Khi cây mía “giã từ” vùng đất này thì người làm rẫy Vĩnh Lương (Nha Trang) vẫn chưa biết đưa cây gì vào thay thế. Cơ hội chỉ đến với vùng đất rẫy bạt ngàn nhưng thiếu nước tưới này khi có người đưa cây ớt vào trồng.
Khi cây mía “giã từ” vùng đất này thì người làm rẫy Vĩnh Lương (Nha Trang) vẫn chưa biết đưa cây gì vào thay thế. Cơ hội chỉ đến với vùng đất rẫy bạt ngàn nhưng thiếu nước tưới này khi có người đưa cây ớt vào trồng. Và chẳng bao lâu, diện tích ớt lan rộng, trở thành cây trồng đem lại thu nhập khá cho vùng đất.
vượt qua nhiều cây số đường dốc, khó đi, tôi và ông Phan Văn Thành, thôn Văn Đăng 1 mới đến được vùng đất rẫy bạt ngàn mang tên Đá Bạc. Nhiều diện tích đất rẫy ở đây đã được phủ xanh bởi cây ớt. Đặc biệt, cây ớt được bà con canh tác chẳng khác dưới đồng bằng, cũng với những màn phủ nông nghiệp che kín đất. Ông Thành cho biết: Trước đây, nơi đây chỉ có cây mía là chủ lực. Khi công nghiệp mía đường phát triển, các lò che lần lượt “ra đi” do cạnh tranh không nổi với sản xuất công nghiệp. Hơn nữa, đất này thường xuyên thiếu nước vào mùa khô nên rất khó chuyển đổi cây trồng. Một khó khăn nữa là không có tuyến đường vận chuyển nên nông sản nói chung hay cây mía cũng khó trụ vững. Những năm gần đây, cây ớt có giá, có người đã đem cây ớt vào trồng thử, thấy thích hợp nên mọi người đua nhau trồng ớt.
Ớt là cây trồng thích hợp cho vùng đất rẫy, thiếu nước tưới. |
Ông Thành dành 0,5ha đất rẫy để trồng ớt. Theo ông, trồng ớt có nhiều cái lợi: dễ trồng, ít sâu bệnh, lại có “đầu ra”. Tính trên 1 sào (1.000m2) đất trồng ớt (giống ớt Hai mũi tên), một vụ chi phí bình quân (công lao động, vật tư, giống, phân, thuốc…) 2,5 - 3 triệu đồng. Thu hoạch làm 3 đợt (đợt 1 là 1 tháng, đợt 2: 20 ngày và đợt 3: 10 ngày), sản lượng bình quân 5 - 6 tạ/sào. Với giá ớt hiện nay (20 ngàn đồng/kg), sau khi trừ chi phí, người trồng ớt cũng thu được 7 - 8 triệu đồng/sào (tương đương 70 - 80 triệu đồng/ha). Nếu giá ớt cao như trước đây (30 - 40 ngàn đồng/kg), người trồng ớt có thu nhập gấp đôi.
Ông Võ Ngọc Xuân (thôn Văn Đăng 2), một người trồng ớt ở đây cho biết, năm ngoái ông đầu tư 4 cây bạt (tương đương 1.600m2), thu hoạch được hơn 1 tấn ớt quả, tính ra năng suất đạt 6 - 7 tấn/ha. Tuy là đất rẫy, không màu mỡ, thiếu nước, nhưng năng suất như vậy là khá. Nếu đất tốt, bằng phẳng, thường xuyên được bơm tưới chắc chắn thu nhập còn cao hơn. Theo ông Xuân, trồng ớt ít sâu bệnh, các bệnh thường gặp là thối trái, đốm lá nhưng nếu phòng trừ tốt sẽ không ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Những hộ trồng ớt cho biết, cách đây chừng 4 năm, ớt rất có giá, có thời kỳ lên tới 40 ngàn đồng/kg, nhiều người đổ xô đi trồng ớt, diện tích mở rộng lên tới 6 - 7ha. Sau, giá ớt giảm còn 30 ngàn đồng rồi 25 ngàn đồng, đến nay chỉ còn 18 - 20 ngàn đồng/kg, diện tích ớt cũng bị thu hẹp theo, hiện còn khoảng 3ha. Ớt rớt giá trong lúc vật tư, công cán đều tăng nhưng người trồng ớt vẫn ráng làm bằng cách lấy công làm lời. Người trồng ớt còn được khích lệ bởi thị trường ớt trái vẫn được thương lái tiêu thụ đều đặn. Chỉ cần hái xong, đưa vào bao, chở ra Quốc lộ là có người thu mua ngay. Cái hay của sản phẩm là được bao tiêu ngay trong nước, không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Sản phẩm được phân phối tại các chợ hoặc đưa vào nhà máy chế biến tương ớt phục vụ nội địa hay xuất khẩu.
Theo Hội Nông dân (HND) xã, xuất phát từ những khó khăn của khu vực núi rẫy, nhiều nông dân rất trăn trở và đi tìm mô hình thích hợp, trong đó chuyển đổi sang cây ớt là minh chứng. HND xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp huấn luyện, tập huấn cho nông dân, giới thiệu các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả và có “đầu ra” để nông dân ứng dụng. Đá Bạc là vùng đất rẫy, nơi có hơn 30% hộ sản xuất cây ăn quả, trong đó 5ha đang trồng ớt, bước đầu đem lại hiệu quả cao, mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân trên vùng đất rẫy, thiếu nước.
Tuy nhiên, hiện nay vùng Đá Bạc, Lỗ Lươn (Vĩnh Lương) đang đứng trước một thách thức lớn, đó là thiếu tuyến đường vận chuyển nông sản, hàng hóa. Đây là vùng đất nằm sâu trong chân núi, diện tích bạt ngàn với hàng trăm, hàng ngàn ha. Do chưa được đầu tư tuyến đường rộng rãi để xe tải vào ra nên việc khai thác vùng đất này còn nhiều khó khăn. Lâu nay, người làm rẫy phải gùi, thồ nông sản bằng xe đạp, xe máy hay gồng gánh rất vất vả. Thời gian trước, HND xã có vận động nông dân đóng góp công sức, kinh phí làm đường nhưng xem ra chẳng thấm vào đâu. Gần đây, xã Vĩnh Lương có đầu tư làm cầu, đường bê tông vào khu vực này nhưng chỉ được một đoạn ngắn vài trăm mét. Vùng đất rẫy bạt ngàn Lỗ Lươn, Đá Bạc đang rất cần sự quan tâm của tỉnh, thành phố để vực dậy tiềm năng.
H.A