09:04, 01/04/2008

Về Nha Trang lặn biển

Tôi ấn nút xả hơi phao, người từ từ chìm xuống đáy biển. Và trước mắt, một thế giới hoàn toàn mới mẻ mở ra…

Vẻ đẹp lung linh, huyền ảo dưới đáy biển có sức thu hút lớn đối với nhiều người.

Tôi ấn nút xả hơi phao, người từ từ chìm xuống đáy biển. Và trước mắt, một thế giới hoàn toàn mới mẻ mở ra…

Địa điểm lặn của chúng tôi sáng nay là khu vực đảo Hòn Mun, nằm trong vịnh Nha Trang, nơi có hệ sinh thái biển khá tốt. Bởi đây là khu bảo tồn biển đầu tiên được xây dựng thí điểm tại Việt Nam. Đảo Hòn Mun có địa thế hết sức thuận lợi, có thể lặn khám phá đáy biển suốt cả bốn mùa. Hôm nay gió bấc, chúng tôi lặn ở phía Nam đảo.

“Mới học như anh, khi lặn phải luôn luôn có một hướng dẫn viên đi sát. Nhưng trước mắt, anh phải học đã!” - hướng dẫn viên Lê Ngọc Lễ chỉ cho tôi cặn kẽ từng chi tiết của thiết bị, cách sử dụng, kể cả những “chiêu” quan trọng nhất khi gặp bất trắc. Rồi sau đó, anh bắt tôi học… thở. Anh lại chỉ tôi cách xử lý khi ở dưới sâu bị ù tai, khi nước tràn vào kính lặn, khi ống hơi trục trặc, cách di chuyển dưới nước và cả những ký hiệu để trao đổi với nhau dưới nước.

Tất cả đã sẵn sàng. Nhìn mặt nước biển xanh ngăn ngắt, tôi hít vào một hơi thật sâu rồi bước một bước dài ra khỏi boong tàu. Nước biển thật ấm. Nổi trên mặt nước, ôn lại lần cuối những gì anh Lễ hướng dẫn, tôi ấn nút xả hơi phao, từ từ chìm xuống đáy biển. Kim đồng hồ báo độ sâu cứ nhích dần, nhích dần, 2m, rồi 3m… Một thế giới hoàn hoàn mới mẻ đang mở ra trước mắt.

Lòng biển im phăng phắc. Anh Lễ ra hiệu hỏi tôi có ổn không. Ổn, tôi ra hiệu trả lời. Vậy là chúng tôi bắt đầu bơi lượn trên những vùng san hô chập chùng. Tôi thật sự choáng ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy trong lòng biển. Những rừng san hô đủ mọi hình thù, đủ mọi màu sắc. Những đàn cá vô tư lượn sát người, nhiều khi có thể chạm vào chúng. Một chút ánh sáng mặt trời mong manh soi rọi khiến cảnh vật càng thêm lung linh, huyền ảo. Cuộc sống trong lòng biển diễn ra thật sinh động. Thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp những hang động đen ngòm, anh Lễ ra hiệu cho tôi chuyển hướng. Tôi lắng nghe âm thanh trong lòng biển. Chỉ có tiếng u u kéo dài, nghe xa lắm. Phía ngoài kia, nước biển xanh thẫm, đầy bí ẩn. Ở đó có độ sâu đến trên 60m. Để lặn được xuống tới đó, tôi phải học thêm nhiều và phải trải qua nhiều lần lặn để có thêm kinh nghiệm.

Cùng đi lặn với tôi sáng nay có gia đình anh Mesl Johannes, từ Đức sang Việt Nam du lịch. Vợ chồng anh đều có chứng chỉ lặn do các hiệp hội lặn quốc tế cấp. Mesl Johannes cho biết, anh đã lặn được 10 năm, và từng lặn ở nhiều miền biển đẹp trên thế giới như Cuba, Ai Cập, Ôman… Từ Đức sang Việt Nam du lịch, đến Nha Trang ở lại 5 ngày thì gia đình anh đã dành 4 ngày đi lặn biển. Anh bảo: “Ở khu Hòn Mun, san hô rất đẹp và còn khá nguyên vẹn. Đây là một vốn quý, Việt Nam cần phải giữ gìn tốt hơn nữa”.

