Là nông dân ở miền núi nhưng ông đã ý thức được việc xây dựng thương hiệu nông sản từ rất sớm. Việc có được nhãn hiệu độc quyền “Sầu riêng Khánh Sơn - Bảy Hổ” trước cả khi UBND huyện Khánh Sơn có thương hiệu “SRKS” là một minh chứng.
Là nông dân ở miền núi nhưng ông đã ý thức được việc xây dựng thương hiệu nông sản từ rất sớm. Việc có được nhãn hiệu độc quyền “Sầu riêng Khánh Sơn (SRKS) - Bảy Hổ” trước cả khi UBND huyện Khánh Sơn có thương hiệu “SRKS” là một minh chứng. Ông là Đặng Tài Hổ, người được xem là “vua sầu riêng” trên đất Khánh Sơn.
Ông Đặng Tài Hổ đang dán nhãn hiệu “Sầu riêng Bảy Hổ - Khánh Sơn” để chuẩn bị bán cho thương lái. |
Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có mặt tại huyện miền núi Khánh Sơn, “thánh địa” SR của tỉnh. Từ thị trấn Tô Hạp đến các xã Sơn Trung, Sơn Bình, Sơn Lâm… SR trồng san sát, chạy dọc trên những triền đồi. Không khí mát mẻ của vùng núi hòa lẫn với mùi SR thoang thoảng tạo nên một sự khác lạ đầy thú vị. Càng thú vị hơn khi chúng tôi được tiếp cận với ông Đặng Tài Hổ (thị trấn Tô Hạp), một trong những người đi tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu “SRKS”.
. Tiền tỷ từ SầU RIÊNG
Khi chúng đến, ông Đặng Tài Hổ (thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp) đang dán nhãn SR để chuẩn bị bán cho khách hàng. Cả khu vườn đồi với hàng trăm gốc SR thoang thoảng mùi SR chín. Ông Hổ bổ một quả SR khoảng 4kg mời chúng tôi thử thưởng thức đặc sản nơi đây. Quả SR có 5 múi khá đều nhau, căng mọng và vàng ươm. Mùi SR tỏa ngào ngạt, làm chúng tôi không thể cầm lòng. Vị SRKS ngọt thanh, bùi bùi, hạt chỉ bé bằng 2 ngón tay người lớn và rất lép. Tiếng đồn SRKS “cơm vàng, hạt lép” ăn rất ngon quả không ngoa.
“Sầu riêng Bảy Hổ - Khánh Sơn”, nhãn hiệu nông sản đầu tiên của Khánh Hòa. |
Sau “bữa tiệc” SR, ông Hổ dẫn chúng tôi đi tham quan vườn SR, và kể lại mối lương duyên với loài cây đặc sản này… Năm 1999, Phòng Nông nghiệp huyện Khánh Sơn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng cây SR. Lúc này, cà phê đang “sốt” giá nên cả huyện đổ xô đi trồng cà phê, không mấy ai tin tưởng với thứ đặc sản có gốc gác từ miệt vườn Nam bộ này. “Lúc ấy, tôi cũng đang say sưa với cây cà phê, nên chỉ trồng thử nghiệm khoảng 100 gốc SR, chứ cũng không nghĩ đến chuyện làm giàu bằng cây SR”, ông Hổ kể lại. Đến năm 2005, SR cho trái với chất lượng cao, ông Hổ “mê mẩn” luôn cây SR từ đó. Ông không ngừng tìm tòi, học hỏi để nâng cao hiểu biết về cách chăm sóc, trị bệnh cho cây SR. Đến bây giờ, ông Hổ hiểu rõ “tính cách” của cây SR như con cái trong nhà.
