06:10, 28/10/2011

Nuôi tôm trên cát: Ẩn họa khó lường

Khai thác được đất hoang hóa ven biển, chủ động thâm canh (2 vụ/năm) là động lực giúp phong trào nuôi tôm thẻ trên cát phát triển mạnh ở nhiều địa phương.

Khai thác được đất hoang hóa ven biển, chủ động thâm canh (2 vụ/năm) là động lực giúp phong trào nuôi tôm thẻ trên cát phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, phương pháp nuôi này tiềm ẩn những nguy cơ như làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, ô nhiễm môi trường ven biển, hủy hoại hệ sinh thái vùng cát… Bởi vậy, nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ vùng nuôi và sử dụng các biện pháp nuôi khép kín, tiên tiến thì có thể dẫn đến những ẩn họa khó lường.

. Hiệu quả trước mắt

Những ngày này, tại các ao đìa ven tuyến đường Cổ Mã - Đầm Môn thuộc địa phận thôn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, Vạn Ninh, Khánh Hòa), không khí thu hoạch tôm thẻ rất sôi động. Bà con phấn khởi vì có được một vụ bội thu nhờ nuôi bằng phương pháp nuôi tôm trên cát. Thực ra, phương pháp này không mới, đã được áp dụng tại nhiều vùng cát ven biển, đặc biệt là các tỉnh duyên hải miền Trung như: Ninh Thuận, Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị…

Nuôi tôm trên cát tiềm ẩn nhiều tại họa khó lường.

Ông Ngô Minh Thơ - một người ngoài tỉnh đến xã Vạn Thọ thuê đất làm đìa. Ông đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng 4 ao nuôi tôm kiên cố. Ông Thơ cho biết, kinh phí đầu tư một ao chuẩn (3.600m2, mỗi bề 60m x 60m) tốn gần 1 tỷ đồng. Chủ đìa phải chở hàng ngàn mét khối cát để nén nền, nén bờ và sử dụng hàng trăm bi ống xếp đặt thành 3 lớp để chắn sóng, ngăn gió biển, phòng, chống hư hại công trình. Ông Thơ cũng sử dụng loại bạt tốt trang bị cho ao nuôi tôm. Đó là chưa kể hệ thống xi phông, quạt gió sục khí các góc ao và xây dựng các giếng lấy nước ngầm, nước mặn từ tầng sâu. Theo ông Thơ, cách nuôi này cho phép rút ngắn thời gian nuôi (khoảng 3 tháng); thả mật độ dày (100 con/m2); nguồn nước lấy từ giếng ngầm nên bảo đảm độ trong sạch, tinh khiết; có thể chủ động điều chỉnh độ mặn, độ pH; có thể xử lý chất bẩn bằng xi phông đưa ra ngoài… Ông Thơ rất phấn khởi bởi nuôi vụ đầu đã thắng lớn. Năng suất tôm thẻ đạt 7,5 tấn/ao, tương đương 20 tấn/ha; tôm rất khỏe, đồng cỡ, bình quân 45 con/kg với giá bán tại ao 115.000 đồng/kg… Theo ông Thơ, hiện nay, những người nuôi tôm trên cát ở đây vẫn xả chất bẩn thẳng ra biển, chưa qua xử lý.

Do lợi nhuận cao từ việc nuôi tôm trên cát nên có nhiều người, chủ yếu là người ngoài tỉnh đến khu vực này thuê ao nuôi, diện tích đã lên tới 5ha. Hiện nay, nhiều chủ đìa đang san ủi, tạo ao nuôi mới trong khu vực từ thôn Tuần Lễ (Vạn Thọ) đến Đầm Môn (Vạn Thạnh).

. Hậu quả khó lường

Khi mới xuất hiện phương pháp này, nhiều người lầm tưởng đây là phương pháp có thể làm giàu, tạo sức bật mới cho cư dân vùng cát ven biển vốn chỉ có gió, nắng và cát bay. Trong khi đó, hàng loạt dự án nuôi tôm trên cát của nhiều tỉnh, thành ven biển miền Trung đã lần lượt bị phá sản do hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng để lại cho môi trường.

Theo tính toán của các chuyên gia môi trường, mỗi héc-ta nuôi tôm trên cát (thay nước 3 lần/vụ) đã tốn tới 50.000m3 nước ngọt/năm. Đó là chưa kể lượng nước mặn pha trộn với nước ngọt đều phải lấy thông qua biện pháp khoan giếng ngầm. Nếu phong trào phát triển ồ ạt sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, phá vỡ hệ sinh thái vùng cát, làm cạn kiệt nhanh mạch nước ngầm, tăng hiện tượng sụt lún địa tầng, xói mòn đất cát ven biển, ảnh hưởng đến nguồn nước, đất sản xuất phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cư dân vùng cát. Sự suy giảm nguồn nước ngọt có thể dẫn đến khô kiệt các vùng đất phía bên trong, làm mất cân bằng áp lực khiến nước mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền. Thiếu nước, những khoảng rừng phòng hộ ven biển cũng sẽ nhanh chóng bị chết khô do ao tôm xâm lấn, không ngăn nổi hiện tượng cát bay, bão cát… Chưa hết, lượng chất thải được thải ra từ các ao đìa nuôi tôm khá cao (ước tính mỗi năm, 1ha ao đìa thải ra 8 tấn chất thải rắn: vỏ tôm, thức ăn thừa, hóa chất xử lý ao nuôi…). Chất thải xả trực tiếp ra môi trường, không qua xử lý sẽ gây ô nhiễm và mặn hóa nguồn nước ngầm. Đối với những diện tích nuôi ồ ạt, tập trung, việc phát thải diễn ra một thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người dân…

Có thể thấy, lợi nhuận từ việc nuôi tôm trên cát đã rõ, nhưng những hiểm họa khó lường tác động đến môi trường cũng rất lớn. Bởi vậy, các ngành chức năng cần có biện pháp quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, giới hạn về quy mô, diện tích nuôi để hạn chế mặt trái của nó; đặc biệt là khu vực Tuần Lễ - nơi có nhiều động cát lưu giữ được mạch nước ngầm để tạo ra hương vị cho nhiều loại đặc sản và rừng ngập mặn mới vừa được tái tạo.

HOÀI AN