11:05, 22/05/2012

Doanh nghiệp gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm

Hiện nay, các mặt hàng tiêu dùng như: nước mắm, nước giải khát, đồ gỗ và nhiều vật liệu xây dựng như: gạch nhẹ, bê-tông ly tâm… rất khó khăn trong khâu tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh kế hoạch, sản xuất theo đơn đặt hàng.

Hiện nay, các mặt hàng tiêu dùng như: nước mắm, nước giải khát, đồ gỗ và nhiều vật liệu xây dựng như: gạch nhẹ, bê-tông ly tâm… rất khó khăn trong khâu tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải điều chỉnh kế hoạch, sản xuất theo đơn đặt hàng.

. Tiêu thụ chậm

Lãnh đạo nhiều DN cho biết, tình hình tiêu thụ sản phẩm hiện rất khó khăn, khiến hoạt động của DN đã khó càng thêm khó. Tại Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, sức tiêu thụ mặt hàng nước mắm hiện rất thấp. 4 tháng đầu năm nay, lượng hàng tiêu thụ của Công ty chỉ tăng 3% so với cùng kỳ; giá trị hàng tồn kho thành phẩm hiện là hơn 10%. Trong điều kiện sức mua yếu, chi phí đầu vào tăng hơn 30%, để tiêu thụ được sản phẩm, DN chỉ dám tăng 10% giá thành sản phẩm, nhưng sản phẩm vẫn tiêu thụ rất chậm.

Không riêng mặt hàng nước mắm, ông Lý Thiện Thanh - Trưởng phòng Makerting, Công ty Cổ phần Nước khoáng Khánh Hòa cho biết, tuy hiện đang là mùa khô, lẽ ra việc tiêu thụ các sản phẩm nước giải khát rất thuận lợi, nhưng do sức mua yếu, nguyên vật liệu đầu vào tăng, lại thêm có nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nước giải khát ra đời, nên thị phần bị chia sẻ, sự cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt hơn. Hiện, một số sản phẩm chủ yếu của Công ty như nước khoáng lạt có ga, nước khoáng ngọt, nước khoáng không ga chỉ tiêu thụ được hơn 4,5 triệu lít, đạt 28,8% kế hoạch năm 2012.

Ở một lĩnh vực sản xuất khác, Công ty Cổ phần Bê-tông ly tâm Điện lực Khánh Hòa chủ yếu sản xuất các sản phẩm phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng như: trụ điện, cọc ống bê-tông ly tâm, ống cống bê-tông ly tâm… Từ năm 2011 đến nay, do nguồn vốn của các chủ đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng gặp khó khăn nên sức tiêu thụ sản phẩm của Công ty giảm mạnh, giá trị hàng tồn kho khoảng 8%. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng, cộng với sự cạnh tranh của nhiều DN hoạt động cùng lĩnh vực… đã khiến hiệu quả sản xuất của DN rất thấp, lợi nhuận năm 2011 chỉ đạt 68% kế hoạch. Tính đến hết quý I/2012, doanh thu của Công ty chỉ đạt hơn 4,6 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2011.

Cùng chung hoàn cảnh, sản phẩm đồ gỗ của Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Hoàng Gia Nguyên, sản phẩm gạch nhẹ của Công ty Cổ phần Khoáng Việt Nha Trang… hiện cũng tiêu thụ rất khó khăn, tỷ lệ hàng tồn kho tăng cao khiến nguồn vốn bị “chôn chân” trong hàng tồn, hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm sút.

. Sản xuất theo đơn hàng

File DSCF0770, DSCF6435: Sản phẩm nước mắm truyền thống của Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang hiện tiêu thụ rất chậm.
Sản phẩm nước mắm truyền thống của Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang hiện tiêu thụ rất chậm.

Đứng trước những khó khăn trên, nhiều DN đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, sản xuất theo đơn đặt hàng. Ông Nguyễn Quang Tiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bê-tông ly tâm Điện lực Khánh Hòa cho biết: “Trước khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm như hiện nay, nhiều DN phải lựa chọn giải pháp an toàn, không để lượng hàng tồn kho nhiều bằng cách sản xuất theo đơn đặt hàng, qua đó giảm bớt gánh nặng lãi suất. DN phải nhìn vào đơn hàng để tính số nguyên vật liệu sản xuất cần mua”.

Hàng tồn kho thường có 2 loại là tồn kho nguyên liệu và tồn kho bán thành phẩm. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều DN đã giảm thiểu hàng tồn kho nguyên liệu. Ông Đỗ Hữu Việt - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang phân tích: “Đối với DN, thời gian lưu kho càng dài, gánh nặng lãi vay càng lớn. Như tại Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, từ quý III/2011, Công ty phải vay ngân hàng 17 tỷ đồng để thu mua cá cơm nguyên liệu chuẩn bị cho sản xuất nước mắm trong quý I/2012. Việc lưu kho nguyên liệu cộng với gánh nặng lãi suất cao, tiêu thụ sản phẩm chậm đã khiến lợi nhuận của Công ty trong quý I năm nay chỉ đạt khoảng 500 triệu đồng, giảm 75% so với cùng kỳ năm trước”.

Theo lãnh đạo nhiều DN, mặc dù lãi suất cho vay tại các ngân hàng đã được khống chế, nhưng với mức lãi suất 15%/năm như hiện nay thì việc vay vốn mua nguyên vật liệu, trả lương lao động… cũng không thể giúp DN có lợi nhuận. Do vậy, DN không thể mạo hiểm sản xuất sẵn mà chỉ sản xuất theo đơn hàng.

Ông Mai Thanh Liêm - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Khánh Hòa cho biết, thời gian gần đây, Chính phủ và các cơ quan nhà nước đã quan tâm chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN. Thực tế, ngoài khó khăn về vốn, các DN còn khó khăn khi chi phí đầu vào tăng cao nhưng sức tiêu thụ sản phẩm giảm, hàng tồn kho tăng. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong tiếp cận vốn, còn cần các giải pháp kích cầu tiêu thụ sản phẩm, bởi vay được vốn nhưng sản xuất ra không ai mua thì DN càng điêu đứng.

BÍCH LA

Ngày 10-5, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Cụ thể, có 6 giải pháp chính được đưa ra gồm: Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập DN; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế; báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định giảm, miễn thuế; tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay được vốn; đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư.