04:02, 18/02/2008

Lãi suất và những dự báo trong năm 2008

Sau Tết, cứ ngỡ cuộc đua tăng lãi suất huy động tiền gửi VND của các ngân hàng (NH) sẽ tạm lắng, thế nhưng một đợt “sóng” mới lại trỗi dậy kéo theo nhiều dự báo...

Các ngân hàng tăng lãi suất để kích thích người dân đến gửi tiền nhiều hơn.

Sau Tết, cứ ngỡ cuộc đua tăng lãi suất huy động tiền gửi VND của các ngân hàng (NH) sẽ tạm lắng, thế nhưng một đợt “sóng” mới lại trỗi dậy kéo theo nhiều dự báo.

Ngày 12-2, NH TMCP Kỹ thương (Techcombank) thông báo tăng lãi suất tiết kiệm VND của các hình thức tiết kiệm thường, tiết kiệm phát lộc và tiết kiệm đa năng. Lãi suất các hình thức tiết kiệm trên của Techcombank được tăng ở tất cả các kỳ hạn. Trong đó, lãi suất tiết kiệm thường tăng từ 0,2% đến 0,35%/năm, tăng mạnh nhất ở kỳ hạn 12 tháng, lên 9,6%/năm; lãi suất tiết kiệm phát lộc tăng mạnh ở các kỳ hạn 13 và 14 tháng, lên 9,6%/năm; lãi suất tiết kiệm đa năng (rút gốc linh hoạt) tăng từ 0,1% đến 0,35%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng mạnh lên 9,6%/năm. Trước Techcombank, lãi suất tiết kiệm thường và lãi suất tiết kiệm lũy tiến bằng VND tại NH Quốc tế (VIB Bank) cũng đã tăng từ 0,12 - 0,24%. Cụ thể, kỳ hạn 2 tháng có lãi suất 8,04%/năm; kỳ hạn 3 tháng lãi suất là 8,76%/năm; kỳ hạn 6 tháng 9,00%/năm; kỳ hạn 9 tháng 9,24%/năm và các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên lãi suất 9,36%/năm. NH Ngoài quốc doanh (VPBank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi VND. So với biểu lãi suất cũ, mức tăng điều chỉnh ít nhất là 0,01%/tháng, nhiều nhất là 0,05%/tháng. Một số NH không trực tiếp tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm nhưng lại gián tiếp thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư thông qua các hình thức tiết kiệm dự thưởng đầy hấp dẫn. Ví dụ như NH Xuất Nhập khẩu (Eximbank) triển khai sản phẩm tiết kiệm vàng hưởng lãi suất bậc thang theo số dư; gửi càng nhiều hưởng lãi suất càng cao với mức thưởng lãi suất cộng thêm là 0,55%/năm. NH Đầu tư và Phát triển đang triển khai chương trình dự thưởng “Lộc xuân may mắn đến mọi nhà” với giải đặc biệt là xe Mercedes trị giá 1 tỷ đồng, 9 giải nhất mỗi giải trị giá 90 triệu đồng… 

Lý giải cho việc tăng lãi suất này, giám đốc một NH cổ phần trên địa bàn cho biết, tuy nhu cầu tiền đồng không “căng thẳng” như dịp cuối năm nhưng hiện nay một số NH đang trong tình trạng “khát” tiền mặt. Giải pháp tăng lãi suất huy động là một trong những biện pháp để đối phó với tình trạng trên. Ngoài ra, các quy định về tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, điều chỉnh tỷ lệ cho vay chứng khoán… cũng là những lý do tác động đến các NH, dự báo một lộ trình chông gai hơn trong năm 2008. Vị giám đốc này cũng chỉ ra 4 khó khăn trong năm 2008 của ngành NH. Thứ nhất, với quyết định của NH Nhà nước là từ tháng 2-2008, lãi suất cơ bản tăng từ 8,25%/năm lên 8,75%, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 6,5% lên 7,5% và lãi suất chiết khấu tăng từ 4,5% lên 6% cho thấy, NH Nhà nước sẽ hạn chế “rót” tiền vào nền kinh tế thông qua các “cửa sổ” tái cấp vốn và chiết khấu, một cách gián tiếp hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các NH. Thứ hai, cũng từ tháng 2-2008, tất cả các NH sẽ phải áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc mới, với 11% áp dụng cho tiền gửi, bất kể nội tệ hay ngoại tệ, có kỳ hạn dưới 12 tháng và 5% đối với tiền gửi dưới 24 tháng. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc trước đây tương ứng là 10% và 4%. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao hơn cũng có nghĩa chi phí huy động vốn của các NH cao hơn. Để giữ chân cũng như thu hút khách hàng, các NH phải tiếp tục tăng lãi suất huy động dù phía sau đó là bài toán chi phí, lợi nhuận và quan hệ với khách hàng vay vốn, lạm phát… Sắp tới, sẽ có một số NH phải tiếp tục cắt giảm các khoản cho vay chứng khoán vì theo quy định mới, tỷ lệ cho vay chứng khoán chỉ được phép tương đương 20% vốn điều lệ thay vì 3% trên tổng dư nợ như Chỉ thị 03 trước đây. Điều này sẽ gây áp lực lớn về vốn điều lệ đối với một số NH. Vì nhu cầu vay vốn NH để đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư là rất lớn. Các NH muốn tăng tỉ lệ cho vay chứng khoán phải tăng vốn điều lệ, tức là phát hành thêm cổ phiếu. Tuy nhiên, với tình hình thị trường chứng khoán không mấy sáng sủa như hiện nay thì việc phát hành thêm cổ phiếu là không dễ dàng. Cuối cùng, trong quý I/2008, chắc chắn sẽ có thêm 4 NH cổ phần mở chi nhánh trên địa bàn Khánh Hòa, điều này đồng nghĩa với việc thị phần sẽ phải bị san sẻ ít nhiều. Vì vậy, để giữ được tốc độ tăng trưởng như năm 2007, năm 2008 các NH sẽ “mệt” hơn.

 THU HIỀN