Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là một trong những chương trình trọng tâm của huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) nhằm tạo động lực, tiền đề để công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) là một trong những chương trình trọng tâm của huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) nhằm tạo động lực, tiền đề để CN hóa, hiện đại hóa.
Theo UBND huyện Diên Khánh, từ năm 2011 đến 2015, huyện phấn đấu giá trị sản xuất CN tăng bình quân 18%/năm, đưa tỷ trọng CN-TTCN chiếm hơn 68% trong cơ cấu GDP của huyện. Bên cạnh đó, phát triển CN-TTCN nhằm giải quyết việc làm mới cho hơn 3.500 người; đồng thời mỗi năm chuyển khoảng 1.600 lao động từ nông nghiệp sang CN, dịch vụ (chiếm hơn 47% số lao động); khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống ở nông thôn. Phát triển CN-TTCN đi đôi với áp dụng công nghệ sạch, sử dụng các trang thiết bị cần thiết nhằm giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Sản xuất đá granite tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Việt Đức (Diên Khánh). |
Theo Chương trình phát triển CN-TTCN từ nay đến năm 2015, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cùng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất CN nhằm tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích và thu hút đầu tư; chủ động bố trí các nhà máy, xí nghiệp theo quy hoạch phát triển và bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng phát triển manh mún. Huyện chủ trương phát triển các cụm CN vừa và nhỏ như: Cụm CN Diên Thọ (quy mô khoảng 50ha) trên trục đường Nha Trang đi Đà Lạt, nối trung tâm huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh; cụm CN Suối Hiệp - Diên Toàn (diện tích khoảng 70ha), Diên Sơn - Diên Điền (mỗi xã khoảng 40 đến 50ha). Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh phát triển CN nông thôn, TTCN truyền thống, đặc biệt sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, đồ mộc dân dụng, chế biến lương thực, thực phẩm… Cơ cấu ngành CN được chuyển dịch theo hướng ưu tiên, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực CN mũi nhọn có kỹ thuật, các sản phẩm có hàm lượng “chất xám”, giá trị gia tăng cao.
Huyện đã đề ra những giải pháp cụ thể theo hướng khai thác, sử dụng hiệu quả lợi thế về tài nguyên, lao động và môi trường; tập trung đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng cơ sở các cụm CN vừa và nhỏ, đồng thời phát triển các lĩnh vực CN chủ yếu như: khai thác, chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất nước giải khát… Đối với ngành khai thác đá, toàn bộ núi Hòn Ngang sẽ được đưa vào quy hoạch khai thác đá xây dựng lâu dài. Huyện cũng kêu gọi đầu tư khai thác đá CN tại các xã: Diên Tân, Suối Tiên, Diên Sơn, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu… Hoạt động khai thác đất sét gạch ngói, cát xây dựng, đất san lấp… cũng được khảo sát, quy hoạch hợp lý.
Sản xuất bánh tráng tại thị trấn Diên Khánh - một trong những nghề truyền thống của huyện. |
Đối với ngành CN chế biến nông - lâm - thủy sản, huyện định hướng đưa toàn bộ cơ sở, nhà máy xay xát lương thực từ vùng nội thị, khu dân cư vào các cụm CN mới hình thành; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng thủy lợi vùng nguyên liệu mía tại xã Diên Đồng và Diên Xuân nhằm tăng nhanh sản lượng cũng như chất lượng mía đường phục vụ các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh. Một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được phát triển thành những vùng tập trung kết hợp với phát triển vườn đồi, vườn rừng của các hộ gia đình, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy. Các ngành chế biến lâm sản, sản xuất giấy, chế biến gia súc - gia cầm, sản xuất nước giải khát được kêu gọi đầu tư, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô hợp lý. Địa phương cũng quan tâm phát triển các ngành nghề truyền thống và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bằng việc định hướng cho Hợp tác xã Đúc Phú Lộc đào tạo nghề cho công nhân, ổn định sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm. Các làng nghề sản xuất bún bánh, nem, chả được phát triển thành tổ hợp tác hay hợp tác xã để tập trung vốn, nguồn lực, xây dựng quy trình sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Huyện Diên Khánh phấn đấu đến hết năm 2015, toàn bộ “vùng lõm” và khu tái định cư sẽ được phủ điện. Huyện đã và đang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống, khảo nghiệm giống cây trồng, vật nuôi, các mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp, xây dựng mạng thông tin phục vụ quản lý nhà nước… Đồng thời, đẩy mạnh khuyến công, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm, đăng ký thương hiệu; nâng cao trình độ cho lao động nông thôn…
V.A