Ra đời chưa lâu, nghề trồng hoa lan, cây kiểng đã giúp nhiều hộ dân ở phường Cam Thuận (Cam Ranh) cải thiện đời sống trong điều kiện dịch bệnh tôm chưa có chiều hướng giảm...
Từ khi chuyển đổi sang nghề trồng cây cảnh, đời sống gia đình ông Sĩ ổn định hơn. |
Ra đời chưa lâu, nghề trồng hoa lan, cây kiểng đã giúp nhiều hộ dân ở phường Cam Thuận (Cam Ranh - Khánh Hòa) cải thiện đời sống trong điều kiện dịch bệnh tôm chưa có chiều hướng giảm.
Anh Nguyễn Phương (thôn Thuận Hòa, phường Cam Thuận) cho biết: “Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều người dân trong phường bắt đầu nghề trồng cây, hoa kiểng. Lúc đầu mọi người chỉ trồng cho vui, giải trí là chủ yếu, sau thấy nhiều người hỏi mua nên một số người chuyển sang kinh doanh, vừa có thu nhập, vừa giải trí. So với nghề nuôi thủy hải sản, nghề này cho thu nhập không cao nhưng ổn định, ít rủi ro. Gia đình tôi chuyên về lan. Vườn lan của tôi có trên 100 chậu, chủ yếu là giống denpro, cattleya và vũ nữ. Thu nhập từ nghề này cũng giúp gia đình tôi đủ trang trải chi phí hàng ngày”.
Nằm ở phía Đông thị xã Cam Ranh, nghề chính của người dân Cam Thuận là nuôi trồng thủy hải sản với thế mạnh là tôm hùm. Nhưng những năm gần đây do bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hộ nuôi tôm hùm trắng tay. Trong lúc chờ dịch bệnh tôm đi qua, một số hộ chuyển sang kinh doanh lan và cây cảnh. So với các nghề khác, nghề này ít nhọc công, không chiếm nhiều diện tích đất trồng, không gây ô nhiễm môi trường, vốn đầu tư không cao lại cho thu nhập ổn định, ít rủi ro. Nếu tay nghề cứng thì khoảng 3 - 4 năm là có thể thu hồi vốn. Chính vì vậy, số lượng người trong phường tham gia nghề này tăng dần theo từng năm, từ 3 - 4 hộ năm 2003, đến nay đã tăng lên trên 20 hộ. Rời nhà anh Phương, chúng tôi đến nhà ông Võ Tấn Sĩ - một trong những người trồng cây kiểng chuyên nghiệp của phường. Trong mảnh vườn rộng khoảng 300m2 của gia đình ông có đủ các loại cây kiểng, bonsai từ mai trúc thủy, mai dảo, mai cúc đến cây sứ, cây da, cây si, bồ đề…
Anh Lê Xuân Cường - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Thuận cho biết: “Để giúp người dân phát triển mạnh nghề này, trong quý II chúng tôi sẽ mời các chuyên gia về cây cảnh của tỉnh tập huấn cho anh em. Mong muốn của Hội là giúp anh em có tay nghề vững hơn để tiến tới xây dựng thương hiệu cây cảnh phường Cam Thuận”.
BÁ NGHĨA