Sự kiện xăng tăng giá 1.700 đồng/lít vừa qua và các mặt hàng thiết yếu trở nên đắt đỏ khiến nhiều người tiêu dùng… stress (căng thẳng)...
Đắn đo trước khi mua hàng. |
Sự kiện xăng tăng giá 1.700 đồng/lít vừa qua và các mặt hàng thiết yếu trở nên đắt đỏ khiến nhiều người tiêu dùng… stress (căng thẳng).
° Ăn sáng cũng phải tính
Quán miến ngan đặc sản Hải Phòng trên đường Hồng Bàng (Nha Trang) hơn tuần nay đã tăng từ 10.000 lên 12.000 đồng/tô. Các quán phở khác trong thành phố cũng đua nhau tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng/tô. Không cần bàn nhiều, ai cũng biết bữa ăn sáng rất quan trọng. Giá các nguyên liệu đầu vào như gạo, than, dầu ăn… tăng làm người bán đồ ăn sáng cũng phải nhấp nhổm. Bởi nếu giữ giá thì sợ thiệt mà bán ít đi, khách lại than phiền.
Ngay cả ở các quán ăn bình dân, nhiều chủ quán cũng có chính sách “thắt lưng buộc bụng” cho khẩu phần ăn của khách. Tiệm bánh canh vỉa hè trên đường Bà Triệu (Nha Trang) tấp nập người, “giá vẫn 4 ngàn đồng/tô như mọi khi, nhưng bánh canh và chả cá thì ít đi đáng kể”, một cậu học sinh vừa gọi thêm tô thứ 2 vì “phải ăn tô nữa mới no, may mà mẹ cho em thêm tiền ăn sáng”. Chuyện tăng giá một vài ngàn đồng một bữa điểm tâm đối với người thu nhập 2 - 3 triệu đồng/tháng trở lên có thể là chuyện nhỏ, nhưng với những gia đình đông người, thu nhập thấp thì đó quả là vấn đề nan giải. Có không ít nhà quay về với thói quen nấu cơm sáng.
° Giá ơi, chờ lương với!
Từ ngày 1-1-2008, mức lương tối thiểu sẽ tăng lên 540.000 đồng, nghĩa là tăng 20% so với hiện nay, nhưng điều này dường như không làm nhiều người lao động tỏ ra lạc quan. Bởi lẽ, lương thì chỉ có một, nhưng hàng chục mặt hàng đua nhau tăng giá.
Nhiều bà nội trợ nói vui rằng giá cả lên như nước thủy triều lên. “Giờ ra chợ thấy thứ gì cũng sợ, mình cầm tờ 100.000 đồng mà đứng ngơ ngác mãi, không biết mua gì ăn cho đủ 2 ngày?”, một chị nhân viên văn phòng than.
Tại chợ Xóm Mới (Nha Trang), giá lương thực - thực phẩm tăng đáng kể. Gạo các loại tăng từ 200 đến 500 đồng/kg, đặc biệt là gạo nở và gạo Thành. Nhiều loại đậu cũng tăng; đậu phụng tăng 3.000 đồng, lên 24.000 đồng/kg loại I; đậu xanh tăng 1.000 - 2.000 đồng (giá 14.000 - 15.000 đồng/kg); đậu nành tăng 1.000 đồng, lên 11.000 đồng/kg. Giá nhiều loại rau, củ, quả cũng tăng mạnh từ 20 đến 50%. Rau muống giá 5.000 đồng/bó nhỏ; xúp-lơ Đà Lạt: 22.000 đến 25.000 đồng/búp; bí xanh: 6.000 đồng/kg; dưa leo: 5.000 đồng; ổ qua 8.000 đồng/kg; đậu cô-ve xanh: 10.000 đồng/kg. Riêng thịt bò, giá vẫn ở mức 85.000 đồng/kg đối với thịt loại I và 90.000 đồng/kg với thịt philê...
° Người bán cũng lo
Giá hàng hóa tăng không chỉ ảnh hưởng tới người mua, mà người bán cũng rầu. Chị Thư, chủ tiệm tạp hóa trên đường Phương Sài (Nha Trang), nói như than: “Khách đến mua không còn thoáng như trước, thay vì trước mua 10 thì giờ chỉ còn 5 hay 7 là cùng. Doanh thu giảm đi nhiều”. Thật vậy, giá cả lên làm các bà nội trợ tính toán chi li hơn. “Sữa bịch Vinamilk trước chỉ 2.700 đồng giờ lên 3.500 đồng/bịch. Ngày trước mình mua mỗi lần cả thùng về cho tụi nhỏ, nay chỉ dám lấy nửa thùng. Nghe đâu đầu tháng 12 giá sữa còn tăng tiếp” - một khách hàng rầu rĩ khi rời tiệm tạp hóa trên đường Yết Kiêu - Nha Trang.
Thêm một khuynh hướng trong thời buổi tăng giá ở dân buôn bán nhỏ là chịu khó tích trữ hàng. Nếu nhà phân phối có chính sách khuyến mại, người buôn bán nhỏ sẽ cố mua nhiều để tranh thủ tiết kiệm chi phí. Thấy tôi ngạc nhiên với 12 thùng sữa đặc chất ở góc quán, chị chủ tiệm cà phê đường Thống Nhất (Nha Trang) giải thích: “Thấy mua 1 thùng sữa được tặng thêm 3 lon, tui gọi luôn 12 thùng, để pha cà phê dần; vả lại được tặng 36 lon miễn phí, cũng đỡ”.
Tại Siêu thị Maximark Nha Trang, giá nhiều loại đồ hộp (sữa, đồ uống) và lương thực tăng bình quân 5 - 10%; mỹ phẩm và giấy vệ sinh tăng không đáng kể, chỉ 3%. Chị Phan Thị Minh Hà, Giám đốc Siêu thị cho biết, ngay từ tháng 10-2007, nhiều chủ đơn hàng thông báo tăng giá do nguyên liệu sản xuất và chi phí vận chuyển tăng. Tuy nhiên, Siêu thị có lợi thế lớn là làm việc cùng lúc với nhiều nhà cung cấp hàng tận gốc. Nếu họ có chính sách tăng giá thì phải báo trước 30 ngày; dựa vào đó, Siêu thị có kế hoạch trữ hàng và giữ giá bán ổn định trong một thời gian dài hơn so với những nơi bán lẻ.
Có thể nói, không phải đợi đến lúc giá xăng trong nước tăng thì những mặt hàng khác mới tăng theo. Thực chất, việc giá dầu thế giới xấp xỉ 100 đôla/thùng và đồng đôla suy giảm trước thời điểm 22-11 đã “đổ thêm dầu vào lửa”, làm giá nguyên vật liệu sản xuất tăng, đẩy giá thành sản phẩm lên là chuyện đương nhiên. Xem ra, bức tranh chi tiêu đang và sẽ phải có thêm nhiều tình huống “linh động”…
PHƯƠNG TRANG
|