09:12, 10/12/2007

Xã Cam Thành Nam: Khốn đốn vì dịch rầy, sâu

Trên 160 ha mía bị đổ, ngập úng do ảnh hưởng của cơn bão số 7 chưa kịp khắc phục thì hàng trăm hộ nông dân ở xã Cam Thành Nam (Cam Ranh, Khánh Hòa) lại tiếp tục khốn đốn...

Sâu đục thân, rầy lửa đang là nỗi ám ảnh của người trồng mía xã Cam Thành Nam.

Trên 160 ha mía bị đổ, ngập úng do ảnh hưởng của cơn bão số 7 chưa kịp khắc phục thì hàng trăm hộ nông dân ở xã Cam Thành Nam (Cam Ranh, Khánh Hòa) lại tiếp tục khốn đốn với dịch rầy, sâu đang tàn phá hàng trăm ha mía - cây trồng chủ lực của xã.

Tan hoang vùng mía

Theo chân anh Lê Thái Hùng - cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Cam Thành Nam, chúng tôi đến thôn Quảng Hòa - một trong những thôn có số lượng mía bị thiệt hại do dịch rầy, sâu tàn phá cao nhất xã. Dọc 2 bên đường dẫn vào thôn, những rẫy mía đang thời kỳ phát triển xơ xác, tan hoang. Các cây mía cao quá đầu người vàng úa, héo rũ, khô cứng như vừa trải qua đợt nắng hạn gay gắt. Ông Lê Tấn Thích - thôn Quảng Hòa, lật cho tôi xem những lá mía bị rầy bu bám đen đặc, than: “Nguồn sống chính của gia đình tôi trông chờ vào 1 ha mía này. Nhưng gần 2 tháng nay đám mía đang phát triển xanh tốt, chuẩn bị cho thu hoạch thì bị rầy, sâu tấn công. Cây mía cứ héo dần, héo mòn rồi chết, xót cả ruột. Tiền mua thuốc, mướn công thợ để phun xịt thuốc quá cao, gần 450.000 đồng, mà một tháng phải phun xịt từ 2 - 3 lần, lấy tiền đâu ra? Cứ đà này không biết Tết này cả nhà tôi sống bằng gì”. Gần đó, 5 sào mía của chị Nguyễn Thị Hạnh cũng bị dịch rầy, sâu tàn phá tan hoang.

Không chỉ ở thôn Quảng Hòa, nhiều rẫy mía của người dân ở thôn Hòa Do 7, Quảng Phúc cũng khốn đốn không kém vì dịch rầy, sâu. Do đây là thời điểm gần thu hoạch nên hầu hết các cây mía đều phát triển cao quá đầu, việc phun hay xịt thuốc trừ rầy, sâu để dập dịch rất khó thực hiện. Ngoài ra, chi phí mua thuốc, mướn công thợ để phun, xịt thuốc cũng vượt ngoài khả năng của người dân.

Khó dập dịch

Theo số liệu thống kê của UBND xã Cam Thành Nam, có 280/558 ha mía của xã bị thiệt hại do dịch rầy, sâu. Trong đó, thôn Quảng Hòa có diện tích mía bị thiệt hại nặng nhất với 143 ha, kế đến là thôn Quảng Phúc với 127 ha, còn lại là thôn Hòa Do 7. Ông Nguyễn Trung Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Dịch xảy ra khi cây mía đã phát triển cao nên biện pháp xịt, phun thuốc trừ sâu, rầy không khả thi. Khi phát hiện dịch, xã đã làm báo cáo gửi lên thị xã xin hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật cho người dân ở những đám mía mới trồng, mía giữ làm giống. Hiện chúng tôi đang khuyến cáo bà con vừa kết hợp phun thuốc với rọc bỏ bớt lá cây mía để lấy ánh sáng mặt trời tiêu diệt rầy, sâu”.

Xác xơ rẫy mía.

Được biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh rầy, sâu trên cây mía ở xã Cam Thành Nam. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do người dân đã sử dụng giống mía cũ F146, F145… để trồng, trong khi những loại giống này đã được trồng hơn chục năm nên ít nhiều đã bị thoái hóa dẫn đến khả năng chống dịch bệnh yếu (đối với một giống mía chỉ trồng khoảng 4 - 5 năm là phải thay giống mới thì khả năng chống sâu bệnh mới cao). Mưa kéo dài liên tục trong nhiều ngày; giá phân bón tăng cao trong khi giá bán mía ngày càng thấp dẫn đến tâm lý “trồng thí, trồng đại” của người dân. Ngoài ra, việc thiếu thông tin và nguồn giống các loại mía mới (Mi 5514, R 570…) không ổn định cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

 Với tình hình trên, nếu các cấp, ngành liên quan của thị xã Cam Ranh không có hướng giải quyết kịp thời thì dịch rầy, sâu sẽ không chỉ xảy ra trong phạm vi xã Cam Thành Nam mà có khả năng bùng phát sang các xã bên cạnh.

BÁ NGHĨA