Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh đánh giá thương mại điện tử của Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn phát triển mạnh mẽ và sâu rộng...
Giao diện một trang web của Trung tâm Thương mại điện tử Việt Nam. |
Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh đánh giá thương mại điện tử của Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.
Đến nay, đã có khoảng 38% số doanh nghiệp có website và hơn 93% số doanh nghiệp kết nối internet sử dụng vào sản xuất kinh doanh.
Thương mại điện tử đã phát triển từ những dịch vụ đơn giản và phổ thông nhất như cung cấp nhạc chuông, tra cứu thông tin, trò chơi, bình chọn kết quả, xem phim, nghe nhạc đến các lĩnh vực như báo điện tử, đào tạo trực tuyến, cơ sở dữ liệu trực tuyến và sàn giao dịch trực tuyến.
Các ngân hàng thương mại cũng đang đẩy mạnh triển khai các dịch vụ điện tử như ngân hàng trực tuyến, tin nhắn ngân hàng, thanh toán điện tử.
Đặc biệt, các sàn giao dịch điện tử đang thu hút đông đảo các doanh nghiệp tham gia. Nhiều doanh nghiệp đã tìm được đối tác mới, hợp đồng mới thông qua các sàn thương mại điện tử B2B (giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp).
Khoảng 13% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã có cơ sở dữ liệu kết nối trực tiếp đến đối tác. Đây sẽ là tiền đề phát triển thương mại điện tử B2Bi (giao dịch trực tiếp giữa các doanh nghiệp trên quy mô lớn) trong tương lai.
Tuy nhiên, sự phát triển trong lĩnh vực thương mại điện tử còn có một số hạn chế và trở ngại như vấn đề bảo mật dữ liệu chưa đảm bảo, hành lang pháp lý chậm hoàn thiện, dịch vụ chứng thực chữ ký số chưa phát triển và hợp tác quốc tế về thương mại điện tử chưa toàn diện.
Hiện nay vấn đề an ninh mạng, bao gồm bảo vệ dữ liệu cá nhân trong giao dịch điện tử, đã là trở ngại hàng đầu trong số 7 trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam (năm 2006 đứng hàng thứ ba).
Trong số 289 website thương mại điện tử Việt Nam được khảo sát vào cuối năm 2006, chỉ có 74 website công bố chính sách bảo vệ thông tin khách hàng (chiếm 26%). Đối với những website thương mại điện tử chuyên nghiệp B2B, tỷ lệ xây dựng chính sách bảo vệ dữ liệu cũng chỉ là 57%.
Vì vậy, tình trạng ăn cắp dữ liệu cá nhân, thông tin tài khoản đang diễn ra ngày càng phổ biến và phần đông người tiêu dùng dè dặt hơn đối với việc tham gia giao dịch điện tử.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có những văn bản quy phạm pháp luật mang tính hệ thống và chặt chẽ về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Vụ trưởng Vụ Thương mại Điện tử, Bộ Công thương cho biết, dự kiến cuối năm nay sẽ có 2 văn bản được ban hành gồm Nghị định hướng dẫn Luật Công nghệ thông tin điều chỉnh về vấn đề thư rác và Thông tư hướng dẫn Nghị định thương mại điện tử về giao kết hợp đồng trên website, sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý cơ bản cho việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo TTXVN