Ở giai đoạn đầu (2008-2010), công ty sẽ phát triển 11 trạm dừng chân dọc theo quốc lộ 1, đi từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Bình Thuận...
Dự kiến, sẽ có 38 trạm dừng chân quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam, trải dài trên các trục Quốc lộ 1, 6, 8 và 91 với tổng vốn đầu tư 20.740 tỷ đồng. |
Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghiệp Ôtô Việt Nam – AAA Logistics (AAA&Vinamotor) vừa chính thức khai trương và tuyên bố triển khai hệ thống trạm dừng chân toàn quốc với tổng vốn đầu tư là 20.740 tỷ đồng. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của đông đảo báo giới cũng như dư luận bởi ý nghĩa của nó đối với xã hội.
Theo khảo sát từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, trạm dừng chân trước hết nhằm đảm bảo cho các phương tiện vận tải luôn trong tình trạng an toàn, sẵn sàng đảm trách nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách trong mọi tình huống.
Cụ thể, trạm dừng chân là nơi để lái và phụ xe nghỉ ngơi, kiểm tra tình trạng kỹ thuật đối với phương tiện lưu thông đường dài, cung cấp nhiên liệu… đảm bảo cho chuyến hành trình. Trạm dừng chân còn là nơi hành khách có thể nghỉ ngơi, thư giãn, nạp thêm năng lượng, tìm hiểu đặc thù hạ tầng kiến trúc và sắc thái văn hóa ẩm thực của địa phương vùng miền đó.
Tại Việt Nam, ngay từ năm 2003, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã nghiên cứu quy hoạch phát triển các mô hình trạm dịch vụ phát triển hạ tầng giao thông đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội, khi vận tải hành khách tăng khoảng 26% và lượt hành khách tăng 10% mỗi năm. Đến tháng 5-2007, quy hoạch này được giao cho Tổng Công ty Dịch vụ Công nghiệp Ôtô Việt Nam (Vinamotor) tiếp quản với trọng trách thay đổi những bất cập do chất lượng cơ sở hạ tầng trên các trục giao thông, đặc biệt là trên các tuyến đường cao tốc liên tỉnh do chưa được quan tâm đúng mức, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực vận tải đường bộ, vận tải hành khách đang tăng cao.
Các sản phẩm dịch vụ chính của trạm dừng chân - Bãi đáp trực thăng cứu hộ |
Do tính chất quan trọng của quy hoạch này đối với nền kinh tế quốc dân và ngành giao thông vận tải, Vinamotor đã kết hợp cùng Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA - một doanh nghiệp uy tín trong ngành tài chính, bảo hiểm Việt Nam, thành lập Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghiệp Ôtô Việt Nam – AAA Logistics (AAA&Vinamotor), với mục tiêu đầu tư, liên kết và khai thác các dịch vụ chất lượng cao trên hệ thống đường bộ, tạo ra bước đột phá về công nghệ kinh doanh đường bộ theo phong cách văn minh…
Đồng thời, AAA&Vinamotor cũng có trách nhiệm thực hiện ngay đề án giải quyết những bất hợp lý, đề ra biện pháp cụ thể về kỹ thuật, giải pháp cấp bách tác động tới ngành giao thông vận tải Việt Nam trong chiến lược đến năm 2020.
Công ty sẽ đầu tư xây dựng 38 trạm dừng chân trải dài trên các trục đường quốc lộ 1, 6, 8 và 91 với tổng vốn đầu tư là 20.740 tỉ đồng với quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam và được điều hành tổng thể bởi AAA&Vinamotor, các dịch vụ trong trạm dừng chân được vận hành trực tiếp bởi nhiều nhà đầu tư khác.
Ở giai đoạn đầu (2008-2010), công ty sẽ phát triển 11 trạm dừng chân dọc theo quốc lộ 1, đi từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Bình Thuận, Đồng Nai đến TP. Hồ Chí Minh, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 10.300 tỉ đồng. Giai đoạn hai (2010-2015) sẽ phát triển 27 trạm còn lại. Mỗi trạm dừng chân sẽ được quy hoạch rộng 30 ha, vốn đầu tư 700 tỷ đồng/ trạm.
Về tổng thể, đây không còn là một trạm dừng chân đơn thuần, mà sẽ là một cụm công nghiệp – dịch vụ, góp phần tạo hành lang an toàn cho vận tải đường bộ, tăng trưởng du lịch lữ hành, gián tiếp thay đổi bộ mặt đô thị tại các tỉnh thành, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương… Ngoài ra, một khi có tai nạn không mong muốn xảy đến, hệ thống bệnh viện di động Med-1 sẽ có mặt và bung mở để kịp thời cứu chữa.
Ngoài quy mô dự án, ý tưởng này của AAA&Vinamotor còn thể hiện tầm nhìn chiến lược. Bởi theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, nhu cầu vận tải về hàng hóa và hành khách gần đây đang tăng trưởng với tốc độ cao. Số lượng vận tải hành khách tăng cũng kéo theo nhu cầu nghỉ ngơi dọc đường gia tăng. Do đó, các trạm dừng chân khi ra đời sẽ đáp ứng nhu cầu hành khách, nhu cầu vận tải và trung chuyển hàng hóa trên các tuyến quốc lộ huyết mạch. Xa hơn, mô hình này giúp doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo khả năng gom hàng, lưu thông luồng hàng cho vận tải hàng hóa, phục vụ dân sinh và đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế thế giới, tác động lớn đến chiến lược mà ngành giao thông vận tải Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020, vận tải hàng hóa đạt 315 triệu tấn, vận tải hành khách đạt 4.490 triệu hành khách.
Để triển khai dự án này, ngoài nguồn vốn đến từ nội lực của AAA& Vinamotor, Chính phủ đã đồng ý cho phép AAA&Vinamotor được quyền tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, phát hành cổ phiếu cho đầu tư kỹ thuật và vận tải, thu hút vốn của các đối tác trong dự án. Đặc biệt, tất cả 38 trạm dừng chân với diện tích 30ha mỗi trạm đều được giao đất và miễn tiền sử dụng đất. Phần thuế suất đối với các doanh nghiệp tham gia dự án cũng được ưu đãi miễn 100% thuế trong 4 năm đầu tiên, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo.
Theo VN Express