Đối diện với nhiều khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa buộc phải thay đổi để tự cứu mình. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua những chính sách thiết thực, tạo sức bật giúp doanh nghiệp vượt khó thành công.
Bài 2: Làm gì để vượt khó?
Đối diện với nhiều khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN NVV) buộc phải thay đổi để tự cứu mình. Tuy nhiên, DN cũng rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua những chính sách thiết thực, tạo sức bật giúp DN vượt khó thành công.
. Tự cứu mình
Tự cứu mình là vấn đề được nhiều chuyên gia tư vấn khuyến cáo các DN NVV trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Ông Lê Văn Viên - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn quản lý DN EMC cho rằng: “Để tự cứu mình, trước hết DN NVV phải tái cơ cấu lại hoạt động. Hiểu một cách đơn giản là sắp xếp lạiDN một cách hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình sản xuất kinh doanh (SXKD), thay đổi mô hình, chiến lược kinh doanh, cách thức quản trị DN, sử dụng hiệu quả vốn vay…”.
Việc tái cơ cấu đã mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động xuất kinh doanh của Công ty TNHH Long Sinh. |
Một minh chứng là Công ty TNHH Long Sinh, thời điểm cuối năm 2008, trong điều kiện khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế Việt Nam, giá trị hàng tồn kho của Công ty là hơn 18 tỷ đồng, các chi phí đầu vào đều tăng thêm 20 - 30%, hệ thống kinh doanh của Công ty trên toàn quốc và ở nước ngoài gặp khó, nhiều lao động bỏ việc… Để khắc phục tình trạng này, từ đầu năm 2009, lãnh đạo Công ty quyết định xem xét lại toàn bộ quá trình SXKD của đơn vị để có hướng thay đổi hợp lý. Nhờ vậy, hoạt động của DN này đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Nếu như năm 2008, doanh thu của Công ty chỉ đạt hơn 110 tỷ đồng, không có lợi nhuận, nợ phải thu gần 9 tỷ đồng, thì đến năm 2011, doanh thu của Công ty đạt gần 120 tỷ đồng, lợi nhuận gần 7 tỷ đồng, hàng tồn kho giảm gần 10%… Ông Vương Vĩnh Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty nhận định: “Trong nền kinh tế thị trường, dù khủng hoảng hay không, các DN vẫn phải điều chỉnh hoạt động liên tục để mang lại hiệu quả cao nhất trong SXKD, nếu không thay đổi, DN rất dễ bị đào thải”.
Trường hợp Công ty Cổ phần Hóa Mỹ phẩm Tự Nhiên cũng vậy. Những năm gần đây, Công ty hoạt động không mấy hiệu quả, các chi phí như: quản lý, vận chuyển, bán hàng, nhân công, lãi suất… tăng 30%, trong khi giá thành sản phẩm không tăng. Trước tình hình này, Công ty đã thay đổi chiến lược, tập trung đầu tư những sản phẩm được thị trường ưa chuộng; tiêu thụ sản phẩm thông qua nhà phân phối, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn… Nhờ vậy, Công ty đã giảm chi phí SXKD xuống dưới 15%, lợi nhuận hàng tháng tăng hơn 15%.
Cùng với thay đổi để thích nghi với biến động của nền kinh tế, DN NVV cũng cần chú trọng tăng cường liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, bổ sung cho nhau những vấn đề còn thiếu trong chuỗi liên kết sản xuất, qua đó gia tăng sức mạnh cạnh tranh.
. Cần sự hỗ trợ của Nhà nước
Bên cạnh việc thay đổi để tự cứu mình, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước sẽ góp phần đáng kể tạo sức bật cho DN NVV vượt khó thành công. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Khánh Hòa, trước những khó khăn của các DN NVV hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh cần nắm rõ tình hình hoạt động của các DN, số lượng đơn vị hoạt động hiệu quả, DN gặp khó khăn, thua lỗ… qua đó mới đánh giá chính xác thực trạng DN NVV trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.
Để giúp DN NVV phát triển trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, lãnh đạo nhiều DN cho rằng, các ngành chức năng của tỉnh cần hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn, có chính sách giúp đỡ DN NVV tiếp cận, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho DN; hỗ trợ DN đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật; trợ giúp DN phát triển nguồn nhân lực có tay nghề…
Ông Mai Thanh Liêm - Chủ tịch Hiệp hội DN NVV Khánh Hòa cho biết: “Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước tại Khánh Hòa đã tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận tài chính, đào tạo nguồn nhân lực… Nhưng do nhiều nguyên nhân, các chính sách, chương trình hỗ trợ chưa mang lại hiệu quả như mong muốn”.
Những khó khăn của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam hiện nay đã tác động tiêu cực đến hoạt động SXKD của các DN, nhất là DN NVV. Những thay đổi để thích nghi với điều kiện kinh tế biến động cùng với sự trợ giúp từ phía Nhà nước được xem là giải pháp giúp DN NVV vượt qua tình hình khó khăn hiện nay.
BÍCH LA