệu vàng miếng”.

Hiện tại, NHNN đã đăng tải trên trang thông tin điện tử của mình để xin ý kiến rộng rãi dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều của NĐ 24, trong đó quy định thời hạn chuyển tiếp đối với các đơn vị đang KDVM tối thiểu là 6 tháng. Như vậy, các đơn vị hiện đang KDVM sẽ còn ít nhất 6 tháng để tiếp tục KDVM và có thời gian hoàn tất thủ tục xin cấp phép KDVM hoặc chuẩn bị chuyển sang sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định của NĐ 24.

BÍCH KHUÊ

Ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: Đến thời điểm này, vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện NĐ 24. NHNN vẫn đang lấy ý kiến để hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn cho hoạt động này. Tuy nhiên, các DN vẫn phải chấp hành quy định của pháp luật. Hiện nay có một số ngân hàng được NHNN cho phép bán vàng là: ACB, Eximbank, Sacombank, Techcombank, DongABank… Nhu cầu mua bán vàng của người dân sẽ được đáp ứng không chỉ thông qua mạng lưới điểm KDVM của các DN mà còn cả các ngân hàng. Ngoài ra, các DN được cấp phép KDVM có thể mở thêm chi nhánh hoạt động KDVM để phục vụ nhu cầu của người dân.

Theo Chi cục Thuế Nha Trang, đến tháng 4-2012, trên địa bàn TP. Nha Trang có 84 hộ kinh doanh vàng. Hiện nay, có 11 hộ thông báo tạm nghỉ, còn lại 73 hộ đang kinh doanh.