Từ 1-1-2008, lệnh cấm các loại xe tự tạo, xe 3 bánh, xe 4 bánh hết niên hạn sử dụng có hiệu lực. Quy định trên khiến các chủ phương tiện lo lắng...
Theo Nghị quyết 32/CP của Chính phủ, từ 1-1-2008, lệnh cấm các loại xe tự tạo, xe 3 bánh, xe 4 bánh hết niên hạn sử dụng có hiệu lực. Quy định trên khiến các chủ phương tiện lo lắng: Phải chuyển đổi nghề gì? Nông dân thì chưa biết dùng phương tiện chuyên chở gì thay đôi vai. Vấn đề này thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người đang hàng ngày vận chuyển vật liệu, nông sản, hàng hóa bằng những phương tiện trên.
° Vai trò vận tải chủ lực
Nhiều năm qua, hình ảnh xe công nông (XCN - thường gọi là xe cọc cạch) ngày ngày chạy khắp nẻo đường quê đã quen thuộc với người dân nông thôn, miền núi. Hàng hóa, nông, thổ sản, vật liệu xây dựng hay phân bón, vật tư nông nghiệp… đều nhờ XCN. Với ưu thế cơ động, đi được trên nhiều địa hình phức tạp, không xe nào sánh kịp XCN khi vào ra đồng ruộng, leo núi, vượt suối, băng rừng. XCN làm được những việc mà nhiều loại xe khác phải “chào thua” như: hái củi, lủi sình, cứu hộ… Có thể nói, XCN có vai trò vận tải chủ lực ở nông thôn, miền núi. Nông dân hết lời ca ngợi XCN giải phóng sức lao động, giải phóng “đôi vai” cho họ mà quên đi sự thiếu an toàn của XCN trong giao thông nông thôn, xem thường những tai nạn giao thông do loại xe này gây ra.
Vai trò vận tải đắc lực của XCN đã khiến nhiều cơ sở “sản xuất” loại xe này thi nhau mọc lên. Hầu như xóm thôn nào cũng có vài điểm tự chế và cho “ra lò” XCN. Sử dụng các tổng thành của ô tô, máy móc phế bỏ, các cơ sở này lắp thêm động cơ nổ, rồi “tân trang” và cho “xuất xưởng” những chiếc XCN mới. Một XCN “bèo” cũng có giá 20 - 30 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình ở nông thôn còn mua bằng được XCN để vận chuyển và thực tế, xe này giúp họ “phất” lên trông thấy.
° Trước giờ “G”
Anh Đặng Thanh Quang (thôn Bãi Giếng 2, Cam Hải Tây, Cam Lâm) bức xúc: “Tôi chạy xe thuê cho người ta đã mấy năm, gần đây mới vay vốn ngân hàng 30 triệu đồng mua được chiếc XCN. Bây giờ Nhà nước cấm, sắp tới biết làm gì để sinh sống?”. Anh Quang có 3 con nhỏ, vợ anh không có việc làm ổn định. Tin Nhà nước sắp cấm lưu hành XCN khiến anh chị bàng hoàng. Anh Đỗ Thiện (Vĩnh Trung, Cam An Nam, Cam Lâm) cũng “hoàn cảnh” không kém. Anh tâm sự: “Đói, chạy xe cọc cạch lên rừng kiếm ăn, không dám chạy về làng. Bây giờ Nhà nước cấm, chưa biết tính sao”. Anh Thiện có 5 con, tiền kiếm được ngày cao nhất (mùa nắng, nhiều người thuê) khoảng 100.000 đồng, những tháng mưa thì chịu. Vợ chồng anh trồng thêm 4 sào mía nhưng hiện bị dịch bệnh, lỗ nặng. Anh chị đang lo lắng không biết chuyển đổi nghề thế nào. Chính quyền xã đã mời anh lên để yêu cầu cam kết và hướng dẫn: một là lên cơ giới (sắm xe mới); hai là xuống thô sơ (cộ bò). Anh chị ngao ngán: Lên cơ giới thì không có tiền. Một chiếc xe chở hàng, giá thấp nhất cũng gần 200 triệu đồng (loại 2 tấn). Còn xuống cộ bò thì làm sao đủ nuôi 7 miệng ăn?
Một cán bộ xã Cam An Nam cho biết, do biết lệnh cấm, nhiều người đã bán XCN. Hầu hết là rã máy, bán phế liệu, cao nhất được 10 triệu đồng (4.000 đồng/kg sắt phế liệu)...
° Tín hiệu vui
Chủ trương cấm các loại phương tiện tự tạo, hết niên hạn, không bảo đảm về quy trình, quy phạm kỹ thuật và an toàn giao thông là đúng, rất cần được nghiêm túc chấp hành. Một cán bộ Sở Giao thông vận tải cho biết, việc cấm lưu hành loại phương tiện này đã nới lỏng một thời gian dài, gây nên tình trạng lộn xộn trong giao thông. Đã đến lúc cần triển khai quyết liệt để tạo ra sự an toàn trong giao thông. Sắp tới, máy cày, máy kéo sẽ đảm nhận vai trò thay xe cọc cạch.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa IV, ông Võ Lâm Phi - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo, sẽ có chính sách hỗ trợ những nông dân chuyển đổi XCN sang loại phương tiện khác. Đây là tín hiệu vui cho những người đang hành nghề bằng XCN. Tuy nhiên, những người đang hành nghề bằng các phương tiện tự tạo khác (xe ba gác máy, xích lô máy, xe lôi… không đăng ký) cũng rất mong được hỗ trợ chuyển đổi nghề.
QUANG VIÊN