Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN) cùng các đối tác Nhật và Kuwait sẽ xây dựng nhà máy lọc dầu thứ hai tại Việt Nam, sau Dung Quất, với tổng vốn đầu tư lên tới 6 tỷ USD...
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN) cùng các đối tác Nhật và Kuwait sẽ xây dựng nhà máy lọc dầu thứ hai tại Việt Nam, sau Dung Quất, với tổng vốn đầu tư lên tới 6 tỷ USD.
PVN cùng Tập đoàn Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI), công ty Idemitsu Kosan (IKC) và công ty Hóa chất Mitsui (MCI) của Nhật vừa đạt được thỏa thuận thành lập liên doanh để thực hiện dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn tại khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa.
Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2013, nhà máy này sẽ có công suất 200.000 thùng dầu mỗi ngày, tương đương 10 triệu tấn mỗi năm. Phía Việt Nam sẽ góp 25,1% vốn trong dự án, KPI và IKC cùng góp 35,1%, và MCI 4,7%. Vốn đầu tư ban đầu cho dự án sẽ là 200 triệu USD.
Hiện phía Kuwait đã cam kết cung cấp toàn bộ nhu cầu dầu thô của nhà máy, vào khoảng 10 triệu tấn mỗi năm cho giai đoạn đầu và tăng lên 20 triệu tấn khi mở rộng dự án.
Theo PVN, việc tham gia liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm trong chiến lược phát triển khâu sau dầu khí của tập đoàn quốc gia này cũng như của Việt Nam, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp hóa dầu cũng như công nghiệp phụ trợ.
PVN đang có các dự án mua lại mỏ dầu đã thăm dò tại Azerbaijan, Angeria và nhiều khu vực khác nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị trước khi đưa vào khai thác. Thông thường thời gian từ lúc thăm dò tới khi khai thác có thể kéo dài gần 10 năm. Theo PVN, nếu giai đoạn đàm phán thuận lợi, tập đoàn sẽ lập liên doanh tại nước ngoài nhằm chủ động về nguồn cung dầu mỏ cho thị trường trong nước.
Dự kiến trong năm 2008, PVN sẽ cung ứng khoảng 290.000 tấn xăng cho thị trường trong nước và đưa Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào hoạt động từ quý I/2009.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng là dự án thành công đầu tiên của KPC/KPI tại khu vực châu Á và nằm trong chiến lược của tập đoàn này trong việc đầu tư các dự án liên thông gồm lọc, hóa dầu và phân phối, trong đó Kuwait sẽ là nguồn cung dầu thô.
Theo VnE