Hiện tại, ông Hổ và người anh Đặng Tài Bảy sở hữu 15ha SR với gần 2.000 gốc. Với lợi thế thu hoạch từ cuối tháng 8 đến tháng 10, trái vụ so với các địa phương nên SRKS được nhiều thương lái từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác tìm đến thu mua, giá ổn định từ 18 - 35 nghìn đồng/kg. Năm vừa rồi, chỉ gần một nửa vườn SR cho thu hoạch, ông Hổ và ông Bảy đã thu được hơn 80 tấn quả, trừ chi phí, hai anh em ông lãi ròng hơn 1 tỷ đồng. Với việc đi đầu trong trồng và xây dựng thương hiệu SRKS, ông Hổ được những người trồng SR ở vùng đất này gọi là “vua SR” Khánh Sơn. “Ở đất Khánh Sơn, không riêng gì anh em tôi mà với mọi người, SR đã trở thành niềm vui chung”, ông Hổ nói một cách hóm hỉnh.
. Nông dân “chân đất” làm nên thương hiệu
Với chất lượng tuyệt hảo, SRKS đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Chính vì vậy, những năm gần đây, nhiều tư thương đã mượn tiếng SRKS để bán các loại SR khác. Nhiều lần về TP. Nha Trang, ông Hổ thấy nhiều tư thương bán SR nơi khác nhưng vẫn nói là SRKS; thậm chí một số sạp còn lấy cả tên nhà vườn của ông là Bảy Hổ để quảng cáo cho SR của họ. Chính vì vậy, ông Hổ đã nghĩ đến việc đăng ký thương hiệu SRKS. “Gắn bó, chắt chiu với cây SR từng ngày, mỗi cây SR tôi đều nhớ rõ từng vị trí, từng căn bệnh. Tôi đã nhiều lần tham gia và đạt giải trong Hội thi Sáng tạo khoa học tỉnh đề tài về cây SR… Trăn trở là thế, do đó tôi không đành lòng nhìn người khác làm mất uy tín SRKS. Tôi phải bảo vệ nó!”, ông Hổ tâm sự.
Ông Đặng Tài Hổ cùng người làm thu hoạch sầu riêng. |
Nghĩ là làm, từ năm 2008, ông Hổ đã đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ cho nhà vườn của mình đăng ký sở hữu nhãn hiệu độc quyền “SRKS - Bảy Hổ”. Qua kiểm tra chất lượng, SR của ông đạt 0,36kg cơm/1kg vỏ, vượt qua tiêu chuẩn quy định là 0,28kg - 0,31kg cơm/1kg vỏ. Đến năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức công nhận nhãn hiệu độc quyền SRKS Bảy Hổ với logo hình con hổ liếm quả SR. Ông giải thích: “Mới đầu tôi định thiết kế logo 7 con hổ chụm đầu vào trái SR nhưng nhiều chi tiết quá, không tiện; sau mới nghĩ ra logo SR ngon đến nỗi hổ cũng phải thèm”. Vừa nói ông vừa đưa cho chúng tôi xem công trình của mình với gần 10 nghìn tem chống hàng giả để dán vào trái SR vườn nhà. Ngay sau khi ra đời nhãn hiệu, SR của ông Hổ luôn được các thương lái mua với giá cao hơn giá những nhà vườn khác 2 nghìn đồng/kg. Việc xây dựng thương hiệu “SRKS - Bảy Hổ” của ông Đặng Tài Hổ đi trước cả thương hiệu “SRKS” của UBND huyện Khánh Sơn quả là điều không thể ngờ được ở người nông dân chân đất này.
