04:01, 28/01/2008

Cho ngày Tết thêm rộn rã

Ngày Tết sẽ thêm rộn rã với những khúc nhạc Xuân và thoải mái hơn khi được vui vẻ hát karaoke cùng người thân tại nhà...

Nên nghe thử trước khi chọn mua loa.

Ngày Tết sẽ thêm rộn rã với những khúc nhạc Xuân và thoải mái hơn khi được vui vẻ hát karaoke cùng người thân tại nhà. Đó cũng là lý do khiến các cửa hàng bán thiết bị âm thanh đông khách.

Để có một dàn âm thanh ưng ý, dân sành nghe nhạc khuyên, trước tiên nên chọn 1 cặp loa “kha khá”, vì loa chính là lối ra cuối cùng của âm thanh. Loa nghe có “thấm” hay không tùy thuộc vào độ nhạy âm (sensibility), tính bằng dB. “Nếu cặp loa có độ nhạy âm cao, không cần công suất lớn, bật âm lượng nhỏ cũng thấy êm tai rồi” - ông chủ tiệm Sơn Audio trên đường Lý Thánh Tôn, Nha Trang “bật mí”.

Tùy vào mục đích, sở thích và độ rộng của căn phòng mà chọn cặp loa phù hợp. Nếu mê nghe nhạc cổ điển, jazz, saxophone, nhạc tiền chiến, loa chuyên dụng của những hãng sản xuất tên tuổi ở châu Âu, châu Mỹ như JBL, KEF, INFINITY, BOSE, TONNAY, BERINGER… (giá 350 USD - gần 1000 USD/cặp) là phù hợp. Những loại này thường công suất chỉ khoảng 100W hoặc thấp hơn, nhưng độ nhạy âm rất cao. Loa Yamaha, thương hiệu của Nhật, có giá khoảng 4,5 triệu đồng/cặp, cũng được nhiều người ưa dùng.

Để hát karaoke trong gia đình hoặc nghe nhạc trẻ (hip-hop, R&B, pop, rock), nhiều người chọn loa công suất trên 100W trở lên. Các loại thông dụng thường thấy tại các tiệm điện máy trong thành phố như TCE, Advance, Force, BMB, Tiến Đạt, Vitek… giá từ 700.000 đồng đến vài triệu đồng/cặp. Nhân viên một cửa hàng điện máy trên đường 2-4 (Nha Trang) cho biết, đại đa số dòng loa hát karaoke gia đình được lắp ráp tại Việt Nam, linh kiện của Hàn Quốc - đất nước khai sinh ra đầu karaoke vi tính. Thiết bị “giúp làm ca sĩ” này hiện có nhiều loại trên thị trường. Loa của các hãng Arirang, Vitek-VTB, California, Acnos, Tiến Đạt giá từ trên 1 triệu đồng/chiếc, thường là đầu 5 hoặc 6 số. Những mẫu mới ra có nhiều chức năng khá thú vị: ổ cứng dung lượng đến 80GB, có thể thu giọng trực tiếp khi hát, có nhiều ngôn ngữ, cài sẵn trong máy trên 30.000 bài hát, hình ảnh tương thích “thông minh” theo nội dung bài hát, giá khoảng 5 triệu đồng/chiếc, hiện đang là hàng bán chạy.

Một thiết bị khác không thể thiếu trong dàn âm thanh là cặp loa stereo (hay còn gọi là ampli hay speaker). Với số lượng thương hiệu quá đa dạng như hiện nay, có thể bạn sẽ khó lựa chọn. Thường gặp nhất như Yamachi, Omaton, Arirang, PowerAudio, BostonAudio, Jaguar, Ascent… giá cao nhất đến 4 triệu đồng, chủ yếu linh kiện Hàn Quốc, được dùng phổ biến trong gia đình. Những thương hiệu như Kenwood, Marant, Tonkyo giá nhỉnh hơn vài triệu đồng, cho cảm nhận chuẩn hơn về độ trầm bổng, tiếng trống, tiếng contre-bass… so với các loại ampli karaoke gia đình.

Micro dùng để hát, loại thường hiệu California, Arirang có giá từ 150.000 đồng/chiếc. Micro không dây Bose hay Shure (sản xuất tại Mêhicô) giá khoảng 1,1 - 1,9 triệu đồng.

Nếu không có nhiều thời gian lựa chọn, cân nhắc, có thể thử qua dàn Sony Hifi Karaoke (cặp loa 120Wx2, ampli, đầu karaoke 6 số) giá gần 4 triệu đồng/bộ, sản xuất tại Malaysia, tặng kèm micro. Thực ra, khó có chuẩn nào cho một dàn âm thanh chất lượng lại vừa ý, vì điều đó còn tùy thuộc vào túi tiền, mục đích sử dụng và sở thích của người mua. Tốt nhất, nên tham khảo người có kinh nghiệm chuyên môn trước khi quyết định “rinh” một dàn âm thanh về.

P.T