“Nhờ thổ nhưỡng thích hợp và nguồn nước dồi dào dẫn từ sông Lớp và hồ Đá Bàn, rau ở Ninh Đông lớn nhanh, xanh mơn mởn.
“Nhờ thổ nhưỡng thích hợp và nguồn nước dồi dào dẫn từ sông Lớp và hồ Đá Bàn, rau ở Ninh Đông lớn nhanh, xanh mơn mởn. Với mức đầu tư thấp, thời gian sinh trưởng ngắn, đầu ra tương đối ổn định, người dân Ninh Đông không ngừng mở rộng diện tích trồng rau. Cây rau đã giúp bà con “nên cửa nên nhà” - đó là chia sẻ của ông Phạm Văn Được - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Đông (Ninh Hòa, Khánh Hòa).
Về xã Ninh Đông một ngày đầu mùa mưa, trước mắt chúng tôi là những luống rau xanh mướt trải dài trên những khu vườn, thửa ruộng. Những ngày này, người dân Ninh Đông đang tất bật với việc cày, xới đất để chuẩn bị trồng rau mùa Tết. Tuy đã gần 12 giờ trưa nhưng ngoài đồng, bà con vẫn miệt mài, chăm chút cẩn thận từng luống rau.
Nhờ cây rau, cuộc sống của người dân Ninh Đông được cải thiện đáng kể. |
Theo người dân nơi đây, làng rau Ninh Đông ra đời sau ngày đất nước giải phóng. Ban đầu, chỉ một vài hộ trong làng trồng thử rau xà lách, rau thơm… trên diện tích bãi bồi ven sông. Nhờ chất đất màu mỡ và nguồn nước mát từ sông Lớp nên rau lớn nhanh, xanh mơn mởn. Thấy cây rau thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, nhiều hộ dân bắt tay vào trồng. Qua thời gian, làng rau dần hình thành và mở rộng. Ông Phạm Văn Được cho biết: Hiện nay, toàn xã có hơn 70% hộ trồng rau với diện tích hơn 60ha (tăng gấp 3 lần so với vài năm trước), tập trung nhất vẫn là các thôn: Quang Đông, Phú Nghĩa… Rau được người dân phát triển quanh năm, nhưng sôi động nhất vẫn là dịp Tết. Nếu ngày thường, các loại rau xanh như: xà lách, cải xanh, rau thơm, tần ô được trồng nhiều thì vào dịp Tết, các loại cây màu như: dưa leo, khổ qua, đậu cô ve… được trồng với số lượng lớn. Chính nguồn nước từ sông Lớp và hồ Đá Bàn dẫn về dồi dào đã giúp bà con chủ động được nước tưới, có điều kiện mở rộng diện tích ở những chân ruộng cao, nhất là trong mùa khô hạn…
Tuy rau chưa phải là cây trồng chủ lực của xã nhưng từ bao đời nay, cây rau đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Đến làng rau Lê Cự (thôn Phú Nghĩa), chúng tôi càng thấy được hiệu quả kinh tế từ cây rau mang lại. Có thâm niên hơn 30 năm trong nghề, tuy có lúc phải đối mặt với những khó khăn do thời tiết thất thường, sâu bệnh phát triển, nhưng nhờ biết cách phòng tránh kịp thời như: lên rò cao, làm rãnh thoát nước, sử dụng lưới che, bạt tránh nước…, gia đình ông Cự chưa năm nào bị thất thu. Ông Cự nói: “Trước đây, do nhu cầu tiêu thụ ít, giá rau thấp nên tôi chỉ dám trồng hơn 1 sào rau. Bây giờ, nhờ đầu ra tương đối ổn định, tôi đã mở rộng diện tích trồng rau. Ngày thường, nhà tôi trồng 4 sào rau xanh gồm: xà lách, rau thơm, cải…; mùa Tết trồng thêm 3 sào cây màu khác như: đậu cô ve, khổ qua, bầu, bí… Trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi năm, gia đình tôi lãi ròng khoảng 100 triệu đồng. Nhờ nguồn thu này, cuộc sống của gia đình được cải thiện rõ nét. Ngoài có tiền lo cho các con vào đại học, tôi sửa sang nhà cửa, mua sắm phương tiện đi lại và các vật dụng khác…”.
Tương tự ông Cự, gia đình ông Nguyễn Công Chánh (thôn Phú Nghĩa) cũng trở nên khấm khá nhờ trồng rau. Ông Chánh cho biết: “Cây rau đã gắn bó với gia đình tôi hơn 20 năm. Chính cây rau đã giúp vợ chồng tôi thoát nghèo… Chỉ trồng hơn 3 sào rau, nhưng bình quân mỗi năm, nhà tôi lãi hơn 50 triệu đồng. Sắp tới, tôi tận dụng thêm đất vườn, ruộng để trồng rau phục vụ dịp Tết”. Cũng theo ông Chánh, trồng rau xanh dễ làm, dễ bán, ít tốn công sức, chi phí hơn trồng lúa, hoa màu. Chỉ cần xuống giống, tưới nước, bón phân, sau 20 ngày là có rau tươi để bán. Đặc biệt, nhờ chất đất màu mỡ, cây rau ở Ninh Đông có điều kiện phát triển quanh năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường. Vì vậy, ngày càng có nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đến đặt hàng. Người trồng rau Ninh Đông không phải cất công đi tìm kiếm thị trường như trước. Hiện nay, nhờ giá rau cao nên người dân rất phấn khởi.
Với tiềm năng và lợi thế riêng, Ninh Đông có đủ điều kiện để chú trọng vào sản xuất rau sạch. Được biết, xã đang triển khai dự án 13ha rau an toàn. Theo đó, xã tập trung làm đường, san bằng đồng ruộng, đặt hệ thống tưới tiêu… để chuyển đổi một số diện tích trồng lúa sang trồng rau. Đây là hướng đi tất yếu nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu rau sạch cho bà con nông dân. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là chi phí sản xuất rau sạch cao gấp nhiều lần rau bình thường; thế nhưng, giá bán chỉ ngang bằng các loại rau khác. Điều này chủ yếu do thói quen sử dụng rau sạch của người tiêu dùng chỉ dừng ở mức cảm quan, không thể phân biệt được đâu là rau sạch, đâu là rau không an toàn. Thiết nghĩ, để xây dựng được thương hiệu rau sạch, rất cần những giải pháp cụ thể, thiết thực từ các ngành chức năng cũng như sự nỗ lực lớn của người dân.
K. THAO