09:10, 25/10/2011

Cần một “cú hích”

Những đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề nông thôn có vai trò rất lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, nhất là giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.

Những đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề nông thôn (NNNT) có vai trò rất lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, nhất là giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, hiện có không ít cơ sở NNNT gặp khó khăn, rất cần được hỗ trợ để phát triển.

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 3.550 cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực NNNT, tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành nghề như: chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất muối; khai thác đá, cát, sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, hàng thủ công mỹ nghệ; xây dựng; trồng, kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất cơ khí; dệt, da, may mặc. Trong số đó, những ngành nghề sản xuất sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, đáp ứng đa số thị hiếu người tiêu dùng, thuận lợi về nguyên liệu, như: chế biến lương thực, thực phẩm, mây tre đan, sản xuất gạch ngói, khai thác đá chẻ… phát triển tương đối ổn định. Những ngành nghề mà nhu cầu của xã hội có sự biến động, sản phẩm thiếu sự cải tiến, đổi mới về mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm như nghề chạm khắc đá, gỗ mỹ nghệ, sản xuất muối… phát triển cầm chừng, thiếu ổn định. Trong khi đó, hiện có khá nhiều NNNT gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm giảm, hàng sản xuất ra bán chậm, rất khó để khôi phục sản xuất như nghề dệt chiếu cói, gốm sứ, đúc đồng…

Những cơ sở hoạt động trong các ngành nghề nông thôn hiện gặp không ít khó khăn. (Trong ảnh: Dệt chiếu cói tại làng Mỹ Trạch, phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, các NNNT phát triển đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực, không chỉ góp phần vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mà còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho khoảng 12 nghìn lao động nông thôn. Tại thị xã Ninh Hòa, đến nay có khoảng 1.000 cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực NNNT, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Tại TP. Cam Ranh, hiện có gần 800 cơ sở, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực NNNT hiện khó khăn về vốn, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, sản phẩm thường có giá trị thấp, chưa hình thành được thương hiệu nên khó cạnh tranh trên thị trường. Một số làng nghề như: dệt chiếu cói (tại TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa) hay nghề đúc đồng (huyện Diên Khánh), nghề gốm sứ (huyện Vạn Ninh) hiện gặp không ít khó khăn và mai một dần.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2011 - 2015, để tiếp tục hỗ trợ các NNNT phát triển, Dự án Điều chỉnh quy hoạch phát triển NNNT tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 sẽ được triển khai; chính sách hỗ trợ làng nghề, NNNT trên địa bàn tỉnh được ban hành; những ngành nghề hiện có như: mây tre, đan, gốm sứ, sản xuất gạch ngói, chế biến nước mắm, chế biến bún, bánh tráng, mộc mỹ nghệ, khai thác đá chẻ, chế biến đá xuất khẩu… được bảo tồn và phát triển. Bên cạnh đó, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã NNNT gắn liền với đề án xây dựng nông thôn mới, cụ thể tới từng địa phương; đầu tư tạo sự chuyển biến trong cải tiến thiết bị công nghệ, tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị trường; một số nghề mới sẽ được đưa vào phát triển nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lao động nông thôn sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề; phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch…

Theo ông Tào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện các NNNT trong quá trình phát triển gặp không ít khó khăn, việc phát triển còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Để phát triển NNNT cần sớm lập dự án điều chỉnh quy hoạch phát triển NNNT tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách, ban hành các văn bản để cụ thể hóa các quy định, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp nông thôn được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách của Nhà nước về đất đai, tín dụng, đào tạo nghề, tham gia hội chợ triển lãm…
Các cơ sở NNNT phát triển được xem là xu hướng tất yếu của quá trình xây dựng nông thôn mới, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, với những khó khăn của các cơ sở NNNT như hiện nay, rất cần một “cú hích” để phát triển.

THỦY BA