11:01, 18/01/2008

Xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới

Mọi dự báo về kết quả xuất khẩu dệt may năm 2007 của các chuyên gia hồi đầu năm gần như sai lệch khi kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt khoảng 7,8 tỷ USD...

Ảnh minh họa.

Các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 25 tỷ USD

Mọi dự báo về kết quả xuất khẩu dệt may năm 2007 của các chuyên gia hồi đầu năm gần như sai lệch khi kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt khoảng 7,8 tỷ USD, tăng 31% so năm 2006, là 1 trong 10 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Đây là kết quả không thể tốt hơn trong năm đầu tiên Việt Nam thực hiện theo các cam kết của WTO. Đến lúc này, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 25 tỷ USD, là 1 trong 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Công Thương - Bùi Xuân Khu xung quanh vấn đề phát triển ngành dệt may Việt Nam trong giai đoạn hậu WTO.

Thứ trưởng có bình luận gì về kết quả xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2007?

Thứ Trưởng Bùi Xuân Khu: Kết thúc năm 2007, dệt may xuất khẩu Việt Nam ước đạt khoảng 7,8 tỷ USD, tăng 31% so năm 2006. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm vị trí chủ đạo đạt 4,4 - 4,5 tỷ USD, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, tăng 32%, tiếp đó là thị trường EU  đạt khoảng 1,45 – 1,5 tỷ USD, chiếm 18%, tăng khoảng 20%, thị trường Nhật Bản đạt khoảng 700 triệu USD, chiếm 9%, tăng khoảng 12%...Việt Nam đã trở thành 1 trong 10 nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. Đây là kết quả không thể tốt hơn trong năm đầu tiên Việt Nam thực hiện các cam kết của WTO.

Tuy nhiên nhiều người cho rằng ngành dệt may Việt Nam sẽ khó đạt được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong giai đoạn hậu WTO, Thứ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

Thứ trưởng Bùi Xuân Khu: Chính thức ngày 11-1-2007 Việt Nam đã thực hiện các cam kết WTO. Có thể thấy, đây là cơ hội lớn đối với xuất khẩu dệt may Việt Nam bởi các hàng rào hạn ngạch được gỡ bỏ, tuy nhiên cũng đầy thách thức vì xuất phát điểm của Việt Nam còn nhỏ bé, những mặt yếu của Việt Nam còn rất nhiều. Nhưng Việt Nam đã có kết quả xuất khẩu dệt may rất tốt trong năm 2007 như đã nêu trên. Điều này cho thấy, Việt Nam đã vượt qua những thách thức trước sự cạnh tranh gay gắt của các cường quốc xuất khẩu hàng dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia… đứng vững và tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.

Theo Thứ trưởng, khó khăn nhất của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là gi?

Thứ trưởng Bùi Xuân Khu: Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể, trong đó có sự cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân, sự trợ giúp của Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương, ngành dệt may đã phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu từ khâu trồng bông cho đến khâu dệt vải… Nhưng nếu so các nước trong khu vực và trên thế giới Việt Nam còn yếu ở 5 điểm chính sau đây:

Thứ nhất, hầu hết nguyên vật liệu (vải, phụ liệu…) vẫn phải nhập khẩu là chính. Điều này cho thấy tỷ lệ nội địa hoá trong ngành dệt may còn rất thấp, phần gia công còn cao (khoảng 65%).

Thứ hai, khâu thiết kế, tạo mốt, tạo dáng sản phẩm của Việt Nam còn rất yếu, chưa chủ động nắm bắt nhu cầu của thị trường, người tiêu dùng.

Thứ ba là vấn đề về thương hiệu. Việt Nam xuất khẩu năm 2007 là 7,8 tỷ USD, nhưng thương hiệu chính của Việt Nam là chưa đáng kể, những doanh nghiệp mạnh như Thành Công, Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, Thái Tuấn… mặc dù đích thân sản xuất nhưng thương hiệu lại là nước ngoài. Việt Nam chưa có đủ điều kiện cạnh tranh vì thương hiệu chiếm vị trí rất quan trọng. Cũng sản phẩm như vậy, thời gian sản xuất như vậy nhưng với thương hiệu nổi tiếng, uy tín, giá cả có thể gấp 3 lần so cùng sản phẩm kém về thương hiệu nhưng vẫn có khả năng cạnh tranh cao. Điểm này Việt Nam còn yếu.

