09:12, 04/12/2007

Giá cước vận tải sẽ tăng bình quân 7% – 9%

Khác với các lần trước là giá dầu không tăng dù giá xăng tăng, lần này giá dầu lại tăng cao hơn giá xăng (trên 18%) lại rơi đúng vào dịp cao điểm vận chuyển cuối năm...

Khách ở các bến xe thường quá tải trong dịp Tết. Ảnh minh họa

Giáp Tết, giá xe có thể tăng 60% – 80%

Khác với các lần trước là giá dầu không tăng dù giá xăng tăng, lần này giá dầu lại tăng cao hơn giá xăng (trên 18%) lại rơi đúng vào dịp cao điểm vận chuyển cuối năm nên hầu như các doanh nghiệp vận tải không thể tiết kiệm chi phí để bình ổn giá cước mà đang rục rịch xây dựng giá cước mới.

Chưa tăng cước nhưng thêm phụ thu

Tuy chưa có đơn vị vận tải nào công khai tăng giá cước, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vận tải nhỏ đã bắt đầu phụ thu tiền xăng. Anh Cao Danh Phượng, một hành khách thường xuyên đi ô tô tuyến Nghệ An - TP. Hồ Chí Minh (HCM) cho biết, từ khi xăng dầu tăng giá, nhà xe thường thu thêm 30.000 đồng/lượt so với trước đây đối với hành khách và gọi đó là tiền phụ thu xăng dầu tăng giá. Một chủ xe, tuyến Hà Nội – TP. HCM cũng thừa nhận sau khi xăng dầu tăng giá, chúng tôi phải thu của hành khách thêm 10% giá vé. “Tuy nhiên, khi giải thích do xăng dầu tăng giá thì hành khách cũng thông cảm và chia sẻ với khó khăn của nhà xe” - chủ xe trên phân trần. Không chỉ các tuyến xe khách đường dài mà hiện nay trên địa bàn TP. HCM khi đi taxi của một số doanh nghiệp nhỏ hay hợp tác xã, tài xế đều “xin thêm” hành khách 5.000 - 10.000 đồng so giá tiền được tính trên đồng hồ. Tuy nhiên, theo phân tích của một doanh nghiệp taxi, nếu không kẹt xe thì mỗi taxi chạy 100km hết khoảng 10 lít xăng và tài xế taxi đã được bù giá xăng 1.000 đồng/lít.

Gánh nặng nhất vẫn là giá cước vận tải hàng hóa (vì hầu hết các ô tô tải đều chạy dầu). Một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa cho biết, do đã ký hợp đồng dài hạn với các chủ hàng nên khi giá dầu bất ngờ tăng hơn 18%, họ lao đao. Nhiều đơn vị vận tải đã quyết định tăng giá ngay với các hợp đồng vận tải chuyến để bù vào các chi phí đã lỡ ký hợp đồng vận chuyển dài hạn. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP. HCM đều dè dặt trả lời khi được hỏi liệu với giá xăng dầu hiện tại doanh nghiệp có tăng giá cước vận tải hay không. Họ cho đây là vấn đề nhạy cảm trong thời điểm cuối năm và họ vẫn đang nghe ngóng tình hình để đưa ra giá cước cạnh tranh.

Giá cước tăng bao nhiêu?

Tuy chưa công bố thời điểm tăng giá cước nhưng các chủ doanh nghiệp vận tải cho biết sẽ tăng 5% đến 10% giá cước, thậm chí cao hơn. Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Việt Nam, lần tăng giá xăng dầu này bất ngờ cả về thời điểm cũng như biên độ tăng. Thời điểm cuối năm, nhu cầu vận tải rất lớn trong khi biên độ tăng giá lần này cao nhất từ trước đến nay với xăng tăng trên 15% và dầu trên 18% so với mức giá cũ. Theo tính toán của các doanh nghiệp vận tải, chi phí xăng dầu trong vận tải, nhất là vận tải đường bộ chiếm xấp xỉ 40% - 50% giá thành. Với biên độ tăng giá cước như hiện nay thì giá cước vận tải phải tăng 7% - 9% (tùy theo phương tiện chạy xăng hay chạy dầu) mới hợp lý.

Tháng 7-2007, Thông tư Liên bộ Tài chính - GTVT đã cho phép các doanh nghiệp vận tải tự quyết định giá cước (nhưng phải công khai). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào công khai tăng giá cước mà đang trong giai đoạn “nghiên cứu” và nghe ngóng tình hình vì nếu tăng giá cao hơn doanh nghiệp khác thì sẽ mất khách, nếu tăng thấp hoặc không tăng thì phải chịu lỗ. Theo ông Trương Quang Mẫn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối vận tải Công ty cổ phần Mai Linh, với giá xăng tăng 1.700 đồng/lít, để duy trì lợi nhuận như cũ, giá cước taxi sẽ phải tăng từ 400 đến 500 đồng/km mới phù hợp. Trước mắt, Mai Linh tự cân đối điều chỉnh và hỗ trợ tiền xăng cho tài xế để tránh “gây sốc” cho khách hàng và góp phần bình ổn giá. Ông Mẫn cũng cho rằng trong giai đoạn hiện nay, việc tăng giá cước hay không là do các thành viên Hiệp hội Taxi TP. HCM cùng quyết định. Riêng các loại xe đi tuyến đường dài, theo ông Mẫn, nhiều doanh nghiệp hiện đã đánh tiếng xem xét việc điều chỉnh giá cước. Theo tính toán, với giá xăng hiện nay, Mai Linh sẽ phải chịu thất thu khoảng 200 triệu đồng/ngày (bình quân mỗi xe thất thu 34.000 đồng/ngày).

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe Miền Đông, hiện nay các doanh nghiệp vận tải đang xây dựng giá cước mới trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp là phải tăng từ 5% đến 10%. Tuy nhiên, qua tham khảo thông tin từ các doanh nghiệp vận tải, giá vé vận chuyển hành khách đường bộ vào dịp giáp Tết sẽ tăng tới 60% - 80% thay vì tăng từ 20% - 60% như năm ngoái.

Riêng với xe buýt, sau khi giá xăng dầu tăng, tính ra mỗi tháng mỗi xe buýt phải tốn thêm 2,7 - 3 triệu đồng trong khi giá vé và mức trợ giá vẫn không tăng. Nhiều xã viên cho biết, nếu không tính giá dầu theo đơn giá mới sẽ không kham nổi và phải bán xe. Tuy nhiên, về vấn đề này, trao đổi với PV SGGP chiều 3-12, Phó Giám đốc Sở Giao thông công chính (GTCC) TP. HCM Dương Hồng Thanh cho biết, hiện Sở GTCC đang đề nghị UBND. TP thanh toán chi phí theo giá xăng dầu mới và nếu được chấp thuận, các đơn vị vận tải xe buýt sẽ được thanh toán theo giá mới tính từ thời điểm tăng giá xăng dầu lần này.

Theo SGGP