Đại diện các tổ chức nước ngoài nhận định rằng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bắt đầu có những động thái tích cực để triển khai cam kết gia nhập Tổ WTO...
Ảnh minh họa. |
Đại diện các tổ chức nước ngoài nhận định rằng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bắt đầu có những động thái tích cực để triển khai cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng còn chậm trễ trong việc phê duyệt thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Bên lề Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) tại Hà Nội ngày 4-12, Giám đốc ngân hàng Mỹ Citigroup tại Việt Nam Charly Madan, người đồng thời là Trưởng Nhóm công tác về Ngân hàng tại diễn đàn VBF nói Việt Nam đã phần nào tuân thủ việc thực hiện cam kết của mình theo một lộ trình phù hợp, song vẫn chậm trễ trong thủ tục cấp phép.
Theo cam kết gia nhập WTO, bắt đầu từ ngày 1-4-2007, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ đó tới nay vẫn chưa có ngân hàng ngoại nào được thành lập.
“Toàn bộ các cam kết WTO của Việt Nam bao gồm cả cam kết mở cửa lĩnh vực thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài từ tháng 4 năm nay và chúng tôi muốn được nhìn thấy cam kết này được thực hiện trong thời gian sớm nhất có thể”, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) Alain Cany nói tại VBF.
Trả lời vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phùng Khắc Kế cho biết, không phải Ngân hàng Nhà nước chậm trễ mà là việc cấp phép phải dựa trên các điều kiện trong Nghị định 22 về tổ chức và hoạt động của ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.
Ngay cả trong trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đã đáp ứng đủ điều kiện trong nghị định thì vẫn còn một yêu cầu nữa là giữa Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng trung ương tại quốc gia có tổ chức muốn thành lập ngân hàng tại Việt Nam phải ký một thỏa thuận ghi nhớ về trao đổi các thông tin thanh tra, giám sát.
Theo ông Kế, cho tới thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 5 bộ hồ sơ xin thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài của 3 quốc gia. Tuy nhiên, mới chỉ có Ngân hàng trung ương Ôxtraylia ký thỏa thuận ghi nhớ về trao đổi thông tin với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhận được 19 hồ sơ xin cấp phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trong số này, có 3 hồ sơ đã được chấp thuận về mặt nguyên tắc là Commonwealth Bank của Ôxtraylia, IBK của Hàn Quốc và Fubon của Đài Loan.
Tại diễn đàn năm nay, Nhóm công tác về ngân hàng còn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các quy định về cho vay ngoại hối, xây dựng và làm rõ quy định về tài chính tiêu dùng và nới lỏng biên độ giao dịch ngoại hối.
Theo TTXVN