Đồng thuận với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), những ngày qua, các NH đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay (LSCV) về mức 17 - 19%/năm. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những doanh nghiệp (DN) đang thiếu vốn.
Đồng thuận với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), những ngày qua, các NH đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay (LSCV) về mức 17 - 19%/năm. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những doanh nghiệp (DN) đang thiếu vốn.
Theo công bố của Ngân hàng Thương mại (NHTM) Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank): Từ ngày 8-9 đến 31-12-2011 bắt đầu triển khai chương trình “Cho vay VND ưu đãi đặc biệt” trên toàn hệ thống Sacombank. Chương trình này dành 2.000 tỷ đồng để cho các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và nông nghiệp - phát triển nông thôn vay với lãi suất ưu đãi từ 17 - 19%/năm. Mục tiêu của việc đưa ra gói tín dụng với lãi suất ưu đãi này nhằm góp phần tạo mặt bằng LSCV với mức hợp lý hơn, hướng đến việc hỗ trợ các DN vừa và nhỏ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế. Đây là động thái tích cực của Sacombank trong việc thực hiện chủ trương của NHNN về giảm LSCV tiền đồng xuống mức 17 - 19%/năm. Dự kiến trong thời gian tới, Sacombank sẽ tiếp tục đưa ra những chính sách ưu đãi mới dành cho các đối tượng DN khác trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Từ cuối tháng 8, thị trường đã bắt đầu đón nhận các gói tín dụng ưu đãi lãi suất của một số NH như Techcombank với cơ chế hỗ trợ từ 19,5%/năm, rồi các chương trình của Eximbank, ACB, HDBank... Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 9-9 đã có 11 NHTM điều chỉnh giảm LSCV. Trước thời điểm diễn ra Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm NH đã có 5 NHTM là BIDV, SHB, VPBank, ABBank, Eximbank điều chỉnh giảm LSCV đối với lĩnh vực nông nghiêp, nông thôn, xuất khẩu xuống mức 17 - 19%/ năm. Trong đó LSCV ưu đãi thấp nhất tại NH Đầu tư Phát triển (BIDV) là 15%/năm dành cho các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực thu mua nông thủy sản xuất khẩu, nông nghiệp và các DN nhỏ và vừa. Một điều đáng chú ý khác là BIDV không hề đóng cửa đối với tín dụng phi sản xuất. Tuy nhiên, LSCV đối với nhóm khách hàng này sẽ ở mức cao.
Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay là một động thái tích cực của các ngân hàng trong việc thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. |
Đến ngày 8-9, có 6 NHTM là LienVietPostBank, VietBank, VietcomBank, MHB, Maritime Bank đã điều chỉnh giảm LSCV VND đối với sản xuất kinh doanh xuống mức 17 - 19%/năm. Từ 12-9, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) sẽ giảm LSCV sản xuất kinh doanh về 17 - 19%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn. Trong đó, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tối thiểu là 17%, còn các đối tượng khác thấp nhất là 18%/năm. Một số NHTM khác như VIB, Techcombank cũng đang xây dựng chính sách lãi suất trên cơ sở điều kiện hoạt động kinh doanh của mình để điều chỉnh giảm LSCV đối với lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu xuống mức 17 - 19%/năm.
Các chuyên gia cho rằng, đây là một động thái tích cực của các NH trong việc thực hiện chủ trương của NHNN trên tinh thần giảm dần LSCV, tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn. Việc giảm lãi suất lần này có thuận lợi là được sự đồng thuận và quyết tâm của các NH, bên cạnh đó, hiện nay nhiều NH đang có nguồn vốn dồi dào, sẵn sàng hỗ trợ các DN đáp ứng đủ điều kiện. Tuy nhiên, trước áp lực lạm phát hiện nay, chi phí huy động đầu vào của các NH chưa thể giảm mạnh nên việc điều chỉnh giảm LSCV vẫn còn dè dặt, đặc biệt đối với những NH có quy mô nhỏ. Ngay cả những chương trình cho vay có lãi suất ưu đãi như trên, thị trường vốn cũng chỉ dành cho các hợp đồng vay vốn ngắn hạn. Các chương trình giảm lãi suất chủ yếu hướng tới các đối tượng cụ thể và số vốn không quá lớn.
Ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa nhận định: “Giảm lãi suất không phải là ý muốn chủ quan của NHNN mà đây là nhu cầu của cả nền kinh tế và cả các tổ chức tín dụng. Bởi lẽ, nếu để lãi suất cao như hiện nay, các NH không thể cho vay được, trong khi đó, DN sử dụng vốn vay với lãi suất cao sẽ gặp khó khăn, dẫn đến nợ xấu tăng lên, tác động đến vấn đề an toàn hệ thống của các NHTM. Chính vì thế, việc giảm lãi suất một mặt giúp cho kinh tế phát triển ổn định và có lợi cho DN, mặt khác còn có lợi cho chính các NH trong thời điểm hiện nay. Việc hạ lãi suất tín dụng vẫn đang được gắn liền với giới hạn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng và chính sách tiền tệ khác nên vẫn đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ. NHNN đã và đang có những điều chỉnh kỹ thuật để hỗ trợ cho thông điệp hạ lãi suất hiện thực hơn”.
BÍCH KHUÊ