Sau một thời gian học tập kinh nghiệm và triển khai xây dựng, Doanh nghiệp Tư nhân Phú Thạnh (xã Ninh Xuân, huyện Ninh Hòa) đã đưa vào hoạt động mô hình sản xuất gạch bằng lò nung...
Khói thải nghi ngút mỗi khi nung gạch ở lò thủ công. |
Sau một thời gian học tập kinh nghiệm và triển khai xây dựng, Doanh nghiệp Tư nhân (DNTN) Phú Thạnh (xã Ninh Xuân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã đưa vào hoạt động mô hình sản xuất gạch bằng lò nung liên tục kiểu đứng (SXGBLNLTKĐ). Hiệu quả trong từng mẻ gạch ra lò là cơ sở để thúc đẩy các hộ gia đình sản xuất gạch nung truyền thống chuyển đổi công nghệ. Tuy nhiên, chuyện vốn vẫn đang là vấn đề băn khoăn của các DN nếu quyết định đầu tư mô hình này.
° LỢI THẾ CỦA LÒ NUNG LIÊN TỤC
Từ đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học công nghệ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), công nghệ SXGBLNLTKĐ đã được triển khai tại các tỉnh: Đắc Lắc, Bình Định, Hưng Yên, Hải Dương, Đồng Nai, Nam Định… Công nghệ này đã dần dần được cải tiến và hoàn thiện một số khâu cho phù hợp với thực tiễn sản xuất ở từng địa phương.
Sau khi khảo sát thực tế tình trạng sản xuất gạch trên địa bàn và tham quan một số tỉnh đã áp dụng SXGBLNLTKĐ, DNTN Phú Thạnh đã đầu tư xây dựng nhà xưởng để sản xuất gạch theo mô hình này. DN kỳ vọng tạo ra một mô hình kiểu mẫu, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất… So với lò gạch thủ công, SXGBLNLTKĐ giảm đáng kể nhiệt lượng tiêu hao, chi phí lao động, điều kiện lao động được cải thiện, sản phẩm có tính đa dạng, mẫu mã và chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các nhà máy sản xuất gạch hiện đại như gạch tuy-nen. Đặc biệt, bằng công nghệ khép kín, SXGBLNLTKĐ không mang khói bụi gây ô nhiễm môi trường như kiểu lò thủ công. Ông Lê Trá - chủ DNTN Phú Thạnh cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư xây dựng 2 lò nung với 4 buồng đốt. Trung bình cứ 90 phút, mỗi buồng đốt cho ra lò một mẻ gạch khoảng 800 viên (4 buồng đốt sẽ cho khoảng 25 ngàn viên gạch/ngày). Nếu hoạt động hết công suất sẽ sản xuất được 12 triệu viên gạch/năm…”.
Gần 2 tháng đi vào sản xuất, gạch thành phẩm được DNTN Phú Thạnh chào bán với giá 550 đồng/viên (trong khi đó gạch tuy-nen bán với giá 610 đồng/viên). Ông Lê Trá cho biết thêm: Do SXGBLNLTKĐ nên gạch thành phẩm có chất lượng tương đương với gạch tuy-nen. Trong tương lai, DN sẽ chào hàng với giá chỉ thấp hơn gạch tuy-nen khoảng 20 đồng/viên… Đối với mô hình SXGBLNLTKĐ, ông Lại Văn Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp nhận định: “Kết quả thực tế cho thấy lò gạch loại này có chất lượng tương đương gạch tuy-nen. Đặc biệt suất đầu tư thấp hơn lò gạch tuy-nen, công nghệ vận hành đơn giản, kết cấu lò không phức tạp…”.
Chất lượng gạch ra lò tương đương với gạch tuy-nen. |
° CƠ HỘI ĐỂ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ
Mô hình SXGBLNLTKĐ đã áp dụng được công nghệ hiện đại. Kết cấu lò và nguyên lý cháy hợp lý, tận dụng được phần lớn nhiệt lượng sinh ra, làm cho nhiệt độ khói thoát ra ngoài thấp. DN đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để xây dựng cơ ngơi sản xuất (tất cả hệ thống nhà xưởng, lò, máy móc…). Riêng chi phí xây lò gạch khoảng 950 triệu đồng. So với lò gạch tuy-nen có cùng công suất, giá trị đầu tư SXGBLNLTKĐ không đến 1/2 giá trị đầu tư lò gạch tuy-nen.
Công nghệ SXGBLNLTKĐ phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất của các cơ sở sản xuất gạch tại Ninh Hòa. Đây cũng chính là đòn bẩy để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Tuy nhiên vấn đề vốn là nỗi lo của các ngành chức năng khi vận động người dân chuyển đổi công nghệ. Ông Trần Lân - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ninh Hòa cho biết: “Việc đầu tư nhà xưởng, máy móc để chuyển đổi công nghệ đối với từng hộ gia đình đang sản xuất gạch truyền thống sẽ rất khó khăn. Nếu các hộ gia đình có những thỏa thuận, liên kết với nhau, tiến độ chuyển đổi công nghệ sẽ thuận lợi hơn. Trước mắt, tỉnh nên tạo điều kiện để các hộ gia đình được vay vốn ưu đãi đầu tư chuyển đổi công nghệ…”
Mục tiêu đưa các cơ sở sản xuất gạch có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu dân cư là chủ trương chung của tỉnh. Vì vậy để công nghệ hiện đại như mô hình SXGBLNLTKĐ không bị lãng quên, các cơ quan chức năng cần xây dựng phương án hợp lý để những lò gạch thủ công nhanh chóng chuyển đổi, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
HOÀNG TRIỀU