04:09, 20/09/2011

Nhiều dự án còn chậm tiến độ

Khu Kinh tế Vân Phong nằm trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), có tổng diện tích 150.000ha (gồm 80.000ha mặt nước và 70.000ha đất liền).

Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong nằm trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), có tổng diện tích 150.000ha (gồm 80.000ha mặt nước và 70.000ha đất liền). Đến nay, KKT này thu hút 106 dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 11,7 tỷ USD và 50.132 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên hiện nay, việc triển khai các dự án lớn tại KKT vẫn còn chậm tiến độ.

Theo Quyết định 92/2006/QĐ-TTg, KKT Vân Phong có diện tích 150.000ha, thuộc thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Mục tiêu phát triển của KKT Vân Phong là trở thành KKT tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng hải sản, các ngành kinh tế khác và xây dựng các khu đô thị. Theo Quyết định 2152/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2030, KKT Vân Phong được xác định là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp với phát triển các ngành kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác. KKT Vân Phong là trung tâm kinh tế của tỉnh có vai trò đầu tàu trong thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước. Ông Nguyễn Trọng Hòa - Trưởng ban Ban quản lý KKT Vân Phong cho biết, thời gian qua, KKT đã thu hút nhiều dự án lớn, quan trọng như: Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong giai đoạn khởi động (tổng mức đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng), Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (125 triệu USD), Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 (2 tỷ USD), Căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong (1,3 tỷ USD), Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (4,5 tỷ USD). Đây là những dự án có vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy cho sự hình thành và phát triển nhanh của KKT. Các dự án lớn khi hoàn thành sẽ là tiền đề thu hút mạnh mẽ nhiều dự án đầu tư khác vào KKT như: Các dự án đầu tư về hạ tầng, ngành công nghiệp phụ trợ… góp phần quan trọng tạo nên những bước đột phá mới trong thu hút đầu tư vào KKT. Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn nữa đến KKT Vân Phong.

 Dự án Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ.

Tính đến nay, KKT Vân Phong thu hút được 106 dự án đầu tư gồm: 24 dự án nước ngoài và 82 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD và 50.132 tỷ đồng. Trong đó, 38 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện gần 358 triệu USD, 45 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký tương đương 2,3 tỷ USD, 18 dự án được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký tương đương 11,29 tỷ USD, 5 dự án đang trình cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký tương đương 158,4 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay, tiến độ thực hiện các dự án tại KKT Vân Phong chưa đạt yêu cầu đặt ra. Nhiều dự án chậm tiến độ cam kết, trong đó có một số dự án lớn, quan trọng như: Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong… Trong đó, Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong được khởi công tháng 10-2009, dự kiến hoạt động vào cuối năm 2011 nhưng tiến độ thực hiện rất chậm. Nguyên nhân cơ bản đó là trong quá trình thi công phát sinh về mặt kỹ thuật, địa chất của khu vực dự án rất phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, sự thay đổi của thị trường vận tải container, tình hình đầu tư phát triển cảng và xu thế đội tàu vận chuyển… đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của dự án. Chủ dự án đã đề xuất điều chỉnh quy mô Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong giai đoạn khởi động theo hướng xây dựng 2 bến chiều dài 850m, tiếp nhận tàu 12.000TEU, quy mô 52ha, vốn đầu tư tăng 10%. Trong khi đó, Dự án Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong do Công ty Liên doanh TNHH Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong làm chủ đầu tư, được khởi công năm 2007, dự kiến đi vào vận hành tháng 6-2011, nhưng do ảnh hưởng của tình hình thời tiết, điều kiện địa chất phức tạp… đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các gói thầu xây dựng, nhất là gói thầu xây dựng cầu cảng. Đến tháng 8-2011, Dự án Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong chỉ mới đạt 82% kế hoạch. Chủ đầu tư, các đơn vị thi công đang phấn đấu hoàn thành dự án vào cuối năm nay, đưa dự án đi vào hoạt động vào đầu năm 2012…

Theo lãnh đạo Ban quản lý KKT Vân Phong, tình hình suy thoái kinh tế thế giới, khó khăn từ kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của nhà đầu tư; việc giải phóng mặt bằng trong KKT khá phức tạp, tiến độ triển khai bị ảnh hưởng do việc ban hành chính sách mới, tiến độ xây dựng các khu tái định cư chậm do thủ tục và vốn; thủ tục hành chính về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai tuy có nhiều sửa đổi nhưng vẫn còn phức tạp, kéo dài, cơ chế “một cửa liên thông” vẫn chưa hoàn thiện, chồng chéo; nhiều dự án lớn có tính động lực của KKT do chưa có trong quy hoạch của KKT nên phải trình Thủ tướng Chính phủ thỏa thuận chủ trương đầu tư, dẫn đến tốn khá nhiều thời gian cho việc hoàn thành thủ tục… là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc đẩy nhanh thực hiện tiến độ thực hiện các dự án tại KKT Vân Phong cũng như việc thu hút đầu tư vào KKT này. Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, nếu so với kỳ vọng thì tiến độ thực hiện các dự án tại KKT Vân Phong là rất chậm. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, các dự án chậm tiến độ là điều dễ hiểu.

Trước những khó khăn trong quá trình triển khai các dự án, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án thuộc ngành Dầu khí và Điện lực trong KKT Vân Phong. Ban quản lý KKT Vân Phong đã rà soát, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tham mưu UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn để nhà đầu tư sớm triển khai xây dựng dự án; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu tiên xây dựng các khu tái định cư, giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng về mặt thủ tục cho nhà đầu tư… để các dự án sớm đưa vào khởi công, xây dựng và hoạt động.

BÍCH LA