11:09, 19/09/2011

Tỏi Lý Sơn xanh giữa đảo Ninh Vân

Những vùng đất nông nghiệp hoang hóa trước đây ở xã đảo Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã được người dân tận dụng toàn bộ để trồng tỏi. Cây tỏi đã cho người dân vùng đảo này thu lợi nhuận từ 200 - 300 triệu đồng/vụ/hộ. Nhờ đó, cuộc sống của người dân trên đảo, vốn khốn khó, đã được cải thiện đáng kể.

Những vùng đất nông nghiệp hoang hóa trước đây ở xã đảo Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã được người dân tận dụng toàn bộ để trồng tỏi. Cây tỏi đã cho người dân vùng đảo này thu lợi nhuận từ 200 - 300 triệu đồng/vụ/hộ. Nhờ đó, cuộc sống của người dân trên đảo, vốn khốn khó, đã được cải thiện đáng kể.

Đến xã đảo Ninh Vân (Ninh Hòa), nhìn từ xa có thể thấy những thửa ruộng bằng phẳng, phủ một lớp cát trắng mịn, trồng toàn cây tỏi. Ít ai biết rằng, những héc-ta đất màu mỡ chỉ trồng toàn tỏi trên vùng đảo này trước đây là một vùng đất nông nghiệp hoang hóa, trồng trọt gặp khó khăn. Chỉ có một ít diện tích được người dân tận dụng để trồng đậu xanh và bắp, số còn lại bỏ trống để chăn thả bò. Người dân trên đảo chỉ sống dựa vào nghề đánh bắt hải sản và khai thác rong mơ. Bà Trà Thị Vân Sen - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết: Tổng diện tích đất nông nghiệp của xã đảo Ninh Vân khoảng 50ha, trước đây bị hoang hóa khoảng 80%. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn diện tích đất bỏ hoang đó được người dân chuyển sang trồng tỏi. Cây tỏi trở thành cây nông nghiệp chính, thay thế đậu xanh và bắp vốn không cho hiệu quả kinh tế cao.

Qua lời kể của người dân, tỏi Ninh Vân có nguồn gốc từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Giống tỏi nổi tiếng đó đã “bén duyên” với vùng đất mới này gần chục năm qua. Đó là vào khoảng năm 2002, một số người dân đảo Lý Sơn đi biển ghé vào đảo Ninh Vân, họ nhận thấy thổ nhưỡng ở Ninh Vân có thể trồng được tỏi nên đã thuê đất để trồng thử nghiệm. Không ngờ, cây tỏi Lý Sơn lại rất hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Ninh Vân nên phát triển tốt và cho năng suất cao. Qua thời gian học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật làm đất, trồng tỏi từ người dân đảo Lý Sơn, người dân đảo Ninh Vân bắt đầu trồng cây tỏi.

Người dân Ninh Vân làm ăn khấm khá nhờ trồng tỏi.

Mùa tỏi ở Ninh Vân bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau. Sống được với nghề tỏi đến hôm nay, những người trồng tỏi khó có thể quên một thời cây tỏi ở đây từng rơi vào bế tắc. Những vụ đầu tiên, do chưa tiếp thu và tích lũy được kinh nghiệm, cây tỏi bị rầy, sâu nhiều, cho năng suất thấp, giá bán thấp. Trong khi đó, chi phí làm đất, giống, xây dựng hệ thống tưới tiêu và chăm sóc khá cao, khiến người trồng tỏi phải lao đao. Bà Trần Thị Kim Liên - một người trồng tỏi nhớ lại: “Khoảng năm 2003, tỏi rớt giá chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg; trong khi đảo cách biệt với đất liền, phân bón, vật tư đều phụ thuộc hết vào các “đầu nậu”. Bị họ ép giá bán nên nợ cũ chồng nợ mới, nông dân lỗ nặng, đầy thất vọng, tưởng như không thể sống được với nghề trồng tỏi”.

Cây tỏi thực sự phát triển và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân Ninh Vân khoảng 3 năm trở lại đây. Qua nhiều năm trồng tỏi, người dân đã tích lũy được kinh nghiệm làm đất, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, cây tỏi phát triển ổn định, cho năng suất cao. Bây giờ, trồng tỏi trở thành nghề chính của nhiều người dân Ninh Vân. Số lượng hộ trồng và diện tích đất trồng tỏi cũng tăng theo từng năm. Nếu như năm 2010, toàn xã chỉ có hơn 10 hộ trồng tỏi với diện tích khoảng 16ha thì năm 2011, số hộ trồng tỏi đã tăng lên gần 70 hộ với tổng diện tích gần 30ha. Những hộ gia đình nào trồng tỏi đều có thu nhập khá, từ 200 - 300 triệu đồng/vụ/hộ. Bà Lê Thị Kim Chi - một nông dân trồng tỏi cho biết: Nhà bà đã có kinh nghiệm trồng tỏi 6 năm. Với 5 sào đất, mỗi vụ, gia đình bà bán tỏi thu hơn 100 triệu đồng, cuộc sống ngày càng ổn định. Tỏi trồng ở Ninh Vân năng suất không kém tỏi trồng ở đảo Lý Sơn, bình quân khoảng 7 tấn/ha; củ lớn hơn tỏi Lý Sơn nhưng không chênh lệch nhiều, chất lượng tương đương, đều có vị thơm, nồng. Tỏi sau khi thu hoạch có thương lái đến thu mua tận nhà, giá cả ổn định, trung bình 40.000 đồng/kg tươi. Chính nhờ đó, đời sống của bà con xã đảo khá hẳn lên. Nhiều người nhờ trúng những mùa tỏi đã xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm vật dụng trong gia đình, phương tiện đi lại, có điều kiện cho con ăn học, đặc biệt có tiền để đầu tư công cụ, mua sắm phương tiện để làm thêm những ngành nghề khác, mức sống được nâng lên đáng kể.

Bà Trà Thị Vân Sen chia sẻ: Ninh Vân đã thực sự có duyên với nghề trồng tỏi. Bây giờ, trồng tỏi đã trở thành nghề chính của nông dân trên đảo. Kể từ khi đường bộ từ xã Ninh Phước đến Ninh Vân lưu thông, người dân đi lại mua phân bón, vật tư thuận tiện, thương lái đến thu mua tỏi tận nhà, giá cả cạnh tranh nên nông dân đã sống ổn định và phát triển mạnh nghề trồng tỏi. Nghề trồng tỏi đang làm thay đổi cuộc sống từng ngày của người dân Ninh Vân.

MINH THIẾT