08:10, 04/10/2011

Đầu tư ít, hiệu quả cao

Gần đây, phong trào nuôi heo rừng lai “nở rộ” đã dẫn đến lượng con giống xuất ra từ các trại nuôi trong tỉnh với số lượng lớn làm ối hàng, giá rẻ, khiến nhiều trại nuôi méo mặt vì tiền đầu tư con giống quá cao.

Gần đây, phong trào nuôi heo rừng lai (HRL) “nở rộ” đã dẫn đến lượng con giống xuất ra từ các trại nuôi trong tỉnh với số lượng lớn làm ối hàng, giá rẻ, khiến nhiều trại nuôi méo mặt vì tiền đầu tư con giống quá cao. Thế nhưng, ông Võ Phèn (Bình Trị, Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) lại có cách làm khác. Ông đã chuyển sang nuôi heo thương phẩm với khoản đầu tư ít, hiệu quả mang lại không thua kém nuôi heo giống.

Đến thăm trại nuôi HRL của ông Võ Phèn, đoàn cán bộ Hội Nông dân (HND) tỉnh tỏ ra rất thán phục. Trại nuôi của ông Phèn chừng 800m2 được thiết kế bài bản với 5 ô chuồng, ngăn nhau bởi các tấm lưới B40. Ông Phèn chia sẻ: “Sau khi tham quan các trại nuôi HRL trong tỉnh, tôi quyết tâm xây dựng trại nuôi cho mình, tấm lưới B40 ngăn các ô không cần phải gia cố bê tông, chỉ cần chôn sâu 40cm là heo không thể ủi tới, tiết kiệm được chi phí xây móng tường bao…”.

Nuôi heo rừng lai thương phẩm có nhiều hiệu quả trong tình hình giá bán heo giống đang thấp

Trước đây, ông Phèn chỉ làm công việc nhà nông. HND xã đã đề nghị ông theo học các lớp khuyến nông, thú y ngắn hạn. Từ đó, ông Phèn đã “định hình” được công việc của mình là xây dựng trang trại riêng. Mấy năm theo đuổi kinh tế vườn, trồng cây lâu năm, ông thấy nhọc công, lại bấp bênh trong khâu tiêu thụ nên bán vườn, chuyển sang nuôi HRL khi phong trào đang nở rộ. Ông đầu tư 130 triệu đồng xây chuồng trại; rồi đến thị trấn Cam Đức (Cam Lâm) tìm mua 4 con giống (1 heo đực giống) với tổng cộng 12 triệu đồng để bắt đầu sự nghiệp của mình.

Theo ông Phèn, HRL phát triển rất nhanh. 1 năm, heo cái đẻ 2 lứa, 2 năm 5 lứa; mỗi lứa bình quân 8-10 con (heo rạ), 6-8 con (heo so). Đặc điểm của HRL là heo thịt nặng 25-30kg đã xuất bán nên thu lợi nhanh, bình quân 1 con thu 3,5 triệu đồng (thời giá hiện nay). Do giá heo đang giảm, heo giống chỉ còn 150.000-200.000 đồng/kg, bằng 1/2 so với trước nên nuôi heo thịt an tâm hơn nhiều so với nuôi giống. HRL nuôi thịt có thời gian ngắn, ít tốn kém, lại dễ tiêu thụ. Thức ăn của HRL rất đơn giản, dễ kiếm, nhất là các vùng thôn quê nhiều lá, củ, quả…; không nên dùng cám thực phẩm, bởi HRL rất dị ứng với loại thực phẩm này. “Trước đây, do không biết, tôi cho heo ăn cám thực phẩm để mong heo lớn nhanh. Không ngờ, bữa sau thấy heo tiêu chảy và thế là “rớt” mấy con. Quả là bài học đắt…” - chủ trại heo cho biết.

Với kiến thức của một thú y viên, ông Phèn thường sử dụng các loại lá cây, củ quả để chữa bệnh cho heo. Theo ông, với sức đề kháng cao, HRL rất ít bệnh tật, chỉ cần dành cho mỗi ô chuồng một vũng nước nhỏ để heo ngâm mình, tắm bùn, lấy thuốc sát trùng đổ xuống vũng nước là xem như ngăn ngừa mầm bệnh cho heo. Khi heo tiêu chảy, chẳng cần chích thuốc, chỉ cần giã lá ổi phối hợp cau tươi trộn cho heo ăn là khỏi. Người nuôi HRL không phải vất vả, cực nhọc như nuôi heo trắng. Khi heo đẻ, tự động làm ổ. Chủ nuôi tuyệt đối không nên can thiệp bất cứ việc gì lúc heo đẻ hay động dục. Nuôi HRL đã giúp người nuôi đỡ tốn công sức. Bởi vậy, trong mỗi ô, ông Phèn đều thiết kế một chuồng nhỏ phía sau để heo tránh trú và làm ổ lúc sinh. Ông Phèn làm một bài toán đơn giản, một trại nuôi 10 con heo nái, bình quân 1 heo nái đẻ 8 con, tính ra sau 1 năm trại đã có 160 con heo. Nếu tính giá 50.000 đồng/kg heo hơi thì trang trại có doanh thu 80 triệu đồng, trừ hết chi phí cũng lãi 50 triệu đồng. Sau 18 tháng nuôi, đàn heo lên tới 40 con, trong đó số xuất bán gần 10 con, với cách này, người chủ trại heo rất an tâm về hướng đi của mình.

HOÀI AN