Thứ 4, Việt Nam có đội ngũ lao động dồi dào, có kỷ luật, có tay nghề nhưng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật còn thiếu, những giám đốc giỏi, doanh nhân giỏi trong ngành dệt may rất thiếu. Đây là điểm khó khăn cũng như bất lợi của dệt may Việt Nam, bởi chính con người sẽ tạo nên giá trị và mong muốn trong việc phát triển ngành dệt may.

Thứ năm là khả năng cạnh tranh. Tình thời trang, nhanh nhạy của thị trường dệt may, giá cả…Chính vì Việt Nam không có nguyên liệu tại chỗ, không có thương hiệu…nên khả năng cạnh tranh của dệt may Việt Nam bất lợi so các cường quốc xuất khẩu hàng dệt may khác. Với Trung Quốc, Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh bằng những sản phẩm cao cấp hoặc từ trung bình trở lên.

 Sản phẩm dệt may của Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới, tuy nhiên vị thế này lại chưa được vững chắc ngay tại thị trường nội địa. Theo Thứ trưởng, cốt lõi của vấn đề này là gì?

Thứ trưởng Bùi Xuân Khu: Ngành dệt may của Việt Nam có sự phân công lao động, tức là những doanh nghiệp lớn, làm ăn tốt hầu hết đều tham gia các thị trường xuất khẩu, còn lại các tổ hợp, các tiệm may thì phục vụ thị trường nội địa. Những năm trước khi Việt Nam chưa gia nhập WTO thì hàng rào thuế nhập khẩu hàng dệt may vào Việt Nam đã cản trở việc thâm nhập của hàng nước ngoài, nhưng nay Việt Nam đã thực hiện các cam kết WTO, theo đó mức thuế này đã giảm xuống đáng kể, do vậy sự cạnh tranh của hàng dệt may nước ngoài ngay tại thị trường Việt Nam càng trở nên quyết liệt hơn, đặc biệt là đối với những thương hiệu lớn, những mẫu mã hợp thời trang.

Xin Thứ trưởng cho biết chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam trong giai đoạn hậu WTO?

Thứ trưởng Bùi Xuân Khu: Ngành dệt may Việt Nam đã có chiến phát triển đến năm 2010 xuất khẩu đạt 9 – 10 tỷ USD, hiện Bộ Công Thương đang chỉ đạo việc xây dựng chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2015 và 2020. Theo dự kiến, nếu kết thúc năm 2008, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 9,5 tỷ USD thì Việt Nam sẽ hoàn hành kế hoạch năm 2010 trước 2 năm, với đà như vậy đến 2010 xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ đạt khoảng 12 – 13 tỷ USD, tiếp đó đến năm 2015 sẽ đạt khoảng 15 – 17 tỷ USD, đến 2020 sẽ là 25 tỷ USD.

Mục tiêu này Việt Nam phải cố gắng thực hiện được, các mặt yếu về nguyên phụ liệu cần được khắc phục. Hiện Bộ Công Thương đang chỉ đạo Tập đoàn Dệt may xây dựng đề án sản xuất 1 tỷ mét vải phục vụ xuất khẩu đến năm 2015, xây dựng đề án phát triển vùng bông chuyên canh để nâng cao sự tự túc bông, tránh biến động về nguyên liệu trên thị trường thế giới. Xây dựng nhà máy sơ tổng hợp…

Mặt khác, cần phải phát triển việc tạo mốt. Tăng cường việc tổ chức các tuần lễ thời trang, cuộc thị người thiết kế hàng năm của Hiệp hội dệt may, Viện Mốt nhằm tìm ra các nhà thiết kế mới, trẻ, triển vọng…phục vụ cho sản xuất. Cần đăng ký và xây dựng thương hiệu ở các cấp độ quốc gia, doanh nghiệp, tạo nên những thương hiệu sản phẩm nổi tiếng… phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Trú trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực nhất là trong việc thiết kế. Xây dựng lực lượng sản xuất phát triển, các nhà máy mới sẽ phải làm gì để có vải? những vải cho năm 2010, 2015 là những vải gì?...phải có những bước đi trước đón đầu phù hợp với nhu cầu mới của thị trường…để được như vậy Việt Nam phải tiếp thu những cái mới của nước ngoài. Có như vây, không những Việt Nam hoàn thành mục tiêu nêu trên mà còn trở thành 1 trong 5 nhà xuất khẩu lớn nhất của thế giới vào giai đoạn 2015 – 2020.

Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng! 

Theo NLĐ