05:12, 01/12/2007

Chưa chạy đã có... “vấn đề”!

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức triển khai thực hiện thí điểm xã hội hóa tuyến xe buýt liên huyện không trợ giá...

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức triển khai thực hiện thí điểm xã hội hóa tuyến xe buýt liên huyện không trợ giá: Nha Trang - Cam Ranh, Nha Trang - Ninh Hòa - Vạn Ninh, Nha Trang - Khánh Vĩnh và ngược lại. Theo báo cáo kết quả xét chọn của Sở GTVT: Công ty TNHH Đông Đức là nhà đầu tư 2 tuyến: Nha Trang - Ninh Hòa - Vạn Ninh và Nha Trang - Khánh Vĩnh, tuyến Nha Trang - Cam Ranh sẽ do Công ty TNHH Du lịch và Vận tải (DL-VT) Phương Trang đầu tư. Tuy nhiên, kết quả này hiện vẫn chưa được các doanh nghiệp (DN) thực sự “tâm phục khẩu phục” và nhiều vấn đề về lộ trình của tuyến vẫn đang còn gây tranh cãi.

° Vì sao công ty TNHH Đông Đức được ưu tiên?

Với hạ tầng đường sá chật hẹp, việc bố trí các luồng xe buýt trùng nhau dễ dẫn đến ách tắc giao thông.

Theo Sở GTVT, chủ trương xã hội hóa xe buýt của tỉnh đã có từ cuối năm 2006. Sở GTVT đã thông báo chủ trương này cho các đơn vị có khả năng tham gia nhưng không có DN nào đăng ký. Đầu năm 2007, Công ty TNHH Đông Đức là DN đầu tiên đăng ký tham gia đầu tư cả 3 tuyến, sau đó Công ty TNHH DL-VT Phương Trang cũng xin đăng ký. Ngày 1-9-2007, Sở GTVT chính thức có văn bản thông báo mời các DN tham gia. Lần này có thêm Công ty Dịch vụ vận tải (DVVT) Khánh Hòa đăng ký tham gia. Tuy nhiên, Công ty TNHH Đông Đức được ưu tiên chọn làm nhà đầu tư 2 tuyến xe buýt vì tuyến Nha Trang - Khánh Vĩnh không có đơn vị nào tham gia, riêng tuyến Nha Trang - Ninh Hòa - Vạn Ninh thì Công ty này được ưu tiên vì là DN đầu tiên đăng ký tham gia đầu tư và đã được các sở, ngành thẩm định, trình UBND tỉnh cho chủ trương lập dự án. Ngay tại cuộc họp xét chọn, Công ty DVVT Khánh Hòa đã xin rút hồ sơ vì cho rằng những ưu tiên này không hợp lý. Ông Hoàng Ân - Giám đốc Công ty DVVT bức xúc: “UBND tỉnh chỉ có công văn số 6196/UBND đề nghị ưu tiên cho Công ty TNHH Đông Đức chứ không đề nghị giao tuyến này cho Công ty Đông Đức. Và nếu ưu tiên cũng chỉ ưu tiên về mặt thời gian đăng ký chứ không thể ưu tiên hết tất cả các lĩnh vực khác. Nếu xét chọn đơn vị có khả năng để thực hiện tốt dự án thì các vấn đề về năng lực tài chính, khả năng quản lý điều hành, nguồn vốn… quan trọng hơn nhiều so với tiêu chí về thời gian đăng ký”.

Ông Phạm Hữu Tuyên - Giám đốc Chi nhánh Công ty Phương Trang cho biết: “Công ty Phương Trang nộp hồ sơ chậm hơn vì biết thông tin này sau. Hoạt động xe buýt liên huyện là một hoạt động xã hội và tính lợi nhuận rất thấp. Công ty Phương Trang đã có kinh nghiệm về việc tổ chức tuyến liên huyện ở Lâm Đồng nên biết rõ vấn đề này. Nếu Công ty không có năng lực mạnh, khả năng quản lý tốt thì việc tổ chức hoạt động sẽ rất khó khăn”. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, nếu đưa ra xét công khai thì 2 DN kia chắc chắn không thể bằng Công ty Đông Đức. Nếu đã như thế, vì sao Sở GTVT không tổ chức xét duyệt công khai hay tổ chức đấu thầu như chỉ đạo ban đầu của UBND tỉnh để tránh “lời ra tiếng vào” như hiện nay?