Anh Nguyễn Minh Quang, trưởng tour lặn biển của Viettravel cho biết, khí hậu ở Nha Trang cho phép lặn cả mùa hè lẫn mùa đông. Đến nay, lượng khách nước ngoài lặn nhiều hơn khách trong nước, bởi đối với người Việt, lặn biển vẫn là một hình thức du lịch còn khá mới mẻ. Hiện nay, giá của một tour lặn hoàn chỉnh cho người nước ngoài là 48 USD. Sắp tới, Trung tâm sẽ phối hợp với các hiệp hội lặn cấp chứng chỉ lặn cho các học viên tham gia để khi đi du lịch nước ngoài họ có thể tham gia lặn.

Bị cuốn hút bởi vẻ đẹp mê hồn của lòng biển, tôi tiếp tục tìm đến khu vực phía Đông đảo Hòn Lao, trong đầm Nha Phu. Ở đây, lòng biển cũng đẹp tuyệt vời. Anh Đặng Thái Luyện, Giám đốc Công ty Du lịch Long Phú cho biết, từ năm 2006 đến nay, Công ty đã hết sức chú ý bảo vệ rạn san hô để tạo một môi trường sinh thái, cảnh quan tốt trong lòng biển. Mỗi năm, có hàng chục nghìn lượt khách đến lặn ở khu vực đảo Hòn Lao. Xác định dịch vụ lặn biển là một trong những thế mạnh của mình, điểm lặn tại nơi có đầy đủ các dịch vụ sinh hoạt, vui chơi giải trí nên Công ty đang tập trung đầu tư mạnh cả về thiết bị lặn lẫn về đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên.

Chị Nguyễn Thị Minh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Xuân Anh là một trong số rất ít người Việt Nam có chứng chỉ lặn Master Instructor do các tổ chức PADI, SSI cấp. Với các chứng chỉ này, chị có thể tham gia sinh hoạt hoặc giảng dạy tại nhiều câu lạc bộ lặn trên khắp thế giới. Chị Minh Xuân cho tôi xem cả tập chứng chỉ của chị. Quả thật, học lặn cũng lắm công phu. Chị cho biết, lúc đầu tổ chức dịch vụ lặn rất khó khăn, phải xây dựng website và mở rộng thông tin để thu hút khách đến từ nước ngoài. Đến nay, từ nước ngoài, khách có thể đăng ký lặn với Công ty qua mạng, và Công ty có thể tổ chức cho khách lặn không chỉ ở Nha Trang mà còn cả ở Phú Quốc, Hội An. Hiện nay, nhiều người còn ngỏ ý muốn được lặn đêm để khám phá lòng biển khi không có ánh sáng mặt trời.

Theo anh Huỳnh Quang Châu, Phó Giám đốc Sở Du lịch - Thương mại Khánh Hòa, Nha Trang có nhiều điểm rất thuận tiện để tổ chức dịch vụ lặn biển như: khu vực Hòn Mun (vịnh Nha Trang), Hòn Lao (đầm Nha Phu), Hòn Lớn, Hòn Trâu Nằm (vịnh Vân Phong)… Thời gian gần đây, lượng khách tham gia lặn tăng rất nhanh. Tuy nhiên, hiện nay, điều khó nhất là công tác quản lý các hoạt động lặn. Có nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng chưa giải quyết được như: ai chịu trách nhiệm kiểm tra độ an toàn của trang thiết bị lặn, trình độ lặn, sức khỏe của người hướng dẫn, người lặn… Trước nay, tỉnh mới chỉ có quy chế tạm thời quản lý các hoạt động vui chơi trên biển, nội dung chưa thật sự chặt chẽ. Sắp tới, quy chế tạm thời này sẽ được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm từng bước đưa hoạt động lặn biển đi vào nền nếp.

PHONG NGUYÊN