. “Phải giữ thương hiệu, không để mai một”
Nhìn những trái SR được dán tem thương hiệu của mình, ông Đặng Tài Hổ đúc kết: “Thương hiệu đã có, việc còn lại là phát triển và phải giữ gìn thương hiệu, không để mai một. Uy tín, chất lượng SRKS không thể dựa vào một vài cá nhân mà phụ thuộc vào tâm huyết, ý thức của các nhà vườn và sự hỗ trợ, quản lý chặt chẽ của Nhà nước”. Từ suy nghĩ trên, ngoài thời gian chăm sóc cây SR vườn nhà, ông Hổ thường xuyên đi thăm các nhà vườn khác, hướng dẫn những người mới trồng đúng kỹ thuật, nhất là nhà vườn của đồng bào dân tộc Raglai. Mặt khác, ông tuyên truyền để người dân hiểu, bảo vệ chất lượng và thương hiệu cây SR. Anh Mấu Xuân Hiếu, dân tộc Raglai ở thị trấn Tô Hạp, cho biết: “Thầy Hổ chỉ bảo tôi rất tận tình từ khâu chăm bón, tỉa cành, chăm sóc, phòng bệnh đến khâu thu hoạch, bảo quản. Nhờ có sự chỉ bảo của thầy Hổ nên vườn SR của tôi đang phát triển tốt”. “Tôi luôn tuân thủ những kỹ thuật trồng SR, do đó trái SR của vườn nhà luôn đảm bảo cơm vàng hạt lép, quả SR nặng từ 4 - 6kg. Việc làm đúng kỹ thuật này nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất cho SR, cũng là đảm bảo uy tín thương hiệu SRKS”, ông Bo Bo Khá (dân tộc Raglai, thị trấn Tô Hạp) chia sẻ.
Cây sầu riêng đã giúp nhiều hộ đồng bào ở huyện miền núi Khánh Sơn thoát nghèo. |
“Sự thành công của ông Hổ đã có tác động không nhỏ đến việc xây dựng thương hiệu SRKS. Người dân ở đây bây giờ đã bắt đầu chú ý hơn đến việc xây dựng thương hiệu “SRKS”, ông Nguyễn Trọng Lâm- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Khánh Sơn đánh giá về vai trò tiên phong của ông Hổ. Tiếp nối sự thành công của ông Hổ, hiện nay, Phòng NN-PTNT huyện đang vận động, hướng dẫn những nhà vườn ở Khánh Sơn làm logo đăng ký nhãn hiệu với thương hiệu chung là “SRKS” để tăng giá trị, tránh bị giả mạo. Ông Trương Hữu Lan, Chi cục trưởng Chi cục NN-PTNT tỉnh đánh giá: “Thương hiệu SRKS là thương hiệu nông sản đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa. Đây là cây trồng có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế miền núi. UBND huyện Khánh Sơn đã đúng đắn, dám nghĩ, dám làm khi lựa chọn cây SR để phát triển. Chi cục luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi trước những nỗ lực phát triển cây SR của UBND huyện Khánh Sơn và xây dựng nhãn hiệu SR của các nhà vườn”.
Chia tay Khánh Sơn, lòng chúng tôi lâng lâng niềm vui khi nhớ về câu nói của ông Nguyễn Trọng Lâm: “Trong mùa thu hoạch sau, SRKS sẽ có nhiều nhãn hiệu mới ngoài nhãn hiệu Bảy Hổ”!
QUANG ĐỨC - NHẬT LỆ
SRKS rất thơm ngon, cơm vàng hạt lép, tỷ lệ cơm 30 - 40%, lại được thu hoạch trái vụ với các địa phương khác trên cả nước nên được khách hàng rất ưa chuộng. Khánh Sơn hiện có hơn 500ha SR, trong đó 200ha thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Bình, Sơn Lâm, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, thị trấn Tô Hạp. Giá thu mua tại chỗ từ 18 - 35 nghìn đồng/kg tuy thời điểm. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai lên Khánh Sơn đặt vấn đề thu mua với số lượng lớn, trung bình một ngày Khánh Sơn bán khoảng 100 tấn quả. Phòng NN-PTNN cũng làm việc với các siêu thị trên địa bàn tỉnh đưa SRKS vào tiêu thụ.
Thương hiệu SRKS đã được đăng ký độc quyền trên toàn quốc từ tháng 3-2011. Thế nhưng, tháng 6-7 vừa qua, nhiều cửa hàng, tư thương ở Nha Trang, Cam Ranh và nhiều địa phương khác vẫn mượn danh SRKS để bán “hàng giả”. Ông Nguyễn Trọng Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn khẳng định: “SRKS cuối tháng 8 mới bắt đầu vào vụ thu hoạch và kết thúc vào tháng 10. Không thể có chuyện có SRKS ở thời điểm tháng 6-7. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị Chi cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra xử lý đối với những trường hợp mạo danh thương hiệu”.