° Lộ trình xe buýt liên huyện có nên chạy xuyên qua trung tâm thành phố?

Lộ trình của tuyến xe buýt liên huyện cũng là vấn đề đang gây bàn cãi. Trong cuộc họp mới đây, tuy đại diện của TP. Nha Trang và các ngành không thống nhất, nhưng Sở GTVT vẫn quyết định cho lộ trình xe buýt liên huyện chạy xuyên qua thành phố để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Theo Sở GTVT: Với thực trạng mạng lưới giao thông đường bộ tại TP. Nha Trang hiện nay (chỉ có 2 tuyến đường vào thành phố) thì việc chồng tuyến giữa các tuyến liên huyện với các tuyến xe buýt trong đô thị là không thể tránh khỏi. Do vậy, khi triển khai dự án các tuyến liên huyện, Sở GTVT sẽ chọn hướng tuyến sao cho việc trùng lắp giữa các tuyến xe buýt liên huyện và các tuyến xe buýt hiện có sẽ ở mức thấp nhất. Trên các tuyến xe buýt liên huyện, đối với những đoạn đường chạy trong đô thị, Sở GTVT sẽ quy định khoảng cách tối thiểu giữa các điểm dừng đón khách là 1km và các điểm dừng của 2 tuyến không được trùng nhau. Đại diện Công ty DVVT cho biết: Theo Quyết định của Bộ GTVT “Ban hành quy định về quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt”, các tuyến xe buýt liên huyện sắp hoạt động là tuyến xe buýt nội tỉnh, không phải là tuyến xe buýt đô thị nên việc vạch lộ trình các tuyến này chạy từ huyện về, tiếp tục chạy xuyên qua trung tâm thành phố là không hợp lý, điều này sẽ gây ra chồng chéo với 6 tuyến xe buýt đô thị mà Công ty DVVT đang quản lý.

Bên cạnh đó, điều khiến TP. Nha Trang và các ngành lo ngại nhất là xe buýt nội tỉnh chạy vào thành phố sẽ làm tăng số xe và lượt xe chạy trong thành phố, làm mật độ tham gia giao thông cao, điều này sẽ dẫn đến tăng nguy cơ ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm vì đường phố Nha Trang hiện nay rất nhỏ. Đó là chưa kể đến số lượng xe khách du lịch lưu thông trong thành phố vào mùa du lịch cao điểm. Mặt khác, nguy cơ tranh giành khách trên đường và tại các điểm dừng của tuyến xe buýt nội tỉnh và xe buýt liên huyện sẽ ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Đó là chưa tính đến việc lãng phí trong đầu tư, vì với các đoạn tuyến trùng nhau sẽ phát sinh nhiều điểm dừng xe trùng hoặc sát với điểm dừng hiện có, dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu, lượng khách bị phân chia, làm tăng trợ giá. Bài học về việc xe buýt gây kẹt xe ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay là vấn đề mà các cơ quan quản lý của tỉnh cần xem xét và rút kinh nghiệm.

Tổ chức các tuyến xe buýt liên huyện là yêu cầu bức thiết hiện nay của nhân dân trong tỉnh và là bước phát triển tất yếu của hoạt động vận tải khách công cộng nhằm tạo mọi thuận lợi trong việc đi lại, giảm thiểu tai nạn và ách tắc giao thông. Chính vì vậy, làm thế nào để tổ chức tốt hoạt động của các tuyến xe này là vấn đề mà các nhà quản lý cần cân nhắc và xem xét kỹ, tránh đến những hệ lụy về sau.

BÍCH KHUÊ


Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Mai - Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh: “Bản thân xe buýt không gây kẹt xe nhưng cách bố trí luồng tuyến trùng lắp là một trong những nguyên nhân gây kẹt xe. Nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho thấy mức độ trùng lắp của xe buýt TP. Hồ Chí Minh là 65,5%, trong khi ở các nước khác, con số này chỉ khoảng 30%. Việc trùng lắp tuyến xe buýt không những gây kẹt xe mà còn làm lãng phí việc trợ giá, giảm số lượng khách trên từng chuyến, từng tuyến…”.