Học chưa hết bậc tiểu học nhưng ông Lưu Quang Trương (thôn Vĩnh Trung, Cam An Nam, Cam Lâm, Khánh Hòa) đã mày mò “chế” ra chiếc máy xới cỏ, rạch hàng rất hiệu quả. Chiếc máy tỏ ra rất hữu ích khi giúp nhà nông đỡ vất vả trong khâu rạch hàng, làm cỏ nên được nhiều nông dân ưa chuộng.
Học chưa hết bậc tiểu học nhưng ông Lưu Quang Trương (thôn Vĩnh Trung, Cam An Nam, Cam Lâm, Khánh Hòa) đã mày mò “chế” ra chiếc máy xới cỏ, rạch hàng rất hiệu quả. Chiếc máy tỏ ra rất hữu ích khi giúp nhà nông đỡ vất vả trong khâu rạch hàng, làm cỏ nên được nhiều nông dân ưa chuộng.
Ông Nguyễn Văn Yên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam An Nam đưa tôi đến nhà người “kỹ sư chân đất” Lưu Quang Trương khi ông vừa sản xuất xong chiếc máy xới cỏ đa năng thứ 20 cho một đơn hàng mới. “Nhà có mấy sào đất nhưng việc thì nhiều nên tôi để cho người khác thuê. Sau mấy năm, thấy việc trồng mía, hoa màu có lãi, tôi nhận lại. Thế nhưng khi làm phải thuê bò cày, công cán tốn kém nên tôi nghĩ đến việc tạo ra máy thay thế. Thế là chiếc máy xới cỏ ra đời…” - “nhà sáng chế” tâm sự.
Với trình độ một thợ cơ khí học “lóm”, ông Trương không khó khăn để phác thảo ra hình hài ban đầu của chiếc máy xới. Tuy nhiên, sử dụng động cơ xăng hay dầu là điều ông trăn trở. Ông nghĩ, máy chạy xăng vòng tua quay nhanh nhưng lực kéo yếu hơn động cơ dầu, liệu có thể cày xới? Tuy nhiên, máy chạy xăng lại dễ kiếm, không lo phụ tùng thay thế. Điều lo lắng đó được giải tỏa khi ông thử nghiệm thành công chiếc máy chạy bằng động cơ xe Honda kéo theo dàn lưỡi cày nhờ sự trợ giúp của bộ đổi tốc. Chiếc máy xới cỏ, rạch hàng nhanh chóng “ra lò”, trở thành người bạn hữu ích, giúp gia đình ông rất nhiều trong việc canh tác 4 sào ruộng mía, hoa màu.
Cấu tạo chiếc máy thật đơn giản. Khi khởi động, lực truyền của động cơ sau khi thông qua bộ giảm tốc đã kéo bánh xe di chuyển, đưa cả “cỗ máy” làm việc. Nhờ lực kéo mạnh, người ta có thể lắp thêm dàn cày, dàn xới hay xe kéo tùy theo công năng. Máy xới lắp thêm tay cầm giúp cho người sử dụng thuận tiện trong việc di chuyển trong ruộng mía. Chiếc máy cũng có thể lắp thêm rơ-mooc vận chuyển vật tư, phân bón vào ruộng với sức kéo 500 - 600kg (nếu đường đi tốt), 300kg (nếu đường xấu). Ông Trương cho biết, một giờ, máy có thể xới cỏ được 1 sào (1.000m2) nhưng tiêu tốn chỉ 0,75 lít xăng. Một ngày máy xới 7 - 8 sào đất, năng suất gấp đôi so với bò kéo nhưng chi phí chỉ bằng 1/3. Tính với giá công thuê mướn hiện nay, máy có thể tiết kiệm ít nhất 150.000 đồng/sào.
3 năm sau ngày chiếc máy đầu tiên “xuất xưởng”, chủ nhân của nó đã xuất bán đến 20 chiếc cùng loại; tuy nhiên, mỗi lần đều có cải tiến thêm theo yêu cầu của khách hàng. Với giá thành một chiếc máy 7 triệu đồng, người sáng chế chiếc máy chỉ lấy tiền công mà không tính đến “chất xám” đã bỏ ra. Theo ông Trương, bình quân một ngày công của ông chỉ tính 150.000 - 200.000 đồng (một chiếc máy hoàn thiện trong vòng 10 - 12 ngày).
Cho đến nay, nhiều nông dân trong và ngoài huyện biết đến chiếc máy xới cỏ, rọc hàng của ông nên tìm đến mua, đặt hàng. Máy cũng được nông dân Bình Dương biết tới. Ông Trương luôn sẵn sàng chỉ vẽ cách sử dụng và không ngại người khác “copy” làm theo. Máy xới cỏ ngày càng được ông Trương hoàn thiện với nhiều chi tiết mới để đảm bảo cho chiếc máy có được nhiều công năng khác. Hiện nay, ông đang ấp ủ một đề tài khác, đó là chiếc máy thu hoạch mía (chặt và róc lá). Khó khăn hiện nay đối với ông là thiếu vốn để đầu tư thử nghiệm. Tuy đồng vốn không lớn, khoảng 20 triệu đồng nhưng cũng làm người “kỹ sư chân đất” này trăn trở. Hy vọng một ngày không xa, chiếc máy thu hoạch mía ra đời để đáp ứng nguyện vọng của người trồng mía.
H.A